Kinh nghiệm xây dựng đề thi Ngữ văn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018

GD&TĐ - Bài viết này chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng đề thi Ngữ văn theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đồng thời phân tích cơ hội và giới hạn khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc này.

Trong thời đại trí tuệ nhân tạo ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách con người tiếp cận tri thức và tổ chức giáo dục, việc thiết kế đề thi, đặc biệt là đề thi môn Ngữ văn, cần được nhìn nhận một cách tỉnh táo và linh hoạt. Giáo viên không chỉ cần làm quen với công nghệ mà còn phải giữ vững những giá trị cốt lõi của nghề. Đó là sự hiểu biết về người học, khả năng dẫn dắt tư duy, tinh thần truyền cảm hứng và niềm tin vào cái đẹp, cái đúng, cái giàu chất nhân văn.

Lựa chọn ngữ liệu là yếu tố nền tảng

Ngữ liệu là phần cốt lõi của một đề thi chất lượng. Không đơn thuần là phần dẫn nhập hay mở đầu, ngữ liệu mang trọng trách tạo chiều sâu tư tưởng và xúc cảm cho toàn bộ đề bài. Việc lựa chọn văn bản làm ngữ liệu cần được thực hiện cẩn trọng với nhiều tiêu chí rõ ràng cả về nội dung lẫn nghệ thuật. Một văn bản được chọn cần có tính chuẩn mực. Đó có thể là đoạn trích từ tác phẩm văn học đã được khẳng định qua thời gian hoặc là một bài viết đương đại có giá trị về tư tưởng đạo đức và thẩm mỹ.

Văn bản cần có thể loại rõ ràng để học sinh dễ nhận diện phong cách và tìm hướng tiếp cận phù hợp. Lý tưởng nhất là ngữ liệu có khả năng gợi mở các vấn đề giáo dục quan trọng. Văn bản nên tạo cơ hội để học sinh khai thác được nhiều lớp nghĩa, từ biểu hiện cụ thể đến tầng tư tưởng sâu xa. Độ dài văn bản cần vừa phải. Văn bản quá ngắn sẽ hạn chế khả năng cảm thụ trong khi văn bản quá dài dễ gây áp lực khi đọc.

Yếu tố thời sự và khả năng vượt thời gian cũng nên được cân nhắc. Văn bản có thể phản ánh vấn đề của hiện tại hoặc là một tiếng nói có tính kinh điển khiến người đọc muốn suy ngẫm lâu dài. Nếu văn bản có giọng điệu rõ ràng, có dòng cảm xúc nhất quán hoặc dùng hình ảnh nghệ thuật đặc sắc như ẩn dụ, đối thoại hay độc thoại nội tâm thì càng dễ để khai thác thành đề có chiều sâu. Giáo viên có thể chọn văn bản mới cho một vấn đề quen thuộc hoặc ngược lại, chọn một văn bản quen thuộc nhưng khai thác vấn đề mới mẻ. Quan trọng là đề phải khơi mở được suy nghĩ và cảm xúc nơi người học.

Xác định trọng tâm và xây dựng hệ thống câu hỏi hợp lý

Một đề thi chất lượng luôn cần có trọng tâm rõ ràng. Hệ thống câu hỏi phải được thiết kế để dẫn dắt học sinh từ nhận biết đến thông hiểu rồi vận dụng và vận dụng cao. Nhờ đó, các em có thể tiếp cận văn bản một cách tự nhiên và từng bước nâng dần khả năng cảm thụ cũng như tư duy nghị luận.

Ở mức nhận biết, học sinh cần nắm được thông tin cơ bản của văn bản như thể loại hoặc không gian nghệ thuật. Mức thông hiểu đòi hỏi học sinh nhận ra được biện pháp tu từ, cách dùng từ, cách diễn đạt và hiệu ứng nghệ thuật. Học sinh cũng cần hiểu thông điệp tư tưởng, tầng nghĩa biểu tượng hoặc các giá trị đạo đức được gợi lên. Với mức độ vận dụng, các em được khuyến khích liên hệ bản thân hoặc thực tế xã hội để bày tỏ chính kiến có suy nghĩ và cảm xúc cá nhân.

Một điều quan trọng là các câu hỏi cần xoay quanh một vấn đề xuyên suốt để tạo sự liên kết. Tránh thiết kế những câu hỏi rời rạc dễ làm học sinh mất phương hướng. Câu hỏi cuối cùng nên có tính mở cao để học sinh được thể hiện cá tính, có thể phản biện hoặc mở rộng sang các vấn đề xã hội gần gũi. Một đề tốt là một đề biết dẫn đường để học sinh không chỉ trả lời mà còn suy nghĩ và bộc lộ mình.

