Nhiều người vẫn nói, thất bại không phải là điểm dừng, mà là cơ hội giúp trẻ học cách bước tiếp, vượt lên rào cản của bản thân và tiến gần hơn với thành công trong tương lai.
Khi thua cuộc đóng vai trò quan trọng
Michael Jordan, một trong những vận động viên vĩ đại nhất thế giới, đã dành nhiều năm để nói về tầm quan trọng của việc... thua cuộc. Ông nói nhiều về sự kiên trì và khả năng phục hồi khi đối mặt với những thử thách trong và ngoài sân đấu. Đó là những yếu tố đã giúp Michael Jordan trở thành người chiến thắng.
Huyền thoại bóng rổ này từng tâm sự: “Trong sự nghiệp của mình, tôi đã ném hỏng hơn 9.000 lần, để thua hơn 300 trận đấu. Tôi từng thua 26 trận đấu cực kỳ quan trọng mà mọi người đã tin tưởng giao trọng trách cho tôi. Tôi đã trải qua hết thất bại này đến thất bại khác, nhưng đó mới là nguyên nhân giúp tôi thành công”.
Thay vì cho rằng, việc không đạt được mục tiêu bản thân đề ra là thất bại, nhà phát minh nổi tiếng nhất thế kỷ 20, Thomas Edison từng có góc nhìn hoàn toàn khác: “Tôi chưa thất bại. Tôi tìm ra 10.000 cách mà chúng không có tác dụng”. Trong cuộc sống, có lẽ, bất kỳ ai cũng từng đối diện với khó khăn, khi không thể đạt được mục tiêu mình mong muốn. Tuy nhiên, chắc hẳn, chúng ta đều từng nghe những câu chuyện về sự thất bại, như việc nhà vật lý Albert Einstein bị giáo viên xếp vào loại “chậm phát triển trí tuệ” hay Walt Disney bị sa thải khỏi một trong những công việc đầu tiên của ông do “thiếu tính sáng tạo”.

Cần sự kiên nhẫn, thấu hiểu từ cha mẹ
Chia sẻ trong cuốn sách “Dạy con không sợ thất bại”, tác giả, nhà nghiên cứu tâm lý trẻ em người Trung Quốc - Dương Nghị Hoằng viết: “Tôi có người bạn, trong ba năm đại học luôn đứng tốp đầu của trường, nhưng khi sắp trở thành ủy viên Hội Học sinh của trường thì bị vạch trần hành vi lôi kéo phiếu bầu không hợp lệ, vì vậy bị mất sự tín nhiệm của Hội. Sau đó, anh ấy biến mất tăm, sau mấy tháng mới xuất hiện trở lại với dáng vẻ gầy gò và nói, thời gian này là những ngày vô cùng chán chường. Sau khi tốt nghiệp, anh ấy đổi mấy công việc, không thể nói là thất bại, nhưng cũng lận đận long đong, không hề thuận lợi.
Nhiều năm trôi qua, khi nhắc lại chuyện cũ, anh ấy vẫn nói chuyện ngày đó thực sự là một cú sốc lớn với anh. Chúng ta có thể hiểu được cảm nhận này của bạn tôi, nhưng năm đó, anh và các bạn mình hoàn toàn không phải nhận bất cứ hình phạt mang tính thực chất nào. Những người có liên quan đến câu chuyện ngày trước giờ đây đã có lựa chọn và sự nghiệp riêng trong cuộc sống mới, họ cũng đã sớm quên chuyện cũ rồi, riêng anh ấy vẫn mãi day dứt”.
