Trường làng rất mạnh về STEM
Bày tỏ vui mừng khi trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới có nhiều nội dung của giáo dục STEM, ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Chương (Nghệ An) cho biết: Giáo dục STEM vận dụng phương pháp học tập chủ yếu dựa trên thực hành và các hoạt động trải nghiệm sáng tạo như: Học qua dự án – chủ đề, học qua trò chơi và đặc biệt phương pháp học qua hành luôn được áp dụng triệt để cho các môn học.
Nhờ triển khai thành công STEM tại các trường học trong những năm học qua, giáo dục Thanh Chương đã có những thay đổi rõ rệt. Trẻ em nông thôn ít tiếp xúc với KH-CN, thường nhút nhát, ít khi tự tin bày tỏ chính kiến, kiến thức; nhờ STEM, các em đã mạnh dạn hơn, từng bước tiếp thu tốt bài giảng, nắm vững kiến thức và tự tin trình bày trước mọi người.
Hiện nay, 100% giáo viên của 100% trường phổ thông ở huyện Thanh Chương, tức là gần 3.000 thầy cô giáo đã được phổ cập kiến thức về giáo dục STEM như sử dụng vật liệu tái chế, lập trình robot. Những học sinh người dân tộc Thái của các trường học gần biên giới Việt - Lào, đã được học robot và STEM trong học kỳ 1 và sẽ dùng máy in 3D, máy cắt laser vào việc học STEM trong học kỳ 2.
Thanh Chương hiện nay có 88 CLB STEM ở 88 trường phổ thông cả 3 cấp, trong đó có 24 CLB STEM có phòng lab robot, 4 trường có máy in 3D và máy cắt laser. Đó thực sự là một “quân đoàn robot” với hơn 100 robot, trong đó có cả robot tự chế. Huyện đặt mục tiêu ngay trong năm học này, 100% học sinh trường làng của Thanh Chương sẽ được trải nghiệm lập trình robot.
Còn tại Hải Phòng, một trường ngoại ô đã triển khai rất thành công mô hình giáo dục STEM. Tại ngày hội STEM được tổ chức hè 2018, nhiều phụ huynh, giáo viên đã ngạc nhiên khi Vũ Hải Long, học sinh lớp 12 Trường THPT An Dương, huyện An Dương trình bày với một phong thái tự tin, rành rọt, không hề vấp váp về dự án STEM phát điện từ củ khoai tây của em và các bạn.
Long không chỉ là một trường hợp cá biệt. Đó là những tín hiệu vui cho thấy sức lan tỏa của giáo dục STEM. Nó không chỉ góp phần đem thực nghiệm khoa học công nghệ gắn với giáo dục, mà còn giúp thay đổi tư duy, cách tiếp cận vấn đề, cách xử lý các vấn đề phức tạp của các em.
Tích lũy kinh nghiệm cho giáo viên
Để đón đầu Chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhiều địa phương và trường học đã đi trước một bước trong việc triển khai giáo dục STEM. Tại Hà Nội, đã có hơn 2.000 giáo viên được tập huấn STEM, trong số đó có tất cả giáo viên khối THCS của quận Ba Đình và quận Bắc Từ Liêm. Ngay từ đầu năm học 2015 - 2016, ngành GD-ĐT quận Bắc Từ Liêm đã triển khai xây dựng chương trình nhà trường ở 3 cấp học.
Bà Lê Thị Thu Hương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: Chương trình nhà trường được xây dựng và triển khai trên cơ sở đảm bảo yêu cầu chung của chương trình, chủ động điều chỉnh cấu trúc nội dung dạy học, xây dựng kế hoạch giáo dục ở từng môn học, xây dựng các chủ đề trong từng môn học, chủ đề liên môn và thực hiện dạy học tích hợp.
Các nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học và luyện kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh.
Giáo dục STEM đã thúc đẩy việc vận dụng dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, tích cực ứng dụng CNTT phù hợp với nội dung bài học. Chương trình nhà trường tạo điều kiện tối đa để học sinh tự trải nghiệm, khám phá và sáng tạo. Các nhà trường đã chủ động tăng cường hoạt động ngoài trời, tổ chức các hoạt động gắn với thiên nhiên, ruộng đồng, tham quan học tập tại các làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, di tích lịch sử, địa danh văn hóa... cho học sinh.