Khắc phục thiệt hại hỏa hoạn tại di tích quốc gia chùa Báo Quốc

Ngày 22/7, Cục Di sản văn hóa cho biết đã nhận được báo cáo của Sở VH,TT&DL Hưng Yên về thiệt hại tại di tích quốc gia chùa Báo Quốc sau vụ cháy.

Hiện trạng tại di tích quốc gia chùa Báo Quốc sau vụ hoả hoạn - Ảnh Bộ VH,TT&DL.
Hiện trạng tại di tích quốc gia chùa Báo Quốc sau vụ hoả hoạn - Ảnh Bộ VH,TT&DL.

Theo báo cáo, vào lúc 7 giờ ngày 17/7, Sở VH,TT&DL Hưng Yên nhận được thông tin xảy ra hỏa hoạn tại di tích quốc gia chùa Báo Quốc, xã Ngự Thiên. Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã xuống hiện trường tiến hành kiểm tra, bàn các giải pháp khắc phục.

Qua kiểm tra và báo cáo nhanh của UBND xã Ngự Thiên, vào khoảng 4 giờ 30 phút ngày 17/7, sư trụ trì chùa Báo Quốc phát hiện xảy ra sự cố hỏa hoạn tại tòa Tiền đường. Nhà sư đã gọi điện báo cáo UBND xã Ngự Thiên và Công an xã Ngự Thiên, đồng thời huy động người dân tiến hành các biện pháp dập lửa. Đến 5 giờ 30 phút đám cháy được khống chế.

Nguyên nhân ban đầu dự đoán có thể do chập điện. Cơ quan công an đang tiến hành kiểm tra hiện trường để điều tra.

chua-bao-quoc-2.jpg
Chùa Báo Quốc được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1990 - Ảnh ITN.

Thiệt hại ban đầu xác định, 3 gian tòa Tiền đường một số cột bị đã cháy bề mặt, hoành, rui, các cấu kiện vì mái bị cháy toàn bộ. Kết cấu công trình đã rất yếu không còn khả năng chịu lực khiến một phần mái của tòa Tiền đường sụp đổ. Toàn bộ tòa Phật điện, nội thất và hệ thống tượng Phật, đồ thờ vẫn còn nguyên vẹn, không bị thiệt hại.

Ngày 18/7, Sở VH,TT&DL đã có công văn yêu cầu điều tra, xác định nguyên nhân vụ cháy để có biện pháp xử lý và ngăn chặn tái diễn; xem xét, đánh giá và xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) sai phạm trong quá trình quản lý, bảo vệ di tích.

Thực hiện ngay các biện pháp bảo vệ an toàn cho khu vực xảy ra hỏa hoạn, ngăn chặn xâm nhập trái phép, không để xảy ra mất cắp, thất thoát di vật, hiện vật; khắc phục sự cố hỏa hoạn, làm nhà bao che bảo vệ di tích, triển khai các biện pháp chống đỡ, gia cố, gia cường để ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ.

Thống kê chi tiết thiệt hại về tài sản, đồ thờ, đồ tế khí, di vật, hiện vật, kiến trúc và các công trình có liên quan thuộc di tích; lập phương án di chuyển toàn bộ đồ thờ, đồ tế khí và các di vật, hiện vật tại di tích đến vị trí phù hợp để tiến hành bảo quản, giữ gìn, bảo vệ an toàn cho toàn bộ đồ thờ, đồ tế khí, di vật, hiện vật…

UBND xã Ngự Thiên cũng tiến hành thu dọn vệ sinh, di chuyển toàn bộ nội thất, tượng Phật, đồ thờ và các di vật, hiện vật tại di tích đến nhà khách của chùa để bảo quản, giữ gìn.

Thực hiện các biện pháp để chống đỡ, gia cố, gia cường ngăn chặn di tích khỏi bị sập đổ. Tiến hành làm nhà bao che (bằng tôn) để bảo vệ di tích và cắt cử lực lượng công an và an ninh cơ sở cùng nhà chùa luân phiên trực bảo vệ di tích.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đều đặn hàng ngày từ 19h30 đến 22h30 các học viên gác lại công việc để đến lớp học.

Gieo hy vọng giữa núi rừng Bản Ca

GD&TĐ - Giữa núi rừng thôn Bản Ca, xã Nghĩa Tá (Thái Nguyên), tiếng đánh vần, đọc chữ của các học viên vang lên giữa không gian yên tĩnh của bản làng.