Cũng trong cuốn sách này, tác giả Dương Nghị Hoằng nhấn mạnh, cha mẹ sẽ đặt ra mục tiêu, đưa yêu cầu, vạch ra giới hạn hành vi cho con, không ngừng thúc đẩy con trở thành người tốt đẹp hơn, ưu tú hơn. Cho dù con thành công hay thất bại, dù con xuất sắc hay tầm thường, cha mẹ vẫn luôn yêu thương, đồng hành cùng con, đối diện với mọi điều tốt - đẹp hay vui sướng - khổ đau trong cuộc sống. Trong khi đó, nhà giáo dục người Ukraine - ông Anton Makarenko, đã nói: “Gia đình là nơi quan trọng nhất, chính trong tổ ấm mà một người mới bước chân vào đời sống xã hội”.
Có thể nói, việc dạy trẻ đối mặt với thất bại là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, thấu hiểu và đồng hành từ cha mẹ. Khi biết cách chấp nhận vấp ngã, rút ra bài học và không ngừng nỗ lực, trẻ sẽ trưởng thành với ý chí vững vàng và tinh thần mạnh mẽ.
Đối diện với cảm giác thất bại là một kỹ năng cần thiết để trẻ tập đối diện với những trải nghiệm tiêu cực khi con trưởng thành hơn. Đôi khi, đứng trước thất bại, phụ huynh có thể cảm thấy điều đó không công bằng với trẻ.
Một số phụ huynh cho rằng, khả năng của con tốt hơn với những gì trẻ thể hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha mẹ cần giúp trẻ hiểu rằng, mỗi người đều có tài năng riêng và không ai có thể làm tốt hết tất cả.
Thực tế, không phụ huynh nào mong muốn chứng kiến con mình thất bại. Song, trước thất bại của trẻ, không phải cha mẹ nào cũng có cách ứng xử giống nhau. Có phụ huynh nhẹ nhàng an ủi, vỗ về và luôn là “nơi trú ẩn” cho con thể hiện cảm xúc. Song, cũng có những phụ huynh lại phản ứng gay gắt trước thất bại của trẻ.
Anh Nguyễn Văn Trưởng (Hưng Yên) - phụ huynh có con học lớp 9, chia sẻ: “Trong quá trình nuôi dạy con, tôi luôn nghiêm khắc và đặt ra nhiều quy tắc để con tuân theo. Ngay từ nhỏ, con tôi đã là đứa trẻ có kỷ luật, ham học và thể hiện thành tích học tập nổi trội. Tuy nhiên, tôi thực sự thất vọng khi con không được lựa chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Toán năm lớp 8. Thời điểm đó, thậm chí, cô giáo nhận xét rằng, con tôi có biểu hiện sa sút trong học tập, thường xuyên mất tập trung trên lớp. Đối với tôi và con, đó là một thất bại lớn. Khi đó, tôi đã to tiếng và phạt, yêu cầu con kiểm điểm bản thân”.
Tuy nhiên, theo anh Trưởng, kể từ đó, con anh luôn ủ rũ, ít nói và ngày càng giảm hứng thú với việc học. Sau một thời gian, nhờ tham khảo ý kiến của người thân, anh Trưởng quyết định thay đổi phương pháp giáo dục.
Anh thường xuyên trao đổi, lắng nghe và chủ động chia sẻ với con. Dần dần, trẻ mở lòng hơn và tâm sự với anh về những chuyện trên lớp. Anh Trưởng cho biết: “Hóa ra, một thời gian sau, tôi mới biết rằng, cháu mất tập trung và sa sút trong việc học là do khi đó gia đình tôi sửa lại nhà. Không gian thay đổi, cùng với tiếng ồn vào sáng sớm khiến con tôi thường xuyên mất giấc”.
Theo phụ huynh này, anh thường xuyên động viên, giúp con tìm lại niềm yêu thích với việc học. Sau khi tìm được nguyên nhân khiến trẻ mất tập trung, anh đã cố gắng khắc phục bằng cách gửi con sang ngủ ở nhà ông bà một thời gian cho đến khi nhà được sửa xong.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh (Hà Nội) lại cảm thấy vô cùng xấu hổ khi con thất bại. Là một người đặt nhiều kỳ vọng vào con, chị Thanh luôn kể với mọi người rằng, Bi (lớp 9) học rất giỏi và chăm. Vì vậy, khi Bi không đỗ vào trường cấp 3 mà cha mẹ mong muốn, chị Thanh cảm thấy vô cùng hụt hẫng và hổ thẹn. Thậm chí, từ khi có kết quả kỳ thi, chị thường xuyên chỉ trích Bi.

