(GD&TĐ) - Sáng nay (21/12), tại trụ sở Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã diễn ra hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế”. Đến dự có đông đảo các nhà khoa học và những người quan tâm tới ngôn ngữ tiếng Việt.
Quang cảnh hội thảo (Ảnh Tuấn Anh) |
Đây là cơ hội để giới ngôn ngữ học chia sẻ ý kiến hai chiều với những người quan tâm đến tiếng Việt nhất là giới trẻ. Các tham luận và những ý kiến thảo luận tại hội thảo đã tập trung vào các vấn đề như: Quan niệm về sự trong sáng của tiếng Việt; Chính tả tiếng Việt; Sử dụng từ ngữ nước ngoài; Luật ngôn ngữ ở Việt Nam…
Tiếng Việt là ngôn ngữ chính thức của nước CHXHCN Việt Nam, có hơn 86 triệu dân (mà người Việt chiếm đa số). Tiếng Việt đã phân nhánh ra nhiều vùng phương ngữ khác nhau (tiêu biểu là 3 phương ngữ Bắc, Trung, Nam). Qua bao thăng trầm của lịch sử, Tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ thống nhất, giữ vai trò là công cụ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng dân cư rộng lớn đa dạng…
Tiếng Việt chính là một nhân tố không thể thiếu được làm nên đặc thù và bản sắc văn hóa Việt Nam. Xu thế hội nhập và toàn cầu hóa khiến tiếng Việt có nhiều cơ hội tiếp thu được nhiều yếu tố mới và tiến bộ làm cho tiếng Việt trở nên giàu có. Nhưng mặt khác tiếng Việt cũng phải đối đầu trước nguy cơ hòa tan theo xu hướng áp đảo của chính sách thế giới phẳng về ngôn ngữ và văn hóa do một số nước lớn chủ xướng.
Đứng trước thực trạng này, dư luận xã hội đã lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ, tùy tiện cẩu thả, làm “vẩn đục tiếng Việt”. Bên cạnh đó hiện tượng chêm xen tiếng nước ngoài trong giao tiếp bằng tiếng Việt quá mức cũng là một vấn đề cần suy ngẫm. Bởi vậy bên cạnh những tác động tích cực thì tiếng Việt cũng đang phải chịu tác động không đáng có. Do đó vấn đề cần đặt ra là chúng ta phải kế thừa những giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ.
Châu Anh