Chuẩn hóa để bảo vệ tiếng Việt

GD&TĐ - Tiếng Việt ngày càng rời xa các quy chuẩn hàm chứa giá trị truyền thống, bởi cách dùng và giải thích từ ngữ tuỳ tiện.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cho biết, hơn 1 mét từ điển cần phải đình chỉ phát hành, hoặc thu hồi, tiêu hủy do có nhiều sai sót. Ảnh: HTC
Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cho biết, hơn 1 mét từ điển cần phải đình chỉ phát hành, hoặc thu hồi, tiêu hủy do có nhiều sai sót. Ảnh: HTC

Trước thực trạng tiếng Việt bị sử dụng lộn xộn, gây khó hiểu và thậm chí lệch lạc, nhiều đề xuất hướng tới việc chuẩn hóa ngôn ngữ và bắt buộc phải có luật tiếng Việt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc sử dụng tiếng Việt lộn xộn chưa hẳn phát xuất từ việc chưa có luật, mà ở vấn đề không có bộ quy tắc chuẩn hóa.

Khiếm khuyết trong hiểu biết tiếng Việt

Trước thực trạng tiếng Việt bị sử dụng một cách méo mó, nhiều chuyên gia từng khuyến cáo cần thiết phải xây dựng luật ngôn ngữ tiếng Việt. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng không nên, bởi các điều chỉnh liên quan đến sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt chỉ là yêu cầu mang tính định tính, không định lượng được. Đó là bản chất của ngôn ngữ, rất khó lượng hóa để đưa vào luật. Thậm chí, để có luật - việc đầu tiên cần làm là chuẩn hóa tiếng Việt, tức phải có bộ quy tắc chuẩn hóa, không thể để tình trạng hai hay nhiều bộ từ điển giải thích khác nhau về cùng một vấn đề.

Chủ đề tiếng Việt và chủ trương giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt đã được bàn nhiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy càng ngày tiếng Việt càng chịu nhiều o ép từ ngôn ngữ bên ngoài, từ lóng hoặc từ các ngôn ngữ lai tạp mà giới trẻ phát triển theo trào lưu.

Trước các lo ngại mai một và tiêu biến giá trị văn hóa và lịch sử gắn với ngôn ngữ tiếng Việt, mới đây nhà nghiên cứu - dịch giả Cao Tự Thanh đã phân tích những khoảng trống và khó khăn trong việc chuẩn hóa chính tả tiếng Việt trong tọa đàm về “Đứt gãy trong tiếng Việt: Những di sản bị đánh mất” diễn ra tại Hà Nội.

Theo nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, viết sai lỗi chính tả là một hiện tượng rất phổ biến, không chỉ trong cuộc sống hằng ngày, mà cả trong các văn bản chính thức.

Căn nguyên của việc này là do chưa hoàn thiện về hệ thống ký tự, sự thiếu định hướng trong việc tiếp nhận ngôn ngữ nước ngoài và nhất là sự khiếm khuyết trong hiểu biết về tiếng Việt. Đó vốn là những tồn tại chưa được giải quyết trong hoạt động văn tự bằng chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc.

Trong ba yếu tố kể trên, yếu tố quan trọng nhất là sự khiếm khuyết trong sự hiểu biết tiếng Việt, dẫn đến hệ quả trực tiếp là sự mai một và tiêu biến những giá trị văn hóa và lịch sử gắn với ngôn ngữ tiếng Việt.

Lịch sử phát triển và giao lưu tiếp biến văn hóa mang lại cho chúng ta từ cổ, từ địa phương, từ Việt Hán, thành ngữ tục ngữ, từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, từ nước ngoài… lưu giữ nhiều vết tích về văn hóa lịch sử, còn ít được giới thiệu một cách hệ thống, chính xác.

