(GD&TĐ)- Chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày 5/9 khai giảng năm học mới 2012-2013, đến thời điểm này, nhiều địa phương đã chuẩn bị khá tốt các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học chuẩn bị cho năm học mới.
Chuẩn bị đủ CSVC đáp ứng các hoạt động GD
Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội đề ra hàng năm, tuy nhiên Sơn La đã tích cực tranh thủ các nguồn lực tài chính của trung ương và địa phương để tu sửa trường lớp học, nhanh chóng đưa các công trình nhà lớp học, công trình phụ trợ vào sử dụng trong năm học mới.
Khuôn viên sân trường trước khu nhà lớp học mới xây dựng đã được học sinh trường THPT Chu Văn Thịnh dọn sạch sẽ đón năm học mới . Ảnh, gdtd.vn |
Những ngày vừa qua, thầy và trò trường THPT Chu Văn Thịnh, huyện Mai Sơn tích cực và bận rộn với công tác vệ sinh trường, lớp học để chuẩn bị cho ngày khai giảng. Là trường có đến 96% trong số 1.234 học sinh là người dân tộc thiểu số, để chuẩn bị cho năm học mới, hiệu trưởng nhà trường Nguyễn Xuân Tuy cho biết, nhiều việc nhất vẫn là công tác dọn dẹp phòng ở trong khu bán trú của học sinh, chuẩn bị đón học sinh bán trú vào ở. Học sinh của trường đều ở vùng đặc biệt khó khăn trong huyện Mai Sơn; có em phải vượt hơn 80 km để đến trường học. Năm nay, có trên 700 học sinh có nhu cầu ở bán trú. Trong khi đó khu nhà ở bán trú của trường chỉ có 52 phòng ở cho trên 300 học sinh. Số còn lại phải ở trọ nhà dân quanh trường để đi học.
Trước đây, điều kiện cơ sở vật chất của trường rất cũ nát, xuống cấp. Tuy nhiên, trường đã được hưởng lợi từ các nguồn vốn của trung ương và địa phương xây dựng nhà lớp học, nhà công vụ cho giáo viên. Năm học mới này, nhà trường đưa vào sử dụng khu nhà lớp học 3 tầng 12 phòng khang trang với tổng mức đầu tư 6,7 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Khu nhà công vụ giáo viên gồm 20 phòng của nhà trường với tổng mức đồng tư 2,3 tỷ đồng cũng sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo chỗ ở thuận lợi tại trường cho giáo viên có nhu cầu ở nội trú.
Để chuẩn bị cho năm học mới, các cấp quản lý giáo dục trong tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất trường lớp học, kịp thời đưa vào sử dụng trong dịp đầu năm học đảm bảo yêu cầu của hoạt động giáo dục tại các nhà trường.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La, tính đến ngày 20/8, trên địa bàn toàn tỉnh đã nghiệm thu và đưa vào sử dụng 151 phòng học, 148 phòng nhà công vụ giáo viên, 34 công trình vệ sinh và nước sạch. Bàn giao và đưa vào sử dụng 3 trường THCS sử dụng nguồn vốn Dự án hỗ trợ giáo dục THCS vùng đặc biệt khó khăn, gồm trường THCS Chiềng Ve, THCS Chiềng Xuân thuộc huyện Mộc Châu và THCS Xím Vàn huyện Bắc Yên.
Trong dịp hè vừa qua, các huyện trong tỉnh đã phối hợp với các nhà trường hoàn thành tu sửa 1.583 phòng học tạm, phòng ở cho học sinh bán trú xuống cấp.Trong tháng 8, Công ty cổ phần Sách Thiết bị trường học Sơn La đã chuẩn bị 2.088.951 bản SGK, tài liệu giáo dục các loại để chuyển đến các huyện trong tỉnh đạt 95% kế hoạch đề ra, đảm bảo ổn định thị trường SGK; Bên cạnh đó, công ty đã cung ứng 53 bộ thiết bị cho các trường học. Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La đã triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị cho 95 trường mầm mon, thiết bị ngoại ngữ, tin học cho các trường phổ thông và tổ chức tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý, sử dụng thiết bị.
