Giáo dục thể chất: Hút học sinh bằng cách làm mới

GD&TĐ - Ngoài đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu môn học, nâng cao thể lực học sinh, nhiều địa phương, trường học mạnh dạn xã hội hóa để trò được học bơi và các môn khác.

Học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thi đấu bóng đá.
Học sinh Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thi đấu bóng đá.

Một số môn học mới cũng được đưa vào trường học như yoga, erobic… Hoạt động của các câu lạc bộ năng khiếu đã góp phần phát triển thể thao học đường, nâng cao thể chất cho học sinh. 

Đầu tư cải thiện cơ sở vật chất

Dự kiến cuối tháng 5/2022, UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) sẽ khởi công công trình xây dựng bể bơi tại Trường Tiểu học Lê Lai, Núi Thành và Hùng Vương. Bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, Đà Nẵng đã triển khai đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động thể dục thể thao tại các trường học. 21 sân chơi thể thao đã được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo.

Quy mô các sân được đầu tư tùy theo diện tích của mỗi trường. Trường có diện tích sân nhỏ sẽ tập trung đầu tư sân chơi bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Trường có diện tích rộng sẽ đầu tư sân thể thao tổng hợp. Mức đầu tư thấp nhất là 200 triệu đồng/sân cho đến 2,7 tỷ đồng/sân bao gồm cả dụng cụ tập luyện thể dục thể thao. Năm 2019, quận Hải Châu có thêm 25 sân thể thao tại các trường học được đầu tư tiếp.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: “Với quan điểm các hoạt động thể thao trong học đường là nền tảng để nâng cao thể chất cho học sinh – lứa tuổi đang phát triển là vô cùng cần thiết. Các sân tập ở các trường học đều được đầu tư bảo đảm đáp ứng nhu cầu thực tiễn”.

Bắt đầu từ năm học 2018 – 2019, các trường học của Bà Rịa - Vũng Tàu phải lựa chọn, bố trí ít nhất 4 môn thể thao ngoài trời như bóng chuyền, bóng đá, bóng rổ, bơi lội, võ thuật… cho học sinh. Các trường cũng được yêu cầu phải mở cửa những không gian thể thao vào thứ Bảy, Chủ nhật để cho học sinh vào chơi; huy động các huấn luyện viên thể thao để hướng dẫn tập luyện cho các em. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chủ trương chỉ xem xét xây dựng nhà thi đấu thể thao ở những trường có phong trào thể thao tốt, học sinh và giáo viên đam mê, tích cực tham gia, có thành tích trong các phong trào thể thao chứ không xây dựng ở tất cả các trường để tránh lãng phí. Đây là những nỗ lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thể thao học đường, cải thiện thể chất cho học sinh của địa phương này.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Hài hòa giữa thành tích cao và thể thao phong trào

Sau hơn nửa tháng học sinh đến trường học trực tiếp trở lại, Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng) bắt đầu cho Câu lạc bộ (CLB) bóng bàn hoạt động trở lại. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Chúng tôi chọn môn bóng bàn bởi đặc thù của bộ môn khi tập sẽ bảo đảm được khoảng cách, mỗi bàn chỉ có 2 học sinh tham gia. Với 5 bàn bóng bàn, mỗi đợt tập cũng chỉ có 10 em”.

Trước đó, rất nhiều phụ huynh của Trường Tiểu học Núi Thành đã đăng ký cho con tham gia các CLB thể thao được tổ chức sau giờ học chính khóa. Trong đó, CLB bóng rổ và bơi lội có nhiều học sinh tham gia nhất. Ngoài thành viên của đội tuyển được bồi dưỡng để dự thi Hội khỏe Phù Đổng, các CLB thể thao của nhà trường đều thu hút học sinh đăng ký theo sở thích nhằm rèn luyện sức khỏe. Các CLB được duy trì hoạt động theo hình thức xã hội hóa. Một số môn như erobic, nhà trường mời giáo viên ở ngoài về làm huấn luyện viên cho học sinh.

Thầy Nguyễn Đức Tứ - giáo viên Thể dục, Trường Tiểu học Núi Thành - cho biết: “Từ khi thành lập các CLB thể dục, việc lựa chọn học sinh vào các đội tuyển để bồi dưỡng thi đấu ở Hội khỏe Phù Đổng thuận tiện hơn là lựa chọn từ học sinh đại trà như trước đây. Ba năm học gần đây, thành tích thi đấu của nhà trường đều được cải thiện, xếp thứ Nhất hoặc Nhì toàn đoàn trong các kỳ thi Hội khỏe Phù Đổng cấp quận.

Ở Hội khỏe Phù Đổng cấp thành phố, đội tuyển của nhà trường cũng đoạt nhiều giải cao. Đặc biệt, năm học 2019 – 2020, trường có học sinh Ngân Khánh dự thi giải Bơi Unis Invitation November 2019 (gồm 500 VĐV của các trường quốc tế Việt Nam, Hồng Kông, Philippines, Nhật Bản và Trung Quốc) đạt 2 giải Tư cá nhân (tương đương HCĐ cuộc thi Đường đua xanh) và góp phần đạt 2 giải Tư cho đồng đội nữ của Việt Nam”.

Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (quận Hải Châu, Đà Nẵng) bắt đầu khai thác bể bơi theo hướng xã hội hóa. Cô Phan Thị Tuyết Lan – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Trong giờ học chính khóa, với 2 khối lớp 4 - 5, nhà trường cũng xây dựng lại thời khóa biểu, bố trí 2 tiết thể dục liền nhau để đưa môn bơi an toàn vào dạy chính thức. Khối lớp 4 sẽ có 10 tiết, lớp 5 có 12 tiết về nội dung bơi an toàn. Chừng đấy thời gian thì có thể một số học sinh sợ xuống nước vẫn chưa thành thạo kỹ năng bơi, nhưng ít nhất, các em biết được những kiến thức về chống đuối nước”.

Trước đó, khi chưa có bể bơi tại trường, nhà trường phải hợp đồng với một bể bơi ở ngoài để khảo sát, cấp chứng chỉ phổ cập bơi an toàn cho học sinh tiểu học. Theo như cô Lan, phụ huynh có nhu cầu đăng ký cho con học bơi theo chương trình xã hội hóa rất lớn. “Tuy xây dựng theo giá dịch vụ nhưng gần như tiền học phí cũng chỉ đủ để mua hóa chất xử lý nước và bồi dưỡng cho giáo viên phụ trách lớp” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng thông tin.

Với những môn thể thao như bơi lội, bóng bàn, bóng rổ, nhiều phụ huynh có nhu cầu đăng ký cho con theo học để rèn luyện sức khỏe. Em Vũ Minh Tấn – học sinh lớp 4/2, Trường Tiểu học Núi Thành - cho biết: “Lúc đầu tham gia tập, em chưa quen nên thấy rất mệt. Nhưng thầy Tứ hướng dẫn cho em và các bạn phải chú trọng các động tác khởi động trước khi vào tập, rèn tốt kỹ thuật thì dần dần sẽ có sức bền tốt hơn. Em thấy ngoài tăng cường sức khỏe thì việc tập luyện cùng các bạn trong CLB cũng khiến cho em nhanh nhẹn hơn”.

Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Núi Thành: “Nhà trường đã có kế hoạch sẽ đưa vào một số nội dung nhằm tăng cường sức khỏe cho học sinh hậu Covid-19. Trong đó có một số nội dung như giúp học sinh tập hít thở và những bài tập phù hợp theo hướng dẫn của các bác sĩ. Các CLB cũng sẽ sớm hoạt động trở lại để giúp học sinh rèn luyện thể chất”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.