Chia sẻ về điều này, TS. Nguyễn Thị Chính (Trường ĐH Đồng Tháp) cho rằng: Chương trình mới môn Ngữ văn được xây dựng theo hướng mở; không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học và tiếng Việt cùng với 06 văn bản văn học bắt buộc.
Những văn bản khác được chương trình nêu lên trong phần phụ lục chỉ như một gợi ý về ngữ liệu, minh họa cho sự thích hợp về kiểu loại và đề tài, mức độ và dung lượng của văn bản, nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp và nhóm lớp.
Do đó, văn bản lớp trên có chuyển xuống lớp dưới khi khai thác cũng chỉ nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt ở khối lớp đó, nghĩa là sẽ được khai thác ở mức độ phù hợp với trình độ học sinh.
“Ở đây yêu cầu cần đạt mới là đích cần đến còn nội dung dạy học chỉ là phương tiện để đạt được đích ấy. Còn với văn bản mới nếu có áp lực thì chỉ với thầy chứ với trò văn bản nào cũng là mới.
Hơn nữa, những văn bản mới đó cũng sẽ được các tác giả sách giáo khoa, sách tham khảo đưa vào, và vì giáo viên được chủ động chọn bài để dạy, nên nếu không thích, không đủ tự tin thì có thể chọn tác phẩm khác miễn nó có thể đáp ứng được yêu cầu cần đạt” - TS. Nguyễn Thị Chính cho biết
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Chính, trong thiết kế chương trình mới, giáo viên dạy Ngữ văn giờ không phải chủ yếu giảng cho học sinh về các tác phẩm mà cái chính là trang bị cho học sinh phương pháp tiếp cận tác phẩm thông qua ngữ liệu mẫu.
Nói cách khác nhiệm vụ của giáo viên giờ đây là thông qua ngữ liệu mẫu để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Mục tiêu đánh giá kết quả của học sinh là năng lực chứ không phải là tri thức như trước đây.
Như vậy nếu nhìn vào số tác phẩm được gợi ý đưa vào chương trình mà cho là sức ép, là áp lực và chương trình vì vậy chưa thật sự giảm tải là hiểu chưa đúng với tinh thần hay quan điểm xây dựng chương trình mới của Bộ GD&ĐT.