Cô giáo Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Chương trình mới cũng giúp học sinh nhìn nhận tốt hơn về vai trò của các môn khoa học cơ bản, trong đó có Hóa học trong thực tiễn, tầm quan trọng của Hóa học trong sản xuất, trong các ngành công nghiệp, y tế…và sự ảnh hưởng của nó đến môi trường như thế nào. Từ đó giúp học sinh có định hướng về nghề nghiệp theo năng lực và đam mê của bản thân trong tương lai
Chương trình mới cùng với các chủ đề trong Hóa học, giúp cho học sinh có khả năng hội nhập với thế giới về hiểu biết cơ bản trong các lĩnh vực Hóa học: hóa lý, hóa phân tích, hóa vô cơ, hóa hữu cơ… Trong thực tiễn đã và đang được ứng dụng trong các ngành sản xuất, trong công nghiệp, y tế….; tránh việc hiểu sai của học sinh và việc lạm dụng “toán trong hóa” làm sai lệch bản chất thật sự của việc vận dụng của Toán học trong Hóa học, cũng như sai lệch về môn khoa học cơ bản, trong đó có Hóa học. Chương trình mới cũng nâng cao tầm quan trọng việc vận dụng hóa học trong thực tiễn, gắn liền từng địa phương để lựa chọn chủ đề hay phương pháp thực hiện.
Góp ý về chương trình, cô Lê Thị Thủy cho rằng: Nội dung chương trình tương đối chuyên sâu, đòi hỏi các giáo viên phải có sự hiểu biết nhất định không chỉ là kiến thức chuyên sâu mà còn là vấn đề thực tiễn của hóa học. Đặc biệt các chủ đề trong các chương trình 10, 11, 12 còn đòi hỏi độ chuyên sâu.
Vì vậy, đội ngũ giáo viên đã quen với lối mòn kiến thức cũ sẽ khó khăn trong việc đọc và dạy các nội dung chuyên sâu này. Tư duy học một chuyện và đi thi đại học là một chuyện, theo kiểu thi đại học nhiều năm hầu như là vận dụng kiểu giải Toán học trong Hóa học mà không thuộc bản chất hóa với độ khó ngày càng cao, dễ dẫn tới việc dạy học chưa chú trọng bản chất hóa học, hoặc tăng thêm áp lực cho học sinh. Nghĩa là vừa dạy theo kiểu cũ, đồng thời bổ sung thêm các kiến thức mới. Như vậy, những năm đầu áp dụng chương trình mới sẽ khó khăn cho cả người dạy lẫn người học.
Ví dụ như trong nội dung Chương trình lớp 10 (Cấu trúc lớp vỏ electron của nguyên tử - I.Cấu tạo nguyên tử): Trình bày được mô hình của Rutherford–Bohr và mô hình hiện đại mô tả chuyển động của electron trong nguyên tử. – Nêu được khái niệm về orbital nguyên tử (AO), hình dạng một số AO (s, p). Vận dụng được mối liên hệ giữa ba số lượng tử n, l, ml để định nghĩa lớp, phân lớp và xác định số lượng, kí hiệu các phân lớp trong một lớp electron.
Tính được số lượng AO trong một phân lớp, lớp dựa theo 3 số lượng tử. Xây dựng được dãy tăng dần phân mức năng lượng theo quy tắc n+l. Viết được cấu hình electron nguyên tử (và ion đơn nguyên tử) khi biết số hiệu nguyên tử Z. Biểu diễn được cấu hình electron theo ô orbital. Chỉ ra được vai trò quan trọng của việc hiểu biết về cấu tạo nguyên tử trong việc học tập và nghiên cứu hoá học (biết cấu tạo nguyên tử sẽ suy luận được tính chất hoá học đặc trưng, khả năng tạo liên kết hoá học...).Đây là điểm mới và khó so với chương trình hiện hành, nhưng là là nội dung cơ bản ứng dụng cơ lượng tử, thuyết hiện đại để giải thích sơ đồ mức năng lượng của lớp electron.
Trong phần Sự biến thiên enthalpy trong các phản ứng hoá học (IV. Năng lượng hóa học), trình bày được khái niệm phản ứng toả nhiệt, thu nhiệt; điều kiện chuẩn (áp suất 1 bar và thường chọn nhiệt độ 25oC); enthalpy tạo thành (nhiệt sinh/nhiệt tạo thành) ΔfHo, enthalpy cháy (nhiệt cháy) ΔcHo và biến thiên enthalpy (nhiệt phản ứng) của phản ứng ΔrHo.
Vận dụng được các công thức để tính ΔrHo dựa theo nhiệt sinh, nhiệt cháy, năng lượng liên kết tiêu chuẩn từ bảng số liệu cho sẵn. Nêu được mối liên hệ giữa mức độ thuận lợi (theo khía cạnh nhiệt) của một phản ứng hoá học với ΔrHo của phản ứng đó.Đây là nội dung hoàn toàn mới so với chương trình hiện hành, nó giaỉ thích bản chất các phản ứng hóa học xảy ra trên cơ sở lý thuyết.
Và có ứng dụng quan trọng trong thực tiễn khi muốn tăng hiệu suất trong quá trình tổng hợp chất… Việc dạy học nội dung này không chỉ giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của năng lượng phản ứng hóa học trong thực tiễn, tuy nhiên là nội dung khó. Vì vậy Bộ phải chỉ ra được dạy ở mức độ nào là phù hợp: mang tính giới thiệu hay đi sâu vào tính toán.
“Hay như trong phần Tính chất vật lí và hoá học các đơn chất nhóm VIIA(V. Nguyên tố nhóm VII A): Nhận xét và giải thích được sự biến đổi nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi dựa vào khối lượng phân tử. Nhận xét được màu sắc của các đơn chất halogen có xu hướng đậm màu dần từ F2 tới I2. Trình bày được xu hướng nhận thêm 1 electron (từ kim loại) hoặc dùng chung electron (với phi kim) để tạo hợp chất ion hoặc hợp chất cộng hoá trị dựa theo cấu hình electron.
Chứng minh được quy luật tính oxi hoá của các halogen giảm dần thông qua việc mô tả thí nghiệm: Thay thế halogen trong dung dịch muối bởi một halogen khác. Lí giải được qui luật này dựa vào ΔrHo của phản ứng 1/2X2(g) + e → X–(aq) kém âm dần từ F tới I1. Halogen tác dụng với hydrogen và với nước (giải thích được vì sao không dùng F2 trong phản ứng thay thế halogen khác trong dung dịch muối). Giải thích được xu hướng phản ứng của các đơn chất halogen và hydrogen theo khả năng hoạt động của halogen và năng lượng liên kết H–X (điều kiện phản ứng, hiện tượng phản ứng và thành phần sản phẩm).
Viết được PTHH của phản ứng tự oxi hoá – khử của chlorine trong phản ứng. Nội dung đề cập đến quy luật biến đổi tuần hoàn tính chất các đơn chất trong cùng nhóm. Và đi sâu vào bản chất của phản ứng. Đây cũng là điểm mới trong chương trình. Nhưng muốn làm rõ được lại liên quan phần năng lượng hóa học. Vậy dạy ở nội dung IV. Dạy như thế nào để liên hệ được xuống các quá trình cụ thể như bên?”, cô Thủy băn khoăn.