Chế tạo đế con chip từ nấm linh chi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trường Đại học Johannes Kepler (Áo) phát hiện, lớp da nấm linh chi có thể được sử dụng làm chất nền phân hủy sinh học cho chip máy tính.

Lớp da của nấm linh chi hội tụ đủ các yếu tố mà nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ tạo nên một đế chip tốt.
Lớp da của nấm linh chi hội tụ đủ các yếu tố mà nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ tạo nên một đế chip tốt.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Johannes Kepler (Áo) phát hiện, lớp da nấm linh chi có thể được sử dụng làm chất nền phân hủy sinh học cho chip máy tính.

Trong bài báo đăng trên tạp chí Science Advances, nhóm nghiên cứu đã mô tả hiệu quả của phương pháp này. Các nhà khoa học cũng cho biết khả năng loại bỏ lớp da dễ dàng sau khi con chip không còn hữu ích.

Hầu hết, con chip sử dụng để chế tạo những thiết bị điện tử đều được đặt trên một đế nhựa. Thật không may, loại nhựa được sử dụng hoàn toàn không thể tái chế. Điều đó có nghĩa là hầu hết các chip máy tính đều được đưa vào những bãi rác trên khắp thế giới. Nghiên cứu trước đây đã gợi ý rằng, tình trạng đó đồng nghĩa là có 50 triệu tấn chất thải điện tử được đưa vào các bãi rác mỗi năm.

Đế của một con chip là phần mà nhóm nghiên cứu muốn xem xét kỹ hơn. Sau khi tìm kiếm một giải pháp thay thế khả thi, họ phát hiện nấm linh chi có thể là biện pháp hiệu quả. Nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, loại nấm này phát triển một lớp da để che phủ sợi - phần giống như rễ của nó. Nghiên cứu trước đây cho thấy, lớp da bảo vệ nấm khỏi các loại nấm và vi khuẩn khác.

Sau khi loại bỏ một số da khỏi những mẫu nhất định, các nhà nghiên cứu nhận thấy, đây là một lớp mềm dẻo, cách nhiệt tốt và có thể chịu được nhiệt độ cao. Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, nếu tránh xa ánh sáng và độ ẩm, lớp da này sẽ tồn tại rất lâu.

Mặt khác, nếu tiếp xúc với những điều kiện nhiều ánh sáng và độ ẩm, da sẽ nhanh chóng bị phân hủy. Lớp da của nấm linh chi hội tụ đủ các yếu tố mà nhóm nghiên cứu cho rằng sẽ tạo nên một đế chip rất tốt.

Nhóm nghiên cứu đã phát triển một phương tiện để lắng đọng các thành phần mạch điện tử kim loại lên da. Sau đó, họ sử dụng tia laser. Thử nghiệm cho thấy, lớp da hoạt động gần như phần đế nhựa truyền thống và có thể chịu được uốn cong nhiều lần.

Cụ thể, lớp da này không bị gãy sau 2.000 lần uốn cong. Các nhà khoa học cũng phát hiện, lớp da nấm có thể được sử dụng để chế tạo các bộ phận của pin.

Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, cần thực hiện nhiều công việc hơn để bảo đảm rằng, da hoạt động như mong đợi trong môi trường công nghiệp. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cần phải tìm ra một quy trình sạch để loại bỏ da, trong trường hợp con chip không còn được sử dụng.

Theo TechXplore

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