Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em DTTS đến trường

GD&TĐ - Tại các vùng miền núi, dân tộc thiểu số Thanh Hóa, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh (HS) có vai trò quan trọng, là một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục miền núi.

Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em DTTS đến trường

Xây dựng nền tảng tiếng Việt cho HS vào lớp 1

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa, năm học 2015 - 2016, toàn tỉnh có 50.029 HS là dân tộc thiểu số, trong đó, sống tại các xã khó khăn có 13.998 HS, địa bàn các xã đặc biệt khó khăn có 28.412 HS, số HS không qua học mẫu giáo 5 tuổi có 229 HS.

Để chuẩn bị tốt cho HS bước vào lớp 1, các trường học cùng với địa phương tích cực huy động tối đa trẻ em 4 tuổi, 5 tuổi vào học lớp mẫu giáo và thực hiện tốt chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo 5 tuổi. 

Đặc biệt, đối với 11 huyện miền núi Thanh Hóa có nhiều HS dân tộc chưa biết hoặc biết ít tiếng Việt, các cơ sở giáo dục mầm non đã tổ chức dạy tiếng Việt cho trẻ để các em làm quen với tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1.

Ông Vũ Duy Cảng - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) - cho biết: Để chuẩn bị tốt vốn tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, hằng năm vào đầu năm học mới, Thanh Hóa đều chỉ đạo các trường dành từ 1 - 2 tuần đầu để củng cố vốn tiếng Việt cho HS.

Tổ chức lớp học chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 với phương pháp dạy học chủ yếu là tổ chức các hoạt động giao tiếp đơn giản thông qua các trò chơi, từ đó trẻ được tập nói, tập hát, tập kể chuyện, tập đọc thơ bằng tiếng Việt. 

Kết thúc các lớp học này, các em được trang bị một tâm thế tự tin để bước vào lớp 1, được cung cấp, bổ sung về vốn từ tiếng Việt, có nền nếp, thói quen trong học tập, vui chơi tập thể.

Cũng nhằm hỗ trợ cho HS lớp 1 vùng dân tộc thiểu số học môn tiếng Việt đạt hiệu quả, ngành GD&ĐT Thanh Hoá tổ chức triển khai việc tăng thời lượng môn Tiếng Việt lớp 1 cho HS vùng dân tộc thiểu số biết ít hoặc không biết tiếng Việt, gặp khó khăn lớn trong các hoạt động học tập và giao tiếp. 

Việc mở rộng tăng thêm tiết học Tiếng Việt được thực hiện linh hoạt: Có thể dành buổi 2 dạy Tiếng Việt; dạy thêm vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật; Tổ chức dạy học trước khai giảng hoặc dạy kéo dài thời gian sau kết thúc năm học.

Tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt

Việc chỉ đạo thực hiện tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số nói chung ở tất cả các lớp bậc tiểu học luôn được khuyến khích theo hướng tích hợp vào các môn học và các hoạt động giáo dục, sử dụng hiệu quả đồ dùng dạy học, tổ chức các trò chơi học tập, các trò chơi dân gian, xây dựng thư viện thân thiện, câu lạc bộ học sinh nói tiếng Việt, góc ngôn ngữ tiếng Việt, tổ chức các chương trình giao lưu... thông qua đó tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt của HS dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, các nhà trường, giáo viên tích cực phối hợp với phụ huynh, cộng đồng trong việc tạo ra môi trường giao tiếp tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số. 

Tổ chức hoạt động giao lưu tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số với chủ đề “Tiếng Việt của chúng em”. Giao lưu đã xóa đi rào cản về ngôn ngữ giữa các dân tộc ít người, tạo cơ hội cho HS dân tộc thiểu số mở rộng môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt.

Thầy Lê Đăng Thanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) - cũng cho biết: Toàn trường có 239 HS với 3 điểm lẻ và 1 khu chính, trong đó có 227 em là HS dân tộc thiểu số. 

Do điều kiện nhiều em ở vùng sâu, vùng xa, việc đi học mẫu giáo không thường xuyên, trong khi đó ở nhà người thân chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc nên khi vào lớp 1 vốn tiếng Việt của các em rất yếu. 

Năm học 2015 - 2016, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, từ 20/7 - 14/8 nhà trường đã tổ chức dạy tăng cường tiếng Việt cho HS lớp 1 và lớp 2. 

Nhiều HS vào lớp 1 rất kém trong giao tiếp lại nhút nhát, thiếu tự tin nên thời gian đầu các thầy, cô khó khăn trong tổ chức dạy học cho các em. 

Các thầy, cô dạy tiếng Việt cho HS thông qua tổ chức các trò chơi dân gian, trò chơi tập thể để các em giao lưu, trau dồi ngôn ngữ tiếng Việt và mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp. 

Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa thạo tiếng dân tộc nên trong quá trình dạy học tiếng Việt gặp nhiều khó khăn, nhà trường phải tăng cường giáo viên địa phương hỗ trợ.

“Do điều kiện dạy học cho HS dân tộc thiểu số gặp nhiều vất vả nên chúng tôi đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt trong thời gian trước năm học mới. Đồng thời, giảm số lượng HS/1 lớp để giáo viên có thời gian kèm cặp cho HS tốt hơn” - Thầy Lê Đăng Thanh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

Thầy Park chúc mừng tuyển Việt Nam

GD&TĐ - Chiến lược gia Hàn Quốc Park Hang-seo ‘gửi gắm’ tương lai vươn tầm châu lục của bóng đá Việt Nam cho đàn em đồng hương Kim Sang-sik.