Chung tay tìm giải pháp phát triển bền vững ĐBSCL

GD&TĐ - Sáng 26/9, Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu được khai mạc tại TP Cần Thơ.

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đồng chủ trị hội nghị.

Tham gia hội nghị còn có hơn 600 đại biểu là đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gặp gỡ các đại biểu dự hội nghị

Đây được xem là hội nghị hiến kế, quy mô lớn nhất từ trước đến nay, nhằm xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn để phát triển bền vững ĐBSCL, với tầm nhìn đến năm 2100. Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (26 và 27/9).

Trong ngày thứ nhất, diễn ra các phiên thảo luận chuyên đề về định hình chiến lược phát triển bền vững, một là nhận diện thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho vùng ĐBSCL; hai là quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; ba là phát triển nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, chủ động phòng chống thiên tai, sạt lở; bốn là nhu cầu, cách thức huy động và điều phối nguồn lực.

Kết quả thảo luận, trao đổi ngày thứ nhất sẽ được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, TN&MT, NN&PTNT báo cáo tại Phiên toàn thể ngày thứ 2 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, là cơ sở để tiếp tục trao đổi đi đến thống nhất các định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, khả thi, nguồn lực và cách thức tổ chức thực hiện. Những kết quả của Hội nghị sẽ là cơ sở để Chính phủ xem xét, ban hành Nghị quyết về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tham dự hội nghị
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tham dự hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, cho biết: ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công và các hoạt động nhân sinh khác; cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.

“Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh.

Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng. Do đó, định hình chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu có ý nghĩa rất quan trọng, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo.

“Tôi cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương khi thảo luận và trao đổi trong Hội nghị cần có sự đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận theo hướng mở, hiện đại, lấy tri thức khoa học công nghệ làm nền tảng, kinh nghiệm thực tiễn trong nước và quốc tế là sức mạnh trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp đưa ra cần có tính đột phá, khả thi cao, mang tính kết nối liên vùng và nội vùng, có sự thống nhất, kế thừa các chủ trương, chính sách, các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL đã được đề ra trong thời gian vừa qua”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các đại biểu tập trung vào các vấn đề chính như: Phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.

Dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.

Thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hoá các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.

Xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TP Hồ Chí Minh...

Tính đến tháng 4/2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.