Thách thức với nguồn năng lượng thiên nhiên
Theo chia sẻ của các nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia có cường độ năng lượng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Sử dụng năng lượng tại Việt Nam tăng nhanh hơn các nước trong khu vực, với mức tiêu thụ nhiều nhất trong lĩnh vực điện.
Từ năm 2000 đến 2010, nhu cầu điện năng của VN tăng khoảng 14 % mỗi năm. Sản lượng phát điện năm 2011 (100.189 GWh), gấp 4 lần năm 2000 (25.694 GWh). Theo chính sách và quy hoạch hiện hành, tỷ trọng than sử dụng cho phát điện sẽ tăng từ 17% năm 2010 lên gần 60% vào năm 2030, và 80% than sẽ được nhập khẩu.
Theo các chuyên gia cho rằng, mặc dù nhiệt điện than có thể đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, nhưng khiến Việt Nam gặp phải các rủi ro nghiêm trọng về thị trường, an ninh năng lượng và môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam sử dụng than nhập khẩu là chủ yếu nhưng giá đang tăng cao và có biến động lớn, khiến Việt Nam phụ thuộc vào giá trên thị trường...
PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết: Từ khi nhân loại chuyển sang thời kỳ phát triển công nghiệp hóa (năm 1850 đến nay), bầu khí quyển quanh trái đất đã gia tăng nhanh chóng hàm lượng các chất khí gây hiệu ứng nhà kính như CO2, CH4, N2O, CFCs… dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Theo Quy hoạch Điện VII Điều chỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ có 14 nhiệt điện than hoạt động ở vùng ĐBSCL. Ở đó, ô nhiễm khói bụi là mỗi lo ngại rõ ràng nhất của các nhà máy này.
Đó là chưa kể tro xỉ than là nguồn ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng cho đất, nước và không khí, kéo theo những hệ lụy về sinh thái và sức khỏe cộng đồng…
Cộng đồng trách nhiệm với nguồn năng lượng xanh
Những năm gần đây, nhiều quốc gia đã chuyển dịch mạnh mẽ từ năng lượng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng tái tạo. Từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực.
Ở Việt Nam, Chính phủ cũng đã ban hành một số chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, giảm phát thải nhà kính, hướng tới một nền tăng trưởng xanh…
Hiện nay, năng lượng tái tạo được xem là lựa chọn hàng đầu và có ít rủi ro hơn. Việc đa dạng hóa nguồn cung nhờ năng lượng tái tạo vừa đảm bảo nhu cầu năng lượng, đồng thời cũng đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu hiểm họa môi trường và ít phụ thuộc vào biến động thị trường.
Đặc biệt, việc độc lập trong việc cung cấp năng lượng là cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng tại Việt Nam. Năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm phụ thuộc vào than nhập khẩu và góp phần đảm bảo nguồn cung năng lượng.
Theo ông Nguyễn Trung Hiếu - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2068 ngày 25/11/2015.
Đây được xem là nền tảng định hướng phát triển cho các loại hình đầu tư năng lượng tái tạo phát triển.Khuyến khích các nguồn lực đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo mới, hiện đại. Góp phần tăng cường nguồn cung trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Chia sẻ về kinh nghiệm sử dụng năng lượng tái tạo, bà Ping Kitnikone - Đại sư Canada tại Việt Nam, cho biết: Canada tự hào là một quốc gia đi đầu, với 90% năng lượng tái tạo được sử dụng để đáp ứng các nguồn năng lượng cơ bản. Chúng tôi đang hướng đến loại bỏ dần năng lượng than đến năm 2030.
Riêng Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về các loại điện để sản xuất năng lượng. Mối quan hệ giữa hai nước đã có sự phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, Canada đã hỗ trợ cho Việt Nam nhiều dự án về khí hậu, môi trường.
Chúng tôi nhận thức rằng, vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu là không có ranh giới, việc ứng phó với vần đề này cần có sự phối hợp, chung tay giữa các quốc gia.