Việc bài trừ Hán học đã làm suy thoái năng lực hiểu biết và sử dụng chữ Hán trên phạm vi toàn xã hội. Từ đó, mảng từ Việt Hán vẫn là một bộ phận máu thịt của tiếng Việt dần bị viết sai, hiểu sai và dùng sai trong các văn bản chữ Quốc ngữ Latinh.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nhận định, tiếng Việt và chữ Việt là hai chuyện khác nhau. Chữ Quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây tiền thân của chữ Quốc ngữ hiện nay được tạo ra từ thế kỷ 17 nhưng không phải là chữ viết chính thức và chỉ phổ biến trong cộng đồng Thiên Chúa giáo, còn phụ thuộc vào những dòng tu, khu vực và cá nhân khác nhau, việc chuẩn hóa chưa được đặt ra.

Sau khi Pháp đô hộ Việt Nam và dùng chữ Quốc ngữ làm chữ viết chính thức, những khác biệt giữa chữ Quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự phương Tây của Dòng Tên với chữ Quốc ngữ ghi âm bằng mẫu tự Latinh của Dòng Thừa Sai được giải quyết dứt khoát.

Từ đó, chữ Việt Nam hiện đang dùng có thể gọi là chữ Quốc ngữ Latinh. Vấn đề chính tả tiếng Việt đặt ra hơn một trăm năm nay chính là vấn đề của hệ thống chữ Quốc ngữ Latinh này.

Tiếng Việt pha trộn

Một số lỗi chính tả trong cuốn sách 'Từ điển chính tả tiếng Việt'.

Một số lỗi chính tả trong cuốn sách 'Từ điển chính tả tiếng Việt'.

Chính vì không có quy chuẩn chính tả, nên hiện nay hệ thống từ điển chính tả tiếng Việt cũng không thống nhất, có nhiều cách viết và giải thích khác nhau: Giấu diếm - giấu giếm, dông tố - giông tố, lí lẽ - lý lẽ, trối trăn - trối trăng, bơi chải - bơi trải…

Sự phức tạp của tiếng Việt đã kéo theo nhiều hội thảo về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ ra các ưu, nhược điểm của hệ thống ngôn ngữ tiếng Việt và chữ Quốc ngữ.

PGS.TS Nguyễn Trường Lịch - Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội cho rằng, suốt chiều dài lịch sử cha ông ta không ngừng nỗ lực xây dựng hệ thống ngôn ngữ văn tự độc lập. Chữ Nôm ra đời để duy trì bản sắc. Tiếng Việt - chữ Quốc ngữ được phổ cập nhằm xóa mù và hiện đại hóa đời sống toàn dân.

Tuy nhiên, càng ngày càng nhiều người sính ngoại, họ pha trộn tiếng nước ngoài với tiếng Việt làm cho ngôn ngữ tiếng Việt trở nên khó hiểu, méo mó. Phổ biến nhất được thống kê gồm các từ: Start-up (khởi nghiệp), Diva (nữ danh ca). Hay mới đây, một bài hát mà giới trẻ chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội “Yêu anh đi mẹ anh bán bánh mì” - có đoạn: “Đừng lo lo lo gì, ngoài lo lo lo-ve”.

TS Bùi Thị Ngọc Anh - Viện Ngôn ngữ học từng công bố nghiên cứu về sử dụng lẫn tiếng Anh và tiếng Việt trong các chương trình truyền hình trực tiếp cho trẻ em. Theo đó, bên cạnh việc dùng từ viết tắt, còn có cả đệm từng từ, đến nói cả câu tiếng Anh trong chương trình.

Tuy nhiên, có tới 41% người trên 60 tuổi đồng ý việc sử dụng như vậy. Họ cho rằng, trẻ em cũng cần đi theo xu hướng của xã hội. Với độ tuổi từ 20 - 59, lượng cổ xúy còn cao hơn, chiếm 54%.

Thậm chí đến cả chuyên gia ngôn ngữ cũng hiểu sai thành ngữ, tục ngữ. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công, chương trình “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” của một cơ quan báo chí mới đây, người trả lời đúng khi giải thích về cụm từ “cư vi”, nhưng lại chưa chính xác khi giải thích “vi” trong “nhàn cư vi bất thiện” mà dịch thành “nhàn thì không tốt”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