Chuẩn Đô đốc Mỹ nói không lo ngại tên lửa sát thủ của Trung Quốc

GD&TĐ - Tên lửa đạn đạo DF-26 được Trung Quốc gọi là "sát thủ tàu sân bay", nhưng vũ khí này không khiến Mỹ lo ngại.

Chuẩn Đô đốc Mỹ nói không lo ngại tên lửa sát thủ của Trung Quốc

Chuẩn Đô đốc Carlos Sardiello mới đây đã bác bỏ những lo ngại về việc tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc có thể gây ra mối đe dọa nghiêm trọng cho Hải quân Hoa Kỳ.

"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng nhóm tấn công tàu sân bay của chúng ta sẽ có thể hoàn thành sứ mệnh được giao một cách hiệu quả và an toàn", ông Sardiello nói với các phóng viên.

Cần nói thêm, Chuẩn Đô đốc Sardiello là chỉ huy nhóm tấn công do tàu sân bay Carl Vinson dẫn đầu. Khi nói về “tên lửa sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc, ông Sardiello đang đề cập đến tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26.

Theo một số báo cáo, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tăng gấp đôi kho tên lửa đạn đạo chống hạm của mình lên ít nhất 1.000 quả, có khả năng tấn công mục tiêu cách xa hàng ngàn km.

Vào năm 2021, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 sẽ mang lại cho nước này “khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm xa từ lục địa nhằm vào các chiến hạm, bao gồm cả tàu sân bay hoạt động ở Tây Thái Bình Dương”.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 vẫn là thách thức lớn đối với Hải quân Mỹ, bất chấp tuyên bố đầy tự tin của Chuẩn Đô đốc Sardiello.

Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 vẫn là thách thức lớn đối với Hải quân Mỹ, bất chấp tuyên bố đầy tự tin của Chuẩn Đô đốc Sardiello.

DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng, hiện chưa rõ thời điểm cụ thể nó được chấp nhận vào biên chế.

Mặc dù vậy, tên lửa DF-26 đã được nhìn thấy lần đầu tiên vào năm 2015 trong cuộc duyệt binh, cho thấy nó đã phục vụ trong Lực lượng Pháo binh số 2 của Trung Quốc từ vài năm trước đó.

Trung Quốc tự hào tuyên bố DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF.

Đối thủ khả dĩ nhất của tên lửa DF-26 trong khu vực là Agni V do Ấn Độ sản xuất, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự thì tính năng kỹ chiến thuật của DF-26 cao cấp hơn nhiều.

Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 là loại 2 tầng sử dụng động cơ nhiên liệu rắn có chiều dài ~14 m; đường kính thân ~1,4 m; trọng lượng phóng ~20 tấn.

Tầm bắn của tên lửa DF-26 chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 - 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km.

Tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm trong khoảng 1,2 - 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m.

Để làm nhiệm vụ chống vật thể di động ở tốc độ nhanh như tàu sân bay, Trung Quốc đã chế tạo cả phiên bản DF-26 mang đầu dò radar chủ động.

Đường bay của DF-26 cũng được nhận định là rất phức tạp và không thể đoán trước, mặc dù chỉ là những cú bổ nhào có hiệu chỉnh nhưng vẫn cực kỳ khó đánh chặn.

Theo các chuyên gia quân sự, một vụ phóng tên lửa DF-26 di động từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị chặn hơn so với triển khai từ khu vực gần bờ vì lúc này quả đạn đã đạt tới tốc độ tối đa.

Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật là rất đáng gờm nhưng DF-26 chưa từng trải qua thực chiến, cho nên năng lực tấn công chính xác vào mục tiêu di động của nó vẫn là dấu hỏi lớn.

Nhưng kể cả chức năng "sát thủ diệt hạm" kém hiệu quả đi nữa thì DF-26 vẫn đủ sức gây tổn hại nghiêm trọng các căn cứ quân sự Mỹ bố trí trong khu vực, khiến Washington không thể coi nhẹ.

Trung Quốc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26.

Theo Topwar

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.