Chủng nấm giúp tăng hoạt chất trong cây dược liệu

GD&TĐ - Chỉ cần đưa các chủng nấm này vào vườn dược liệu, các loại cây trồng sẽ được gia tăng hoạt chất do hoạt động cộng sinh của nấm với cây.

Nấm rễ cộng sinh arbuscular mycorrhizas (AM).
Nấm rễ cộng sinh arbuscular mycorrhizas (AM).

Giúp rễ cây hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn

TS Bùi Văn Cường - Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và cộng sự vừa nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sự ảnh hưởng của nấm nội cộng sinh arbuscular mycorhizas lên khả năng kích thích sinh trưởng của một số cây dược liệu”.

Mục đích của nhóm nghiên cứu là đánh giá khả năng cộng sinh với nấm arbuscular mycorhizas (AM) của một số cây dược liệu phổ biến ở Việt Nam. Từ đó, phân lập được chủng nấm AM thích hợp và đánh giá tác động của những chủng nấm này lên sự sinh trưởng, khả năng kích thích sinh dược chất của một số cây dược liệu phổ biến.

TS Bùi Văn Cường cho biết, nấm AM là một trong hai dạng chính của nấm rễ cộng sinh mycorrhizas. Ở dạng cộng sinh này, sợi nấm xâm nhập vào tế bào vỏ rễ và hình thành những cấu trúc dạng bọng (vesicles) hay dạng bụi (arbuscules).

Những cấu trúc này làm tăng bề mặt tiếp xúc giữa sợi nấm và nguyên sinh chất của tế bào rễ giúp cho việc trao đổi dinh dưỡng giữa nấm và thực vật trở nên hiệu quả hơn. Hệ sợi nấm trong đất (hay sợi ngoại vi) kích thước rất nhỏ và phân ra thành nhiều nhánh len lỏi trong đất có vai trò hấp thu dinh dưỡng và hình thành bào tử.

Sự cộng sinh của nấm AM đem lại rất nhiều lợi ích cho cây, đặc biệt là ở những nơi đất đai cằn cỗi, khô hạn… giúp cho cây phát triển tốt và chống lại những vi sinh vật gây bệnh trong đất. Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu không thể thực hiện với tất cả các loại cây dược liệu mà chọn một số loài phổ biến là cà gai leo và xạ đen.

Cà gai leo (Solanum procumben) thuộc loại cây nhỡ leo, có thân dài từ 60 - 100 cm, hay cao hơn, có nhiều gai, cành xòa rộng. Lá cây hình trứng hay thuôn dài, dưới gốc lá hình rìu hay hơi tròn.

Loài này có vị hơi the, tính ấm. Rễ cây có chứa tinh bột và nhiều chất hóa học khác như ancaloit, glycoancaloit... có khả năng bảo vệ tế bào gan rất tốt, kìm hãm và làm âm tính vi rút viêm gan, ngăn chặn quá trình xơ gan, dùng chữa các bệnh liên quan đến gan.

Xạ đen (Ehretia asperula) thuộc loại cây dây leo thân gỗ, mọc thành búi, dễ trồng. Thân cây dạng dây dài 3 - 10m. Cành tròn, lúc non có màu xám nhạt, không có lông, sau chuyển sang màu nâu, có lông, về sau có màu xanh. Xạ đen có tác dụng chữa bệnh như thông kinh, lợi tiểu, chữa ung nhọt và lở loét, phòng ngừa ung thư, tiêu viêm, mát gan mật, giúp cơ thể loại trừ độc tố.

Tạo cây dược liệu giàu hoạt chất

TS Bùi Văn Cường cho hay, đây là nghiên cứu đầu tiên về nấm cộng sinh trên cây xạ đen và cà gai leo ở Việt Nam. Qua đó, xác định được chủng nấm cộng sinh AM chính, làm cơ sở khoa học cho việc tạo chế phẩm nấm cộng sinh phục vụ việc tăng năng xuất và chất lượng của cây dược liệu.

Nhóm nghiên cứu đã phát hiện được khả năng cộng sinh của nấm AM trên cây dược liệu xạ đen, cà gai leo nhưng không phát hiện sự cộng sinh trên các mẫu cây dừa cạn (Catharanthus roseus).

Chủng nấm AM cộng sinh chính trên các cây dược liệu trên được xác định là chủng Rhizophagus intradices. Sau khi nhân chủng nấm và tái nhiễm lại vào cây dược liệu, nhóm nhận thấy tác động rõ rệt của nấm cộng sinh lên sinh trưởng của cây dược liệu (xạ đen và cà gai leo), khi so sánh với cây đối chứng không có nấm cộng sinh.

Sự cộng sinh của nấm cũng cho thấy làm tăng hàm lượng polyphenol tích lũy trong khối của cây dược liệu.

Quá trình nuôi trồng dược liệu, người dân thường sử dụng nhiều phân bón hóa học giúp cây sinh trưởng tốt về sinh khối nhưng lại làm giảm hàm lượng dược chất tích lũy. Việc tăng cường sử dụng các tác nhân kích thích sinh trưởng từ vi sinh vật sẽ hạn chế các yếu tố bất lợi trên của phân bón hóa học.

TS Bùi Văn Cường cho biết, thành công của nghiên cứu này mở ra triển vọng đưa chủng nấm vào các vườn dược liệu trên cả nước nhằm gia tăng hoạt chất, nâng cao chất lượng của các loài dược liệu.

“Giá trị của cây dược liệu sẽ được tăng lên đáng kể nếu đề tài được triển khai rộng rãi. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu trên các loài dược liệu khác để mở rộng phạm vi ứng dụng”, TS Bùi Văn Cường cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Đỗ Thị Hồi trong giờ lên lớp.

'Quả ngọt' của cô giáo vùng khó

GD&TĐ - Cô Đỗ Thị Hồi, Trường TH Lạc Hòa 1 (TX Vĩnh Châu, Sóc Trăng) là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân.

Thế giới Cây và hoa Việt NamFomeal Basic Soup