Phản ứng trước giới hạn thị thực của Canada

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hồi cuối tháng 1, Chính phủ Canada thông báo nước này sẽ cắt giảm 35% thị thực học tập cấp cho sinh viên quốc tế bậc cử nhân trong 2 năm tiếp theo.

Mỗi năm, Canada thu hút hàng nghìn sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc.
Mỗi năm, Canada thu hút hàng nghìn sinh viên quốc tế đến học tập và làm việc.

Các tổ chức giáo dục nước ngoài lẫn hiệp hội các cơ sở giáo dục đại học Canada bày tỏ phản ứng trái chiều trước chính sách giới hạn thị thực đối với sinh viên quốc tế. Họ cảnh báo nước này sẽ giảm sức hút trong thị trường giáo dục quốc tế.

Hồi cuối tháng 1, Chính phủ Canada thông báo nước này sẽ cắt giảm 35% thị thực học tập cấp cho sinh viên quốc tế bậc cử nhân trong 2 năm tiếp theo.

Cụ thể, năm 2024, số lượng thị thực được phê duyệt sẽ giảm còn 364 nghìn so với số lượng cấp ra trong năm 2023. Giới hạn thị thực sẽ khác nhau tùy theo các địa phương, trong đó, tại tỉnh bang Ontario có đông dân nhất, số sinh viên nước ngoài dự kiến giảm từ 50% trở lên.

Quyết định của Canada đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong giới giáo dục quốc tế. Tại Ấn Độ, một trong những quốc gia có đông sinh viên theo học tại Canada, một số tổ chức du học hoan nghênh chính sách trên.

Bởi lẽ, chính sách trên bảo vệ sinh viên quốc tế khỏi các đối tượng lừa đảo, đối tượng cung cấp dịch vụ học tập kém chất lượng. Chính sách mới chỉ tác động ở mức tối thiểu lên những cơ sở giáo dục uy tín, lâu đời.

Tuy nhiên, số khác lo ngại mức trần thị thực sẽ ngăn cản sinh viên chọn Canada làm điểm đến học tập và sẽ không giải quyết triệt để những vấn đề trong hệ thống nhập cư hoặc thị trường nhà ở Canada.

Ông Manisha Zaveri, Giám đốc tổ chức giáo dục Career Kham, Ấn Độ, bày tỏ: “Chúng tôi ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Canada trong việc duy trì chất lượng giáo dục và tính liêm chính. Nhưng chúng tôi hy vọng chính sách trên sẽ được xem xét lại”.

Còn ông Akshay Chaturvedi, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tổ chức giáo dục Leverage, Ấn Độ, phân tích: Ở một khía cạnh nào đó, chính sách trên là một bước tiến tuyệt vời để giải quyết tình trạng “xưởng văn bằng” ở Canada. Nó sẽ loại bỏ những tổ chức giáo dục kém chất lượng, khuyến khích các tổ chức quốc tế hợp tác với những cơ sở giáo dục uy tín.

Nhưng chuyên gia này dự đoán nhiều khả năng, Mỹ sẽ giành lại thị phần giáo dục quốc tế đã rơi vào tay Canada trong thập kỷ qua.

Trong khi đó, các trường cao đẳng và đại học hàng đầu Canada đã chỉ trích kế hoạch giới hạn thị thực, cho rằng chính phủ đang phản ứng thái quá trước các vấn đề giáo dục.

Hai hiệp hội lớn nhất của ngành Giáo dục Canada là Hiệp hội các trường đại học Canada và Hiệp hội Cao đẳng, Học viện Canada, đã viết thư kiến nghị gửi Bộ trưởng Di trú Marc Miller. Trong thư, họ cảnh báo “những hậu quả tiềm ẩn rất khó để giải quyết”.

Các hiệp hội thừa nhận tình trạng lừa đảo chất lượng giáo dục là có thật nhưng phản ánh chính quyền Tổng thống Justin Trudeau đã ra quyết định vội vàng mà không tham vấn ý kiến của các chuyên gia giáo dục. Trong khi đó, các cơ sở giáo dục là nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách.

Canada là một trong những điểm đến du học hàng đầu thế giới với khoảng 900 nghìn sinh viên quốc tế. Du học sinh trả phí cao gấp 6 lần sinh viên trong nước, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Canada.

“Tôi dự đoán số lượng sinh viên quốc tế theo học tại Canada từ năm nay sẽ sụt giảm lớn vì thị thực vẫn là yếu tố quan trong để du học sinh, nhất là du học sinh Ấn Độ, cân nhắc khi chọn quốc gia học tập. Những người này có thể chuyển hướng sang Mỹ hoặc các trung tâm giáo dục quốc tế khác”, ông Akshay Chaturvedi phân tích.

Theo THE, The Pie

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.