Chuẩn bị thế nào khi Công nghệ, Tin học lần đầu là môn thi tốt nghiệp THPT?

GD&TĐ - Giáo viên, nhà trường cần có sự chuẩn bị thế nào khi Công nghệ, Tin học lần đầu trở thành môn thi tốt nghiệp THPT?

Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) thuận lợi khi học Công nghệ, Tin học tại phòng không gian sáng chế.
Học sinh Trường THPT Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) thuận lợi khi học Công nghệ, Tin học tại phòng không gian sáng chế.

Vai trò quan trọng của giáo viên

Với môn Công nghệ định hướng Công nghiệp trong Chương trình GDPT 2018, để học sinh nắm vững kiến thức, tự tin lựa chọn khi thi tốt nghiệp THPT, thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, Cần Thơ cho rằng, trước hết giáo viên giảng dạy phải nắm vững kiến thức chuyên môn và xây dựng kế hoạch bài dạy khoa học, hợp lý.

Quá trình giảng dạy trên lớp, thầy cô cần vận dụng khéo léo các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực và thiết bị dạy học trực quan, giúp học tiếp thu kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, giáo viên cần có những phương pháp ôn tập kiến thức, luyện tập kỹ năng tư duy và làm bài thi hợp lý; tham khảo và biên soạn đề ôn luyện theo cấu trúc đề minh hoạ của Bộ GD&ĐT để giúp học sinh luyện tập.

Đối với những học sinh có tố chất, học tốt môn Công nghệ và có định hướng nghề nghiệp liên quan đến các khối ngành kỹ thuật, giáo viên nên tạo điều kiện hỗ trợ các em ôn luyện để có cơ hội lựa chọn môn Công nghệ thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ về nội dung này, cô Lê Thị Thanh, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương, Đồng Tháp cũng nhấn mạnh trước hết đến người dạy. Theo đó, giáo viên phải đủ bản lĩnh, kiến thức, sự tự tin trên lớp. Phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh. Dạy lý thuyết, củng cố lý thuyết, khắc ghi (ghi nhớ) đối với học sinh ở mức trung bình - khá trở xuống; nghiên cứu bài học, hoạt động tích cực tự rút ra kiến thức đối với học sinh khá trở lên.

Cô Thái Hà, giáo viên Trường THPT Đức Trọng, Lâm Đồng thì cho rằng, cần có sự đồng nhất dạy học giữa các khối lớp; học sinh phải nhận thấy tầm quan trọng, cần thiết của bộ môn Công nghệ từ các lớp học trước, để lên THPT không bỡ ngỡ. Cùng với đó, khi sắp xếp tổ hợp, sẽ hợp lý hơn nếu để Công nghệ cùng các môn như Vật lí, Tin học, vì các môn này có thể bổ trợ cho nhau.

Là giáo viên dạy Công nghệ, cô Triệu Thị Tươi, giáo viên Trường THPT Chợ Đồn, Bắc Kạn nêu quan điểm: Để tổ chức dạy học hiệu quả, trước hết thầy cô phải nắm chắc chương trình, vững kiến thức chuyên môn. Hiện nay, sách viết dành riêng cho môn học này chưa nhiều. Học sinh, phụ huynh vẫn có tâm lý coi Công nghệ là “môn phụ”. Trong khi đó, kiến thức Công nghệ 12 tương đối mới và khó (phần thi tốt nghiệp THPT chủ yếu là kiến thức lớp 12). Bởi vậy, giáo viên cần được bổ trợ kiến thức trước, sau đó mới tự tin và định hướng học sinh thi môn của mình.

image001.jpg
Giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa hướng dẫn thao tác thực hành bài tập trên phần mềm Inkscape.

Chủ động chuẩn bị từ sớm

Chia sẻ sự chuẩn bị với môn Tin học, khi môn này trở thành môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025, cô Trương Thị Cẩm Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa, Cần Thơ cho biết: Giáo viên bộ môn đã tham dự đầy đủ các khóa học, khóa tập huấn bồi dưỡng, hội thảo khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình GDPT 2018, nhóm Tin học đã thực hiện công tác giảng dạy nghiêm túc. Giáo viên luôn cố gắng giảng dạy để học sinh nắm bắt được nội dung kiến thức từng bài học một cách đầy đủ nhất.

Để hướng dẫn học sinh làm bài tốt, ngoài kiến thức cơ bản, giáo viên còn định hướng học sinh chú trọng khâu thực hành.

Nhóm Tin học đã thực hiện một số chuyên đề chuyên môn nhằm giúp học sinh vững và khắc sâu kiến thức, như chuyên đề “Hướng dẫn lập trình điều khiển Robot di chuyển trên sa bàn” (chuyên đề học tập khoa học máy tính) và chuyên đề “Hướng dẫn chi tiết thao tác thực hành bài tập trên phần mềm Inkscape”.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa cũng đã thực hiện soạn các câu hỏi ôn tập trắc nghiệm theo từng bài cụ thể, bám sát nội dung bài học. Trong quá trình dạy, sau khi kết thúc mỗi bài học hoặc mỗi chủ đề, giáo viên thường xuyên cho học sinh ôn tập thông qua các câu hỏi trắc nghiệm đã soạn.

Thông qua đó, học sinh có thể xâu chuỗi lại mạch kiến thức, nội dung nào còn mơ hồ thì các em sẽ được giáo viên giải đáp. Từ đó giúp học sinh ghi nhớ, khắc sâu kiến thức hơn. Một khi kiến thức đã nắm vững, các em sẽ tự tin hơn khi lựa chọn môn Tin học

Việc định hướng học sinh thực sự có tố chất, phù hợp đăng ký thi môn Tin học được nhà trường thực hiện thông qua các bài tập kiểm tra (gồm bài tập trắc nghiệm và bài tập thực hành) để khảo sát năng lực học sinh; tránh trường hợp nhiều học sinh chỉ chọn do thích sử dụng máy tính nhưng năng lực tin học còn hạn chế.

Cùng với đó, định hướng cho những học sinh lựa chọn môn Tin học là cần chủ động trong tìm hiểu nội dung kiến thức của từng bài học; nỗ lực tự học, tự thực hành ở nhà, thao tác mới thuần thục và kiến thức mới được khắc sâu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.