Huy động nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách
Những địa phương khác trên cả nước cũng đã nhanh tiến độ xây dựng sửa chữa trường lớp học, đảm bảo đủ cơ sở vật chất trước khi khai giảng năm học mới. Phú Thọ là một trong số đó, hơn thế nữa việc huy động nhiều nguồn vốn khác ngoài xã hội đã được địa phương này đặc biệt chú trọng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường học.
Hai dãy nhà lớp học mới hoàn thành của trường mầm non Thạch Đồng sử dụng vốn TPCP và xã hội hóa. Ảnh, gdtd.vn |
Hiệu trưởng trường mầm non Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy Nguyễn Thị Ánh cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường gồm 9 phòng học, 6 phòng chức năng được đầu tư xây dựng trong 2 năm; trong đó 5 phòng học đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học 2011. 4 phòng còn lại được tiếp tục xây dựng trong năm 2012 vừa mới hoàn thành sẽ đưa vào sử dụng trong năm học mới 2012-2013.
Tổng mức đầu tư của các phòng học, phòng chức năng tại đây trị giá trên 4,5 tỷ đồng, trong đó, hai đơn vị sản xuất kinh doanh đứng chân trên địa bàn đã đóng góp 1,7 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ đã lồng ghép với 2,7 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ của Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 để xây dựng cơ sở vật chất tại trường mầm non Thạch Đồng.
Về đồ dùng, đồ chơi trong nhà và ngoài trời của trường, cô Ánh cho biết đều huy động vốn từ 1.200 hộ dân trong xã Thạch Đồng đóng góp. Năm học vừa qua nhà trường đã huy động được 52 triệu đồng mua bộ đồ chơi ngoài trời và xây dựng được 1 nhà bóng. Việc huy động vốn được chính quyền xã đứng ra tổ chức lấy ý kiến và được đông đảo người dân trong xã đồng tình ủng hộ. Mỗi hộ dân đều nhất trí cao đóng góp ít nhất 20 ngàn đồng cho trường mầm non. Nhiều hộ dân đã đóng góp 500 ngàn đồng, nhiều nhất là một cá nhân đã đóng góp 1,5 triệu đồng. Việc huy động vốn cho trường mầm non được chính quyền xã Thạch Đồng tổ chức qua nhiều năm, mỗi hộ chỉ phải đóng 1 lần.
Hiệu trưởng Ánh cho biết thêm, trong năm học mới nhà trường đề xuất và đã được chính quyền xã Thạch Đồng thông qua kế hoạch sẽ huy động 80 triệu đồng từ các hộ dân để mua sắm tiếp đồ chơi cho trường mầm non Thạch Đồng. Cách làm này của huyện Thanh Thủy cũng được huyện Tam Nông triển khai một số năm gần đây.
Tại trường mầm non Hưng Nộn và trường mầm non Hưng Hóa của huyện, nơi phóng viên đã trực tiếp tới thăm thì trong tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho trường đều có tỉ lệ đóng góp từ các nguồn vốn xã hội hóa. Tuy rằng tỉ lệ này cao thấp khác nhau ở công trình trường học khác nhau nhưng đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học trong tỉnh Phú Thọ.
Theo đánh giá, Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi của tỉnh sẽ cán đích trong năm học mới 2012-2013, cụ thể là trong năm tài khóa 2012 này có sự đóng góp không nhỏ của các nguồn lực ngoài xã hội. Theo kế hoạch đã được tỉnh Phú Thọ phê duyệt, trong tổng kinh phí 585 tỷ đồng để thực hiện Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi của tỉnh từ năm 2010-2015 tỉnh dự kiến sẽ huy động 160 tỷ từ các nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước.
Để chuẩn bị cho năm học mới này, Sở GD-ĐT tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai kế hoạch mua sắm trang thiết bị, đồ chơi trong nhà và ngoài trời cho các trường mầm mon; mua thiết bị ngoại ngữ, tin học cho các trường phổ thông; thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú với tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng.
Bá Hải