Phát huy tính linh hoạt sáng tạo trong dạy và học môn Ngữ văn

GD&TĐ - Đồng tình với những đổi mới của Dự thảo nội dung môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông, nhiều giáo viên tại TPHCM cho rằng, Dự thảo đã tạo sự linh hoạt trong dạy học cho thầy và trò, chú trọng đến tính thực tế của môn Ngữ văn. Từ những đổi mới chương trình đặt ra nhiều yêu cầu đối với đội ngũ giáo viên trong giảng dạy và HS trong việc học Văn.

Phát huy tính linh hoạt sáng tạo trong dạy và học môn Ngữ văn

Khơi dậy sự sáng tạo của giáo viên

Thầy Hoàng Long Trọng (GV Ngữ văn, Trường THCS Văn Lang, quận 1) cho rằng, những thay đổi trong môn Ngữ văn sẽ tạo sự thay đổi rất lớn trong quá trình giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Giáo viên sẽ không phải là người “đổ kiến thức lên học sinh” và HS không phải là người “thụ động” tiếp nhận kiến thức. Các em HS sẽ chủ động khám phá tri thức bằng năng lực, kỹ năng của bản thân. Quá trình khám phá tri thức sẽ đi từ nội tại bản thân HS đi ra. Đây sẽ là một thay đổi lớn, hứa hẹn nhiều phương pháp, cách thức giảng dạy mới, đầy sáng tạo, hiệu quả của giáo viên nở rộ trong tương lai.

Những định hướng mở về bài dạy, về tác phẩm văn học sẽ là mảnh đất để phát huy năng lực văn chương của người học; khiến HS có những nốt rung thực sự của tâm hồn trước một văn bản mà các em thực sự yêu thích.

Ngoài ra, mục tiêu thiết kế môn học thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong thi cử và đánh giá học sinh. Điều này giúp GV đánh giá HS một cách tổng quát và chính xác nhất năng lực của các em.

Đồng quan điểm với việc để giáo viên linh hoạt và thỏa sức sáng tạo trong giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thu Trang, giáo viên Ngữ văn Trường THPT Đào Sơn Tây, quận Thủ Đức nhấn mạnh: Khi giáo viên tiếp thu nội dung mới trên cơ sở căn cứ vào phương pháp giảng dạy mà dự thảo đề cập đặt ra cho giáo viên những cơ hội để thỏa sức sáng tạo trong dạy học, có thời gian để mở rộng không gian và hình thức và học tập cho các em: Đưa học sinh đi xem kịch với những tác phẩm hay, dạy học dự án, tự phân đoạn, đóng kịch với các tác phẩm… gắn liền văn học với cuộc sống cho để các em vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Quan trọng hơn, dựa trên mục tiêu mà Dự thảo đã nêu, mỗi giáo viên sẽ cụ thể hóa mục tiêu này ra, tùy cấp độ, văn học giúp các em có được cách hành văn mạch lạc, sử dụng tiếng Việt lưu loát, có vốn từ phong phú, đọc, hiểu, cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương, phát triển con người nhân văn, sống có cảm xúc, tình cảm, biết chia sẻ và yêu thương mọi người xung quanh… Dự thảo cũng rất chú trọng đến kỹ năng e nói của HS để tăng khả năng giao tiếp, tranh luận… để các em thấy được tính thiết thực của môn Văn, thay vì hiện nay có không ít em học Văn để đối phó thi cử.

Tương tự, thầy Đỗ Đức Anh, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cho rằng, GV, HS nói riêng, cả xã hội nói chung đang rất chờ mong sự thay đổi trong chương trình mới. Với riêng môn Ngữ văn, Dự thảo cho thấy sự thay đổi tích cực so với chương trình hiện hành. Chương trình mới đã chú trọng nhiều hơn đến tính ứng dụng thực tế của môn Ngữ văn…

Chú trọng bồi dưỡng giáo viên

Nhất trí với dự thảo liên quan đến bộ môn Ngữ văn (ở cấp tiểu học là Tiếng Việt), ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa (Bình Thạnh, TPHCM), cho rằng: Dự thảo có nhiều điều mới, linh hoạt góp phần phát huy khả năng cá thể hóa đối với HS. Trong phần nội dung chương trình dự thảo nêu: Kiến thức tiếng Việt với các nội dung chủ yếu là: (i) Ngữ âm và chữ viết; (ii) Từ vựng; (iii) Ngữ pháp; (iv) Hoạt động giao tiếp; (v) Sự phát triển của ngôn ngữ… Cho thấy dự thảo đã rất chú trọng phát triển kĩ năng của trẻ: Nghe nói, đọc viết giúp trẻ hoàn thiện về ngôn ngữ một cách toàn diện. Vừa dạy tiếng Việt nhưng lồng ghép thêm những kỹ năng khác để đạt mục tiêu giáo dục đề ra.

Từ Dự thảo chương trình mới, bộ sách giáo khoa mới, thầy Sơn cũng hi vọng việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên cũng cần có sự thay đổi. Trước đây, giáo viên được tập huấn thông qua các chuyên viên hoặc giáo viên cốt cán trong quận. Việc tập huấn như thế chưa mang lại hiệu quả cao vì báo cáo viên chưa nắm rõ “ý đồ” của người soạn sách. Cho nên khi giáo viên đặt câu hỏi, báo cáo viên cũng không thể trả lời theo ý muốn. Ngoài ra, mỗi TP và mỗi quận tổ chức khác nhau nên cũng gặp tình trạng tam sao thất bản trong quá trình báo cáo, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Theo thầy Sơn, hình thức và thời gian tập huấn cũng cần được xem xét sao cho phù hợp, có thể linh hoạt bằng nhiều hình thức như tập huấn tập trung, tập huấn online, tập huấn thông qua những diễn đàn... để giáo viên chủ động học tập. Mặt khác, chủ biên của sách nên công bố số điện thoại, mail, Facebook cá nhân để giáo viên khi gặp khó khăn sẽ liên hệ với người soạn sách giáo khoa để được giải đáp.

Ở góc độ khác, thầy giáo Đỗ Đức Anh cũng góp ý: Sách giáo khoa nên có những phần mở để giáo viên sáng tạo, linh hoạt thực hiện nội dung chương trình, tăng tiết ngoại khóa, hoặc có thời gian nhiều hơn để thực hiện dự án dạy học mang tính nhân văn, lồng ghép kiến thức văn học, xã hội, liên môn cho HS.

Và như một tất yếu, chương trình thay đổi thì đòi hỏi người giáo viên cần chủ động hơn, sáng tạo hơn với những điều mình sẽ dạy. Giáo viên cần mang hơi thở cuộc sống vào sách giáo khoa và mang sách ra ngoài cuộc sống. Đừng để sách chỉ là những lý thuyết và chữ nghĩa khô cứng trên mặt giấy.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, điều đáng chờ đợi nhất là chương trình đã chú trọng đến kĩ năng nói và nghe của HS. Văn không chỉ dạy học sinh cách đọc, cách hiểu, cách viết, mà còn cho học sinh cả kĩ năng nói và lắng nghe. Từ đổi mới đó, sẽ không còn kiểu áp đặt ý tứ văn chương mà trong những giờ học, khi học sinh được nói, được tranh luận, được phản biện, hay bảo vệ ý kiến, suy nghĩ của mình

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.