Theo ông Phạm Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sự kiện Việt Nam - đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi đánh giá cao về sự đa dạng và tính khả thi của các ý tưởng được lựa chọn đi tiếp vào vòng chung kết.
Ngoài ra, ông Phạm Trung Thành cũng cho rằng các ý tưởng giải quyết được nhiều bài toán của xã hội trên các lĩnh vực của đời sống như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và ứng phó với những vấn đề mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những ý tưởng xuất sắc của sinh viên Thủ đô, vòng chung khảo khu vực miền Bắc còn có sự tham gia của những sinh viên đến từ khu vực miền núi phía Bắc, đại diện cho tinh thần vượt khó, ước mơ phát triển quê hương.
Là một trong 4 nhóm dự thi đến từ khu vực miền núi phía Bắc, thí sinh Dương Quang Đạt, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông - ĐH Thái Nguyên, thuộc nhóm ý tưởng khởi nghiệp “Giải pháp giám sát chất lượng nguồn nước và tự động thu thập dữ liệu về chỉ số nước tiêu thụ cho các nhà máy nước Việt Nam” cho biết:
“Xuất phát từ nhu cầu thực tế, các công ty nước vẫn phải thu thập dữ liệu một cách thủ công, tốn kém thời gian và nhân công, chúng em cho ra đời một ứng dụng trực tuyến để tự động hóa quá trình này.
Thông qua cuộc thi, chúng em muốn tìm kiếm thêm cơ hội để phát triển, đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời đây cũng là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm từ những CEO đã thành công trong khởi nghiệp”.
Ngoài phần trình bày ý tưởng trực tiếp diễn tại vòng chung khảo, các thí sinh cũng có cơ hội được đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm khởi nghiệp tại Công ty Magestore trong dịp này. Kết thúc vòng thi chung kết khu vực miền Bắc, Ban giám khảo sẽ chọn ra 5 ý tưởng xuất sắc nhất để đi tiếp vào vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 3/2017.