Chương trình lớp 10 mới có 108 cách chọn môn, nhà trường "giải toán" cách nào?

GD&TĐ - Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu được áp dụng với học sinh lớp 10 trong năm học 2022-2023. Nhiều cán bộ quản lý, giáo viên đã đề xuất sáng kiến gỡ khó khi triển khai thực hiện.

Một tiết học của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1. Ảnh: Nam Sơn.
Một tiết học của học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1. Ảnh: Nam Sơn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THPT, thay vì 13 môn học bắt buộc như chương trình hiện hành, sẽ chỉ có 12 môn gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn.

Cụ thể, 7 môn học và hoạt động bắt buộc là: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương).

5 môn học lựa chọn sẽ được chọn từ 3 nhóm (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn): Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật). Riêng môn nghệ thuật gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật thì học sinh được chọn một trong hai phân môn (tính là 1 môn). 

Trừ ngoại ngữ, tất cả các môn học đều xây dựng các cụm chuyên đề. Mỗi học sinh sẽ phải chọn để học 3 cụm chuyên đề cùng với các môn học bắt buộc và môn học lựa chọn. Ngoài ra, có 2 môn học tự chọn: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2.

Hiện hữu tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ 

Nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường THPT  tại TPHCM cho biết thực hiện chương trình mới lớp 10 sẽ gặp khó khăn trong việc chọn môn cũng như sắp xếp giáo viên.

Ông Phan Hồ Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp, TPHCM phân tích, ngoài môn bắt buộc thì học sinh có môn lựa chọn và theo đúng lý thuyết sẽ có 108 cách chọn 5 môn này. Đây là vấn đề nan giải nhất vì nhà trường sẽ bị động, không cân đối được giáo viên, ắt dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Nhóm môn có nhiều học sinh chọn thì giáo viên quá tải, nhóm môn ít học sinh chọn, giáo viên sẽ ngồi chơi dài.

Theo ông Hải, thực tế hiện nay chỉ một số trường THPT tốp đầu tại TPHCM mới cho học sinh phân ban ngay từ lớp 10 nên việc lựa chọn tổ hợp môn sẽ thuận lợi hơn các trường khác.

Trong khi đó, hầu hết các trường đều chưa để học sinh thực hiện học phân ban ngay từ lớp 10, bởi lẽ các em còn chưa biết mình có năng lực ở ban nào. Có những em dù đã chọn ban này nhưng có thể học kỳ II đổi sang ban khác.

Chuyện học sinh được chọn các tổ hợp môn trong rất nhiều tổ hợp sẽ kéo theo khó khăn về đội ngũ giáo viên. Ông Hải đặc biệt nhấn mạnh đến khó khăn chung ở các trường THPT hiện nay khi thực hiện chương trình mới trong năm học sắp tới - đây chính là vấn đề đội ngũ giáo viên.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp trong giờ toán học. Ảnh: Nam Sơn.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, quận Gò Vấp trong giờ toán học. Ảnh: Nam Sơn.

"Nhân sự sẽ phải tính toán, sắp xếp lại, chắc chắn sẽ có những tổ hợp môn thiếu giáo viên, như các môn mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ, công nghiệp… Dù công nghiệp không phải là môn học mới, nhưng vì xưa nay không có giáo viên dạy nên vẫn tính là khó khăn khi không có nhân sự", ông Hải chia sẻ.

Một khó khăn nữa là việc tìm giáo viên môn Nghệ thuật, gồm Âm nhạc và Mỹ thuật cũng không hề đơn giản. Đối với những môn này, hầu hết các cơ sở giáo dục THPT đều không có giáo viên. 

“Nếu mời giáo viên thỉnh giảng thì phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiêu chí như có bằng đại học, có nghiệp vụ sư phạm. Nếu vậy thì tìm nguồn giáo viên và tiền công chi cho việc mời giáo viên ở đâu?”, Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Tân Phú, TPHCM nêu câu hỏi.

Đối với vấn đề này, Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM đã có “sáng kiến” mời giáo viên dạy tiểu học nhưng có bằng đại học về dạy âm nhạc để có sự bài bản, chuyên nghiệp và năm sau mới thực hiện. 

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ: “Trong năm đầu tiên, trường sẽ chỉ thực hiện dạy mỹ thuật. Khi làm tốt một môn, giáo viên mới có nhiều kinh nghiệm để giảng dạy thêm môn âm nhạc”. 

Điều bà Dung băn khoăn nhất hiện nay lại là chuyện học sinh sẽ lựa chọn môn tin học nhiều và bỏ rơi môn công nghệ, trong khi đây lại là môn học có hướng phát triển rất tốt. 

Trao nhiều quyền hơn cho các trường?

Song song với việc điều chỉnh chọn môn học cho học sinh, chương trình mới cũng xuất hiện rất nhiều nội dung mới. Đây cũng là thách thức không nhỏ trong bối cảnh các trường đào tạo giáo viên vẫn hạn chế về số lượng.

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TPHCM, nêu quan điểm: “Đối với các môn như Giáo dục địa phương, Trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục kinh tế và pháp luật… tình trạng thiếu giáo viên là rất trầm trọng, vì hiện tại chưa có trường đại học nào đào tạo những ngành này”.

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, trên đường đến trường. Ảnh: Nam Sơn.

Học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, trên đường đến trường. Ảnh: Nam Sơn.

Cũng theo ông Phú, không chỉ thiếu về số lượng, chất lượng trong quá trình truyền tải nội dung đến học sinh cũng là điều đáng phải bàn. 

Ông Phú nêu ví dụ, trong môn Giáo dục địa phương, nếu nói về Sài Gòn xưa và nay là TPHCM với 300 năm lịch sử, để dạy được môn này phải là người thực sự am hiểu về địa phương chứ không thể một giáo viên ở nơi “lạ nước lạ cái” đến, mới trúng tuyển vào trường rồi đi dạy môn này. Như vậy, giáo viên chỉ cầm sách đọc thôi chứ để thẩm thấu hồn văn hoá địa phương thì không có. Điều này dẫn đến việc giảng dạy chưa thể mang lại hiệu quả cao.

Chính vì thế, ông Phú đề xuất, việc tuyển dụng giáo viên nên “trả về” các trường để họ chủ động, linh hoạt hơn trong vấn đề sử dụng, tuyển chọn nhân sự, sử dụng được người tài theo đúng nội dung 115/2020/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.

Một số chuyên gia cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có ngay kho học liệu, bài giảng e-learning mẫu để giáo viên nghiên cứu và học hỏi. Cùng với đó, sách giáo khoa cũng sớm được triển khai về các trường. 

Theo ông Lê Văn Phước, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TPHCM, hiện nay, sách mới chỉ có bản trên website, giáo viên tự lên nghiên cứu.  Ông Phước cũng đề xuất nên giao quyền chọn sách về cho các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.