Bầm dập
Học Đại học Công nghiệp nhưng chẳng muốn tương lai phải ngồi 8 tiếng trong phòng thí nghiệm, ngay từ thời sinh viên, Chương đã vật lộn kinh doanh với đủ món lặt vặt, từ bán móc chìa khóa đến sữa đậu nành… nhưng rồi lại bén duyên với dế. Đó là vào năm 2010, trong một lần học môn chăn nuôi, thầy có nói chăn nuôi dế dễ. Vậy là thử nuôi, và cái tên Chương Dế gắn với Chương từ đó.
Để nuôi dế, Chương chuyển hẳn ra ngoài thuê trọ (trước là ở nhờ nhà bà con). Bố mẹ biết chuyện, đi từ Quảng Nam vào, khuyên can đủ điều, cuối cùng vẫn phải thua sự quyết tâm của Chương.
Trước khi bắt tay vào nuôi, Chương cũng lặn lội đi khảo sát thực tế những vùng nuôi dế từ Long An, Củ Chi đến Đồng Nai, ấp ủ nâng niu những chú dế. Nhưng rồi, chú dế mèn đã phải nếm cú thất bại đầu đời.
“Sau 3 tháng nuôi với 4, 5 thùng dế thì chết gần hết. Tưởng ngon ăn, ai dè khởi nghiệp ba không, không tiền, không kinh nghiệm, không quan hệ thì khó có thể thành công. Nhìn những chú dế chỏng chơ chết trong những chiếc thùng xốp, mình đã nản chí muốn bỏ cuộc” - Chương tâm sự.
Thế nhưng với bản tính lì lợm, một lần nữa, Chương quyết đi theo dế. Nhưng lần này là chiên dế bán dạo tại các sự kiện của sinh viên. “Đến tận năm 2011, sau khi ra trường mình vẫn không biết nên đi làm hay tiếp tục lựa chọn khởi nghiệp và cuối cùng vẫn chiên dế bán tại công viên Lê Thị Riêng vào mỗi buổi tối. Chương nói, những ngày ấy, ngày nào phòng trọ cũng sực nức mùi chiên xào còn người thì “bốc mùi”.
Tuy nhiên, thất bại lại kéo tới. “Bán được vài tháng thì mình nghỉ vì sức mua không nhiều, chạy công an thường xuyên. Lúc này, mình mới nghiệm ra, chiên dế bán dạo không phải là con đường làm giàu có thể đi được” - chàng dế mệt mỏi nhớ lại.
Tình cờ, Chương được bạn bè rủ làm hamberger dế. Lần này, như kẻ chết đuối gặp phao, chàng dế mèn đã vạch sẵn bao kế hoạch trong đầu. Nhưng đùng cái, bạn không góp vốn nữa.
“Năm 2012, mình thành lập Công ty Cổ phần BUG, với trụ sở là nhà trọ. Công ty có rồi mà bạn lại rút lui. Lúc đó, mình nghĩ chả lẽ vừa thành lập lại tuyên bố phá sản. Nghĩ không đặng nên mình quyết tâm đi đến cùng. Rủ thêm được 2 người bạn làm cùng. Lần này, mình chuyên cung cấp nguyên liệu dế cho các nhà hàng” - Chàng giám đốc chia sẻ.
Đó là quãng thời gian năm 2012-2014. Với Chương, nó thực sự như cơn ác mộng đầy thử thách và thú vị. Để duy trì hoạt động cho công ty, Chương và đồng sự phải kiêm cả bán sữa đậu nành, sữa bắp. “Thấy bà bán xôi bán sữa đậu nành chạy quá. Vậy là bọn mình tậu hẳn máy móc về làm. Ngày đầu tiên bán tại chợ Căn Cứ (Q. Gò Vấp) được 10 chai với 7 ngàn đồng/chai. Mỗi ngày chỉ được ngủ có 3 tiếng. Làm được 2 năm, đành bán lại máy móc vì thực sự quá cực” - Chương lắc đầu cười.
Cuộc chiến tìm ra snack dế
“Chả lẽ cứ mãi dậm chân tại chỗ” là điều mà Chương luôn băn khoăn. Năm 2014, Chương và cộng sự quyết định qua Thái Lan để tìm hiểu xem nước này đang làm gì với các con côn trùng.
Tại đây, Chương thấy sản phẩm snack dế tại các chuỗi siêu thị và định nhập về Việt Nam bán. Tuy nhiên ý tưởng này cũng không thành.
Trước câu hỏi bỏ cuộc hay làm tiếp? Chương chọn làm tiếp. “Người Thái làm được thì mình cũng làm được” là điều mà Chương tự nhủ trên con đường tìm hướng đi riêng.
Nhưng làm thế nào để làm được như họ? Tháng 4-2015, Chương chính thức bước vào cuộc chiến với snack dế. Căn nhà trọ cũng là trụ sở công ty khi đó biến thành nơi thử nghiệm sản phẩm.