Thất bại - một phần trong cuộc sống
Song, theo các chuyên gia, thực tế, thất bại sẽ dạy trẻ học cách đồng cảm với những thiếu sót của người khác. Thất bại cũng là cơ hội để trẻ học hỏi từ những sai lầm của mình, giúp cải thiện bản thân.
“Có thể nói rằng, trong cuộc sống, không ai mong muốn bản thân gặp thất bại. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, thất bại là một phần trong cuộc sống của chúng ta. Mặc dù thất bại thường mang lại sự buồn bã, hụt hẫng và thậm chí là thất vọng, nhưng đó cũng là cơ hội để chúng ta chiến thắng bản thân, để học những điều mới. Với những trẻ không có trải nghiệm thất bại, khi lớn lên, nếu không đạt được mục tiêu đề ra, các em sẽ dễ gục ngã và bỏ cuộc”, cô Nguyễn Hương Ly - giáo viên Trường Tiểu học Thành Công B (Hà Nội) chia sẻ.
Theo giáo viên này, sau mỗi thất bại, trẻ sẽ ngày một trưởng thành hơn. Nhờ sự động viên từ cha mẹ và người thân, các em sẽ tự đứng dậy sau những vấp ngã, rút ra bài học và chịu trách nhiệm về điều mình đã làm.
Thất bại giúp trẻ nỗ lực nhiều hơn để hoàn thiện bản thân. Đồng thời, sự nỗ lực đó sẽ khiến trẻ hiểu rằng, mình xứng đáng nhận lại được thành công. Từ đó, trẻ cũng có thể giúp những người xung quanh đang gặp thất bại trong cuộc sống tiến về phía trước.
“Mỗi khi thất bại, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng chán nản và vô vọng. Thậm chí, chúng ta nản chí và không muốn tiếp tục cố gắng. Trong lúc này, nếu không có đủ tự tin và sức mạnh vượt qua, nhiều người sẽ càng bị đuối dần và có cảm giác bản thân thật tồi tệ, kém cỏi. Đối với các bạn nhỏ cũng vậy, khi gặp thất bại, trẻ sẽ rất lo lắng và sợ hãi, rơi vào tuyệt vọng. Khi đó, cha mẹ chính là nguồn động lực và sức mạnh giúp con vượt qua”, cô Hương Ly cho biết.
Vì vậy, khi trẻ gặp thất bại, cha mẹ cần luôn ở bên cạnh, động viên và an ủi. Sau đó, phụ huynh hãy lắng nghe và cùng con tìm ra đâu là nguyên nhân khiến trẻ vấp ngã. Đồng thời, cha mẹ hãy giải thích cho con về cách đối phó với cảm giác hụt hẫng khi thất bại. Những lời động viên từ cha mẹ có thể sẽ tiếp thêm sức mạnh để trẻ bình tĩnh và vững tin hơn.
“Thay vì làm tất cả mọi việc thay con và chỉ đưa cho trẻ mọi thứ đã có sẵn, cha mẹ hãy cho con khám phá và thử sức trước khó khăn. Chắc chắn, trẻ sẽ không tránh khỏi việc mắc lỗi và vấp ngã. Tuy nhiên, những thất bại đó chính là bài học đầu đời giúp trẻ rút ra được bài học cho riêng mình. Mỗi lần thất bại, trẻ sẽ biết sửa sai. Điều đó sẽ mở ra cơ hội để các trẻ gặt hái thành công trong tương lai”, cô Hương Ly bày tỏ.