Tính chỉnh thể của đề là yếu tố không thể xem nhẹ

Một đề thi Ngữ văn không nên chỉ là hai phần tách biệt là Đọc hiểu và Viết. Cần có một sợi dây tư tưởng xuyên suốt giữa các phần để tạo sự hài hòa. Khi đó, đề thi sẽ trở thành một chỉnh thể gắn kết. Ví dụ nếu phần đọc hiểu khai thác khát vọng sống thì phần làm văn có thể nói đến bản lĩnh sống trong xã hội hiện đại. Nếu văn bản đọc hiểu nhấn mạnh tình cảm gia đình thì phần nghị luận xã hội có thể hướng tới lối sống tử tế hoặc trách nhiệm với người thân.

Việc dùng hình ảnh hoặc ngôn từ giàu cảm xúc trong phần mở đề có thể giúp đề thêm hấp dẫn. Tuy nhiên, cần tránh tạo cảm giác đánh đố. Mục tiêu của đề là tạo ra trải nghiệm học tập tích cực chứ không phải để thử thách mẹo mực. Khi các phần được kết nối mạch lạc thì học sinh dễ nắm bắt và phát huy năng lực của mình hơn.

Đặt mình vào vị trí người học: Một đề thi nhân văn là đề thi biết lắng nghe

Khi thiết kế đề thi, người ra đề không chỉ là một chuyên gia ngữ văn, mà còn phải là một người thầy, người hiểu học sinh với tất cả những gì các em đang trải qua: sự thiếu tự tin, áp lực thi cử, nỗi lo mình không đủ giỏi… Vì vậy, một đề thi tốt không nên tạo ra cảm giác “bị soi”, “bị đánh giá”, hoặc “bị đánh đố” mà nên là một lời mời gọi: Hãy đọc, hãy nghĩ, hãy viết theo cách của riêng em với lý lẽ, cảm xúc và cá tính.

Nếu ra đề Văn hướng đến đối tượng là học sinh đại trà, thì phải hiểu một thực tế là nhiều học sinh thiếu trải nghiệm đọc sâu. Các em đọc nhưng không biết bắt đầu từ đâu, đọc lướt qua lớp ngôn từ mà không cảm được tầng nghĩa bên dưới. Vì vậy, đề cần gợi hướng đọc rõ ràng, sử dụng câu hỏi dẫn dắt từng bước theo bốn mức độ nhận thức. Mặt khác, học sinh ngày nay thường sợ những khái niệm học thuật như “thi pháp”, “tư tưởng nghệ thuật”, “chủ nghĩa nhân văn hiện đại”… Những từ ngữ này khiến các em cảm thấy mình không đủ tầm để viết, từ đó ngại ngần, mặc cảm. Một đề văn tốt cần sử dụng ngôn ngữ gần gũi, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, để học sinh thấy rằng: mình có thể viết, có quyền viết, và tiếng nói của mình có giá trị.

Một thực tế nữa là học sinh dễ viết rập khuôn theo các mẫu dàn bài. Những cụm từ như “qua đó, tác giả muốn gửi gắm…” khiến bài làm trở nên công thức, thiếu hồn. Vì vậy, đề nên tạo ra tình huống viết thật, gần gũi, không sợ những cách trả lời lạ, miễn sao có lý lẽ và có cảm xúc.

Đặc biệt, trong thời đại 'ngồn ngộn' thông tin, tư duy phản biện là một năng lực thiết yếu. Đề văn không nên chỉ yêu cầu cảm thụ, hoặc viết về những điều đã trở thành chân lí mà còn cần tạo không gian để học sinh chất vấn, phản biện, mở rộng hoặc đối thoại với văn chương và cuộc sống. Thay vì yêu cầu viết về một vấn đề đã thành quy luật thì nên đặt ra những vấn đề có tính hai mặt, hoặc là những vấn đề khơi dậy nhiều cách nghĩ trái chiều. Ví dụ như: “Anh/chị có thể phản biện gì với ý kiến trên từ góc nhìn cá nhân hoặc một tác phẩm khác?” Hoặc: “Giá trị của tác phẩm có còn nguyên vẹn trong bối cảnh hôm nay không? Vì sao?” Đó mới là những câu hỏi đánh thức trí tuệ, chứ không chỉ kiểm tra ghi nhớ hoặc tư duy một chiều.

Ứng dụng AI vào thiết kế đề: cần đi kèm sự tỉnh táo và năng lực sư phạm

Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, trí tuệ nhân tạo (AI) dần trở thành cánh tay phải đắc lực trong nhiều lĩnh vực. Giáo dục cũng không nằm ngoài dòng chảy đó. Việc sử dụng AI để thiết kế đề thi, nhất là trong các môn học như Ngữ văn, đang thu hút nhiều sự quan tâm. AI có thể tạo ra đề bài rất nhanh, rất nhiều và đa dạng. Nhưng bên cạnh những lợi ích dễ thấy, việc lạm dụng AI nếu không có sự kiểm soát của con người cũng dễ sinh ra nhiều hệ lụy. Nói một cách dân dã, “dùng AI ra đề cũng như cưỡi ngựa xem hoa” nếu không đủ hiểu nghề và hiểu người học.