Giống như ngày đi bán dế chiên dạo, lần này Chương và cộng sự chiên không biết bao nhiên lần nhưng con dế vẫn không giòn. Những chú dế chiên lên khô cứng thách thức chàng dế mèn. Thất bại đến lần thứ n, Chương nói, đó là những ngày toàn phải ăn dế chiên thay cơm, đến giấc mơ cũng chỉ mơ về những chú dế bay nhảy, đến mùi dế chiên ngây ngấy. Và choàng tỉnh với căn phòng la liệt dế.
Thất vọng, nhưng không nản. Chương nói, bất kể mọi con đường, dù hướng này hay hướng khác đều luôn có lời giải đáp. Chương viết mail cho thầy Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm và may mắn được thầy gọi lên nói chuyện, cho mượn phòng thí nghiệm để nghiên cứu.
Thầy còn chỉ cho công nghệ chiên sao cho sản phẩm chiên cho thật giòn, không bị nát. “Bài toán chiên đã được giải quyết. Thực sự mình rất biết ơn thầy. Chúng mình vay tiền bạn bè, người thân để mua máy chiên vài trăm triệu” - Chương chia sẻ.
Nhưng đau đầu nhất phải kể đến bài toán mùi vị của sản phẩm snack. “Bọn mình ướp đủ các loại gia vị vào con dế, nào đường, mắm, muối, tỏi, ớt… đến khi chiên lên thì… không thể nào nuốt nổi” - Chương lè lưỡi nhớ lại.
Ngõ cụt. Chương hú họa đăng câu hỏi của mình trên trang của SME Networking, nơi các doanh nhân trẻ kết nối với nhau, và nhận được gợi ý về một hội chợ có thể cho anh câu trả lời.
Tuy nhiên, khi đến đó, Chương lại lạc vào một ma trận những nguyên phụ liệu thực phẩm, câu trả lời vẫn chưa thể nào được giải đáp. “Một lần nữa, tưởng chừng bỏ cuộc. Thế nhưng, cơ duyên mình gặp được một công ty chuyên cung cấp nghiên cứu nguyên phụ liệu. Và tìm được gia vị phù hợp cho món snack dế”. Điều mà Chương nghiệm ra là mọi câu hỏi đều sẽ được gỡ rối, chỉ có điều mình có thể kiên trì được đến đâu.
Bài toán cuối cùng để hoàn thiện sản phẩm snack dế đó là bao bì. Ban đầu Chương và cộng sự chọn cách đóng vào giấy bạc, hộp giấy, nguyên cả buổi chiều, 3 người miệt mài làm mới được 200 gói. Sau đó mỗi người một giỏ xách tới các quán nhậu để bán. Tuy nhiên, khi chuyển sang công nghệ thì một phút đã được 40 gói.
Một năm tám tháng đó là khoảng thời gian để một sản phẩm snack hoàn thiện. Chương nói, bầm dập và không thiếu những lần tưởng đi vào ngõ cụt. Với Chương, con đường đi nào cũng sẽ có sự lựa chọn. Chỉ là chọn đi tiếp hay dừng chân.
Tháng 8-2016, sau khi hoàn thành các công đoạn từ xây dựng nhà máy tại Đồi Chè, Cầu Đất, Đà Lạt, sản phẩm snack dế nguyên con được tung ra thị trường và nhận được sự đón nhận nồng nhiệt từ phía người tiêu dùng trẻ.
Hiện nay, sản phẩm đã đi vào được kênh siêu thị tiện lợi, kênh bán hàng online. Khoảng 10 đại lý tiêu thụ đặt tại các khu vực miền Trung và Hà Nội. Chương và cộng sự có một trang trại nuôi dế rộng 110m2 tại Lâm Đồng.
“Côn trùng dù rất giàu protein có thể thay thế thịt, cá. Tuy nhiên, người Việt vẫn còn tâm lý e dè, sợ hãi, ăn chơi là chính. Đây chính là rào cản tâm lý lớn và là cuộc chiến dài hơi cho sản phẩm snack dế nguyên con cũng như sản phẩm côn trùng đi sâu vào đời sống” - chàng dế mèn băn khoăn.
Vĩ thanh phiêu lưu ký
Đúc rút lại quá trình của mình, Chương nói đó là một cuộc phiêu lưu mà chỉ có kẻ cứng đầu mới đi tiếp, đọ sức lì lợm để vượt qua chính bản thân mình và những hào nhoáng bên cạnh.
Đó là những câu chuyện khù khờ của chàng dế mèn khởi nghiệp, ăn dế thay cơm, bị người yêu chê là sống với dế nên tới giờ vẫn ế, ngay cả ngủ cũng gọi tên dế. Là những ngày bán dạo bị chửi, bị rượt vắt chân lên cổ, những khi cùng đường tắt lối vẫn cố sức bấu víu vào sự cứng đầu để tồn tại.