Vũ khí hạt nhân Mỹ trở lại
Ngày 17 tháng 7 năm 2025, một số quả bom trọng lực nhiệt hạch B61-12 đã được chuyển đến căn cứ Không quân Hoàng gia Anh (RAF) Lakenheath ở Suffolk, từ Trung tâm Vũ khí Hạt nhân Không quân (AFNWC) tại Căn cứ Không quân Kirtland ở New Mexico, hãng Reuters đưa tin.
Việc vận chuyển được thực hiện bằng máy bay C-17A Globemaster III, mật danh Reach 4574, được hộ tống bởi một máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus, cho thấy mức độ ưu tiên cao của nhiệm vụ.
Sự kiện này xác nhận sự trở lại của kho vũ khí hạt nhân Mỹ tại Vương quốc Anh sau 17 năm gián đoạn, làm dấy lên lo ngại về việc leo thang căng thẳng với Nga.
Căn cứ Không quân Lakenheath, do Không quân Mỹ vận hành, là căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ tại Vương quốc Anh và là nơi đóng quân của Phi đoàn Tiêm kích 48, đơn vị vận hành các máy bay F-15E Strike Eagle và F-35A Lightning II.
Theo Liên đoàn Khoa học Mỹ (FAS), các máy bay F-35A, được biên chế trong Phi đội 493 và 495, được chứng nhận có thể mang bom hạt nhân chiến thuật B61-12 với sức công phá thay đổi lên tới 50 kiloton, gấp hơn ba lần sức công phá của quả bom thả xuống Hiroshima.
Những quả bom này được trang bị định vị GPS, giúp cải thiện độ chính xác và phù hợp cho mục đích sử dụng chiến thuật trên chiến trường.
Việc triển khai B61-12 đến Lakenheath được thực hiện nhờ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng tại căn cứ. Từ năm 2022, cơ sở này đã tân trang lại Hệ thống Lưu trữ và An ninh Vũ khí (WS3), bao gồm 33 hầm ngầm có khả năng chứa tới 132 đầu đạn hạt nhân.
Vào tháng 3 năm 2023, Lầu Năm Góc đã phân bổ 50 triệu đô la để bố trí thêm nhân sự liên quan đến "nhiệm vụ hạt nhân tiềm năng". Theo The Telegraph, việc xây dựng các hầm trú ẩn bảo vệ "tài sản giá trị cao" đã bắt đầu vào năm 2024, xác nhận việc sẵn sàng cho triển khai vũ khí hạt nhân.
Quyết định tái triển khai vũ khí hạt nhân tại Anh được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa NATO và Nga gia tăng sau khi xung đột bùng phát ở Ukraine vào năm 2022. Theo Reuters, Nga đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus, khiến NATO phải tăng cường phòng thủ ở sườn phía Đông.
Hiện có khoảng 100 quả bom B61 được đặt tại các căn cứ ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Và việc bổ sung thêm căn cứ Lakenheath vào danh sách chứa vũ khí hạt nhân đã mở rộng phạm vi địa lý của sự hiện diện hạt nhân của Mỹ tại châu Âu.
Bản chất của NATO thay đổi
Vậy việc triển khai này gửi tín hiệu gì đến Moscow? Nó sẽ có tác động gì đến an ninh chiến lược ở châu Âu? Hãng thông tấn Izvestia đã tìm đến một cựu quan chức cấp cao trong Lầu Năm Góc để tìm câu trả lời.
"Bom trọng lực B61-12 mới đã được triển khai tại một số căn cứ của Mỹ ở châu Âu và chúng tôi đã tăng cường khả năng chiến đấu của NATO bằng năng lực hạt nhân của mình", Giám đốc Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia Mỹ Jill Hruby tiết lộ trong một bài phát biểu tại Viện Hudson tuần này.
"Quan hệ đối tác chiến lược của chúng tôi với Vương quốc Anh rất mạnh mẽ, cũng như cam kết của họ đối với khả năng răn đe hạt nhân.
Và chúng tôi đã cùng nhau thúc đẩy suy nghĩ về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng quan trọng. NATO rất mạnh mẽ", giám đốc Hruby nói thêm, ám chỉ đến triển vọng hợp tác hạt nhân được tăng cường.
Trong những năm gần đây, có nhiều báo cáo về kế hoạch của Mỹ nhằm tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại căn cứ Không quân Hoàng gia Anh ở Lakenheath.
B61-12, còn được gọi là B61 Mod 12, là bản nâng cấp mới nhất cho thiết kế bom hạt nhân trọng lực có sức nổ thay đổi của Mỹ được tung ra lần đầu tiên vào cuối những năm 1960.
Việc thử nghiệm B61-12 đã hoàn tất vào năm 2020, bắt đầu sản xuất vào cuối năm 2021 và theo các nhà khoa học nguyên tử, dự kiến Mỹ sẽ sản xuất 400-500 quả bom này, một phần để triển khai ở nước ngoài.
Các biến thể cũ hơn của loại đạn dược này hiện đang được triển khai tại Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Căn cứ không quân Incirlick tại Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO đã chấp thuận cho các loại vũ khí này được sử dụng trong chiến đấu bởi các thành viên liên minh được chọn như một phần của thỏa thuận "chia sẻ hạt nhân" của khối.
Cựu chuyên gia phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ Michael Maloof cho biết, thông báo triển khai phiên bản mới của bom ở châu Âu nhằm "báo hiệu với Moscow rằng NATO và đặc biệt là Vương quốc Anh... đã chuẩn bị cho bất kỳ 'cuộc tấn công' nào vào bất kỳ quốc gia NATO nào".
Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, cho biết điều này cho thấy các nước Tây Âu và Vương quốc Anh đã tự cho phép mình trở thành quốc gia được Mỹ bảo hộ.
Người quan sát lớn lên ở miền Nam nước Anh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nhớ lại: "Khi tôi sống ở đó trong một căn cứ quân sự, chúng tôi thường nói đùa rằng Vương quốc Anh chẳng khác gì một tàu sân bay nổi vì có tất cả các căn cứ của Mỹ trên các cơ sở của Không quân Hoàng gia Anh tại đó".
Maloof cho biết việc triển khai vũ khí hạt nhân một lần nữa "nhấn mạnh rằng NATO đã phát triển không phải thành một liên minh phòng thủ mà là một liên minh tấn công", với các căn cứ lưu trữ bom trở thành mục tiêu rõ ràng của Nga trong trường hợp xảy ra leo thang chết người.