AI có khả năng tổng hợp dữ liệu rất nhanh. Khi được cung cấp ngữ liệu phù hợp, AI có thể tạo ra đề đọc hiểu, đề nghị luận văn học hay nghị luận xã hội với tốc độ ấn tượng. Điều này giúp giáo viên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Thậm chí, có những ý tưởng rất mới mẻ, những cách tiếp cận sáng tạo được gợi mở từ chính AI. Ở góc độ này, AI đóng vai trò như một “trợ giảng” chăm chỉ và không biết mệt mỏi.

Không chỉ có thế, khi sử dụng AI để gợi ý đề thi, người dùng còn có cơ hội rèn luyện tư duy phản biện. Bởi lẽ, AI không luôn đúng và cũng không luôn trúng. Chính vì vậy, khi đứng trước một đề bài do AI tạo ra, người giáo viên buộc phải tự hỏi: Đề này phù hợp với học sinh nào? Mức độ như thế nào là hợp lý? Kiến thức cần kiểm tra có đúng trọng tâm chương trình không? Từ đó, giáo viên lại càng buộc mình phải hiểu thật sâu về chương trình học, về đặc điểm nhận thức của học sinh, về năng lực cần đánh giá. Nhờ vậy, việc soạn đề không chỉ là “nhấn nút lấy đề” mà còn là một tiến trình trao đổi qua lại giữa máy và người để tạo ra một sản phẩm có tính sư phạm.

Tuy nhiên, chính vì AI quá nhanh và quá nhiều nên cũng dễ khiến người dùng bị... hoa mắt. Khi nhập một yêu cầu ra đề, AI có thể tạo ra hàng loạt đề khác nhau. Có đề rất dễ, có đề lại quá khó. Có đề tưởng như trúng vấn đề nhưng cách hỏi lại không rõ trọng tâm. Đặc biệt, nếu người dùng không rành về chương trình học hoặc chưa từng trực tiếp dạy và kiểm tra học sinh, họ dễ sa vào cái bẫy của những đề “nghe thì có vẻ hay” nhưng thực chất lại không phù hợp để đưa vào lớp học.

AI không thể tự phân biệt học sinh lớp 10 và lớp 12 khác nhau ở đâu nếu người dùng không chỉ rõ. AI cũng không hiểu được năng lực thật sự của học sinh trong một trường cụ thể, một khu vực cụ thể. AI càng không thể lường trước những hạn chế về mặt trải nghiệm sống, vốn từ hay khả năng cảm thụ của học sinh phổ thông hiện nay nếu không được lập trình thật cẩn thận. Vì vậy, người ra đề mà hoàn toàn phó thác cho máy sẽ rất dễ bị cuốn theo những đề “mang dáng hình sư phạm” nhưng lại thiếu thực tế và xa rời người học.

Dùng AI trong thiết kế đề thi, vì thế, giống như dùng dao sắc. Dao sắc thì tiện lợi thật nhưng cầm không khéo thì cũng dễ bị đứt tay. Người dùng phải là người hiểu nghề, hiểu học sinh và hiểu cả chính mình. Không phải để AI thay mình làm đề mà là để AI làm bạn đồng hành trong quá trình suy nghĩ, thiết kế và kiểm tra đề. Quan trọng nhất vẫn là năng lực thẩm định, điều chỉnh và phát triển đề thi theo đúng yêu cầu của chương trình, đúng với năng lực và nhu cầu của người học.

Giữ bản lĩnh nghề giữa thời đại công nghệ:

Một đề thi Ngữ văn có giá trị không chỉ nhằm đánh giá năng lực mà còn là cơ hội để học sinh suy tư, cảm nhận và sáng tạo. Đề thi nên mở ra một cuộc trò chuyện giữa học sinh và văn bản, giữa lý trí và cảm xúc, giữa con người và cuộc sống. Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại sự nhanh nhạy và phong phú trong thiết kế đề thi. Nhưng trí tuệ con người, đặc biệt là tấm lòng của người thầy, mới là yếu tố cốt lõi để giữ được chất nhân văn và tinh thần giáo dục trong mỗi đề văn. Trong hành trình đổi mới giáo dục hôm nay, công nghệ có thể đi cùng ta nhưng đừng quên rằng chính trái tim của người làm nghề mới là nơi quyết định điều gì nên có mặt trong mỗi tiết học và điều gì xứng đáng xuất hiện trong một đề thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