Chuẩn mầm non 5 tuổi: Bảo đảm sự phát triển toàn diện

GD&TĐ - Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi hiện hành đã được 12 năm. Đến nay, Việt Nam có nhiều thay đổi về mọi mặt trong đời sống kinh tế - xã hội.

Trẻ mầm non 5 tuổi ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái làm quen với chữ cái. (Ảnh chụp thời điểm chưa giãn cách vì dịch Covid-19)
Trẻ mầm non 5 tuổi ở Trường Mầm non Yên Ninh, TP Yên Bái làm quen với chữ cái. (Ảnh chụp thời điểm chưa giãn cách vì dịch Covid-19)

Chuyên gia cho rằng: Chuẩn mầm non 5 tuổi cần phải được xây dựng lại, đáp ứng sự phát triển toàn diện của trẻ, cũng như thích ứng với những thay đổi trong Chương trình GDPT 2018. 

Những thay đổi cần thiết

Theo TS Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương: Bộ chuẩn (2010) với 28 chuẩn và 120 chỉ số, được trình bày theo trình tự nhất định. Người sử dụng mặc định tự hiểu các chuẩn và chỉ số này thể hiện lĩnh vực nào. Các nhà trường và giáo viên đều đã hết sức quen thuộc với những chuẩn này. Nhưng những thay đổi về kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ cũng như điều kiện sống của các gia đình đã đặt vấn đề cho sự cần thiết phải thay đổi bộ chuẩn để việc nuôi dạy trẻ mầm non 5 tuổi đáp ứng với thực tiễn. Đây là đòi hỏi cấp thiết và hết sức thực tế từ chính nhà trường và các cán bộ quản lý giáo dục.

Từ thực tế địa phương ở một tỉnh được coi là Việt Nam thu nhỏ, có núi cao, đảo xa, khu vực dân tộc và vùng kinh tế - xã hội phát triển, bà Vi Thị Hạnh -  Trưởng phòng GD&ĐT TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - cho rằng: Hơn ai hết giáo viên đứng lớp và quản lý các nhà trường hiểu về những bất cập của chuẩn cũ. Chúng tôi đã có ý kiến và kiến nghị về những bất cập của Bộ chuẩn (2010).

Theo tôi, các căn cứ theo cách tiếp cận xây dựng chuẩn mới là hết sức chi tiết. Đó là Tiếp cận năng lực khi xây dựng các chuẩn và các tiêu chí; Tiếp cận phát triển khi xem xét từng chuẩn và tiêu chí trong chuẩn, đồng thời xem xét kế thừa các chuẩn và chỉ số bộ chuẩn hiện hành; Tiếp cận hệ thống để bảo đảm tính liên thông các giá trị và năng lực của giáo dục mầm non với giáo dục phổ thông.

Khẳng định ích lợi của sự thay đổi này, PGS.TS Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non - chia sẻ: Trong nhiều nội dung thay đổi, chúng tôi nhấn mạnh đến các điểm quan trọng. Trong đó, phản ánh các giá trị và năng lực cần có ở người học và bảo đảm sự kết nối phát triển với giáo dục phổ thông.

Thứ hai, thuận tiện cho người sử dụng: Cấu trúc rõ ràng và phân định các lĩnh vực phát triển, các tiểu lĩnh vực, bao gồm có các chuẩn, chỉ số phản ánh giá trị và năng lực của trẻ một cách rõ ràng.

Thứ ba, Bộ chuẩn phát triển của trẻ em 5 tuổi (2022) sẽ là định hướng cho việc xây dựng và phát triển Chương trình khung giáo dục mầm non quốc gia. Hai bộ tài liệu này có sự liên thông và liên kết với nhau giúp cho sự phát triển của trẻ được tốt hơn.

Giáo dục thể chất luôn được quan tâm tại Trường Mầm non Họa My, TP Vinh, Nghệ An. (Ảnh chụp thời điểm chưa giãn cách vì dịch Covid-19)
Giáo dục thể chất luôn được quan tâm tại Trường Mầm non Họa My, TP Vinh, Nghệ An. (Ảnh chụp thời điểm chưa giãn cách vì dịch Covid-19)

Chuyên gia khuyến nghị

Theo PGS.TS Bùi Thị Lâm - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ở phần tiếp cận việc học cho phù hợp với Chương trình GDPT 2018, các chỉ số khá phù hợp, là điểm mới – tốt của bộ chuẩn. Chỉ ra những yếu tố cần làm rõ, PGS Bùi Thị Lâm cho rằng: Những biểu hiện về tiếp cận với việc học nên nhấn mạnh những kĩ năng tư duy phức tạp hơn như khái niệm tư duy để xây dựng kiến thức mới. Với kĩ năng giải quyết vấn đề, không nên tập trung vào việc kiểm tra về cách giải quyết vấn đề bằng chỉ báo nói được, nên tập trung vào kĩ năng trẻ giải quyết vấn đề như thế nào. Vì nhiều trẻ không nói được nhưng biết làm, biết giải quyết vấn đề.

TS Tôn Quang Cường - Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội - đưa ra 3 quan điểm để chuẩn mới đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện và thích ứng với đổi mới. Trong bối cảnh xã hội thay đổi lớn, vậy lựa chọn mảnh ghép nào để tác động đến trẻ ngay hiện nay. Cần mạnh dạn tham khảo kinh nghiệm các nước, ngay cả các nước tiên tiến cũng đang phải đổi mới nền giáo dục. Việt Nam không nhất thiết bám vào nền tảng cũ. Cần phân tích sâu hơn mối quan hệ giữa trẻ với gia đình, người thân, đồ dùng, dụng cụ có trong gia đình. Thêm nữa cần tiếp cận việc học, phân giải các năng lực tiếp cận việc học. Không phải cung cấp chữ cái, tính toán, kết quả đầu ra phải chuyển đổi mượt mà với việc học ở phổ thông.

Đưa ra vấn đề giáo dục thể chất đối với trẻ, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam - nêu quan điểm: Trong lĩnh vực sức khỏe thể chất, chuẩn về khả năng thích ứng của trẻ gồm 3 vấn đề: Thích ứng với thay đổi vận động; Thích ứng với thay đổi thời tiết, nơi ở; Thích ứng với thay đổi trạng thái cơ thể do vận động. Các chỉ báo hiện nay không phải là toàn bộ biểu hiện của trẻ về lĩnh vực, mà là những biểu hiện dễ nhận biết bằng quan sát được. Bà đưa ra ví dụ minh họa như chỉ số về khuy áo: Là chỉ báo phản ánh phối hợp vận động ngón tay; Chỉ báo không ăn đồ ôi thiu và chỉ báo ăn thức ăn lành mạnh… Đây đều là những nội dung cần được cân nhắc để đưa vào nội dung chuẩn cho phù hợp.

“Mỗi quốc gia xây dựng chuẩn có ý nghĩa khác nhau. Để chuẩn sử dụng được cho các nhà khoa học, nhà giáo dục, cha mẹ, nhiều người khác thì chuẩn phải đơn giản, dễ hiểu nhất để sử dụng đại trà. Cần có cột giải thích ý nghĩa của chuẩn, chỉ số đó là gì để tất cả mọi người hiểu đúng. Đây là định hướng quan trọng để mọi người cũng hiểu rõ chuẩn, chỉ số hiện tại và trong tương lai. Vấn đề về công nghệ, năng lực số cho trẻ mầm non cần được tiếp tục nghiên cứu”.  - Ông Nguyễn Minh Nhật, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF – Việt Nam

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.