Thay đổi tích cực về vai trò, vị trí của môn Công nghệ
Theo PGS.TS Lê Huy Hoàng - Chủ biên chương trình môn Công nghệ, Trưởng khoa Sư phạm Kỹ thuật, Trường ĐHSP Hà Nội - giáo dục STEM trong môn Công nghệ được thực hiện thông qua dạy học các chủ đề, mạch nội dung, chuyên đề học tập từ tiểu học tới trung học như mô hình điện gió, mô hình điện mặt trời, ngôi nhà thông minh, các bài toán thiết kế kỹ thuật và công nghệ, nghề nghiệp STEM; các dự án nghiên cứu khoa học kĩ thuật thuộc các lĩnh vực kỹ thuật cơ khí, hệ thống nhúng, robot và máy thông minh. Khi triển khai chương trình, giáo dục STEM tiếp tục được mở rộng thông qua dạy học các chủ đề liên môn của các môn học STEM.
Chia sẻ về về sự thay đổi vai trò của môn Công nghệ trong chương trình mới, PGS.TS Lê Huy Hoàng cho biết: Trong Chương trình GDPT hiện hành, môn học Công nghệ đâu đó còn chưa được quan tâm đúng mức. Hạn chế này tác động rất tiêu cực tới chất lượng dạy học môn Công nghệ ở trường phổ thông, ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển toàn diện của HS. Thực trạng này cần phải thay đổi trong Chương trình GDPT mới.
Thực tiễn cho thấy, tự thân môn Công nghệ có nhiều nội dung hấp dẫn, bổ ích cho HS. Hiệu ứng “môn phụ” đã khiến cả giáo viên và HS không những ít quan tâm tới môn học, mà còn không nhận ra hay chưa làm bộc lộ bản chất tốt đẹp trên của môn học.
Tuy nhiên, hình ảnh môn Công nghệ trong thời gian gần đây đã thay đổi theo chiều hướng tích cực khi Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới GDPT mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều hoạt động có liên quan trực tiếp và phản ánh được vai trò của môn Công nghệ như vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn, nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho HS trung học, dạy học gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Với tư tưởng dân chủ, thực học, thực nghiệp; sự quan tâm thúc đẩy giáo dục STEM trong trường phổ thông; trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu; những gì đã đạt được trong chương trình hiện hành cùng những tư tưởng đổi mới chương trình lần này, sẽ có sự thay đổi tích cực về vai trò, vị trí của môn Công nghệ phổ thông.
Liên quan đến vai trò định hướng nghề nghiệp của chương trình môn Công nghệ, theo PGS Lê Huy Hoàng, tinh thần của giai đoạn định hướng nghề nghiệp là: “Học để chuẩn bị, học để thích ứng với lĩnh vực nghề nghiệp HS lựa chọn sau khi tốt nghiệp”. Theo đó, môn Công nghệ ở THPT có vai trò trang bị cho HS tri thức nền tảng và các năng lực cốt lõi cần có để theo học, lực chọn ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
Ở THPT, chương trình môn Công nghệ được chia làm hai nhánh riêng biệt. HS sẽ chọn theo học công nghệ định hướng công nghiệp hoặc công nghệ định hướng nông nghiệp.
Ở nhánh công nghệ định hướng công nghiệp, HS được học đại cương về công nghệ; kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi, có tính chất nguyên lý và quy trình về một số lĩnh vực công nghệ nền tảng như công nghệ cơ khí chế tạo – động lực, công nghệ điện – điện tử. Trên cơ sở đó, phát triển tư duy thiết kế, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo cho HS. Những tri thức, kỹ năng, năng lực nêu trên rất quan trọng và cần thiết khi học tập, làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
Ở nhánh công nghệ định hướng nông nghiệp, HS được chuẩn bị hành trang về công nghệ, kiến thức, kỹ năng cơ bản, cốt lõi có tính chất nguyên lý và quy trình về một số lĩnh vực sản xuất như trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trên cơ sở đó, góp phần phát triển năng lực hiểu biết công nghệ, giải quyết vấn đề và sáng tạo, giúp HS thành công khi theo học, làm việc trong lĩnh vực định hướng nông nghiệp.
Gắn kiến thức học đường với sản xuất kinh doanh của địa phương cũng là nét mới của môn Công nghệ trong Chương trình mới |
Những thay đổi trong phương pháp dạy học, kiểm tra và đánh giá
Trả lời câu hỏi “Dạy học phát triển năng lực môn Công nghệ có những đặc điểm nào?”, PGS Lê Huy Hoàng cho biết: Có 6 đặc điểm nổi bật khi dạy học môn công nghệ định hướng phát triển năng lực:
Thứ nhất: Hệ thống năng lực được xác định một cách rõ ràng như là kết quả đầu ra của chương trình đào tạo. Dưới góc độ dạy học bộ môn, các năng lực cần hình thành và phát triển bao gồm các năng lực chung cốt lõi và năng lực đặc thù của môn học đó. Trong chương trình, hệ thống năng lực được mô tả dưới dạng yêu cầu cần đạt cho thời điểm cuối mỗi cấp học.
Thứ 2: Nội dung dạy học cùng những yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng của từng mạch nội dung, chủ đề cần phản ánh được yêu cầu cần đạt về năng lực bộ môn. Nội dung dạy học trong chương trình định hướng phát triển năng lực có xu hướng tích hợp, gắn với thực tiễn, được cấu trúc thành các chủ đề trọn vẹn.
Thứ 3: Trong chương trình định hướng phát triển năng lực, phương pháp dạy học chú trọng vào hành động, trải nghiệm; tăng cường thí nghiệm và thực hành; đa dạng hóa các hình thức dạy học, kết nối kiến thức học đường với thực tiễn đời sống; phát huy tối đa lợi thế trong vai trò hình thành và phát triển năng lực của một số phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực.
Thứ 4: Đánh giá trong chương trình định hướng phát triển năng lực được xác định là thành phần tích hợp ngay trong quá trình dạy học. Chú trọng đánh giá quá trình, đánh giá xác thực và dựa trên tiêu chí. Hoạt động đánh giá cần giúp cho người học nhận thức rõ mức độ đạt được so với yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, năng lực. Trên cơ sở đó, có kế hoạch dạy học phù hợp tới từng cá nhân.
Thứ 5: Mỗi bài học, hoạt động giáo dục đều góp phần hình thành và phát triển một, một số năng lực, yêu cầu cần đạt của năng lực. Vai trò này cần được thể hiện tường minh trong mục tiêu của bài học, hoạt động giáo dục. Khi đó, trong mỗi các hoạt động dạy học phải thể hiện rõ vai trò của hoạt động góp phần phát triển yêu cầu cần đạt về năng lực như thế nào.
Thứ 6: Năng lực được hình thành và phát triển theo thời gian, đạt được từng cấp độ từ thấp đến cao. Để hình thành và phát triển năng lực, cần nhận thức đầy đủ về năng lực, hành động và trải nghiệm có ý thức, nỗ lực và kiên trì trong các bối cảnh cụ thể đòi hỏi phải thể hiện (hay phản ánh) từng năng lực, trong mỗi bài học, hoạt động giáo dục. Sự khác biệt về năng lực chỉ có thể bộc lộ rõ ràng sau mỗi giai đoạn học tập nhất định.
Nói về sự thay đổi của phương pháp dạy học môn Công nghệ, PGS Lê Huy Hoàng cho rằng, dạy học công nghệ cần lựa chọn, sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học phát huy tính chủ động, sáng tạo, tích cực và phù hợp với sự hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Quan tâm tới học tập dựa trên hành động, trải nghiệm; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn nhằm nâng cao hứng thú học tập của HS, góp phần hình thành năng lực, phẩm chất môn học đảm nhiệm.
Cùng với đó, xây dựng môi trường học tập an toàn, thoải mái, phát huy tối đa tính dân chủ trong lớp học; đảm bảo mọi HS đều có cơ hội trao đổi, thảo luận trong các tình huống học tập đa dạng trong, ngoài lớp học. Khai thác hiệu quả hệ thống các thiết bị dạy học tối thiểu theo nguyên lý thiết bị, phương tiện dạy học là nguồn tri thức về đối tượng công nghệ. Coi trọng các nguồn tư liệu ngoài SGK và hệ thống các thiết bị được trang bị; khai thác triệt để những lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học trên các phương diện lưu trữ tri thức, đa phương tiện, mô phỏng, kết nối, môi trường học tập.
Riêng sự thay đổi của hoạt động đánh giá kết quả học tập của HS, PGS Lê Huy Hoàng lưu ý: Đánh giá trong môn Công nghệ cần kết hợp đa dạng các phương pháp đánh giá khác nhau, đảm bảo đánh giá toàn diện HS; chú trọng đánh giá bằng quan sát trong đánh giá theo tiến trình và đánh giá sản phẩm. Với mỗi nhiệm vụ học tập, tiêu chí đánh giá cần được thiết kế đầy đủ, hướng tới các yêu cầu cần đạt và được công bố ngay từ đầu để định hướng cho HS trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập; công cụ đánh giá cần phản ánh được mức độ đạt được đã nêu trong mỗi chủ đề, mạch nội dung.
Đồng thời, tăng cường đánh giá quá trình, kết hợp hài hòa giữa đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết; trong đó, đánh giá quá trình phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và tích hợp vào trong các hoạt động dạy học, đảm bảo mục tiêu đánh giá vì sự tiến bộ trong học tập của HS; khuyến khích tự đánh giá và đánh giá đồng đẳng.