Điều này khiến những ai quan tâm tới nền điện ảnh nước nhà cũng khấp khởi mừng thầm. Bởi, nó chứng tỏ sự hội nhập của điện ảnh Việt với thế giới, đồng thời chứng tỏ năng lực điện ảnh của các nhà làm phim Việt.
Tuy nhiên, mới đây, Cục Điện ảnh tá hỏa, gửi công văn hỏa tốc đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) yêu cầu xác minh việc 3 bộ phim “Những người viết huyền thoại”, “Mùi cỏ cháy”, “Vũ điệu đam mê” do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất với 100% kinh phí đầu tư của Nhà nước, đang được phát sóng trên nền tảng thu phí Netflix.
Theo biện giải của Cục Điện ảnh, việc phim được bán ra phát sóng rộng rãi đáng lẽ vừa phải bảo đảm việc quảng bá sản phẩm nghệ thuật, vừa bảo đảm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (đạo diễn phim “Những người viết huyền thoại”) cũng không hề biết việc phim của mình được bán và phát sóng trên Netflix. Chỉ đến khi bạn bè thông báo, ông Dũng mới đăng lên mạng xã hội để thể hiện thắc mắc và sự bức xúc của mình. Sau đó, ông Dũng hỏi những người liên quan đến bộ phim trước đây thì cũng không ai hay biết.
Theo lời ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, vào thời điểm sản xuất và cấp phép phổ biến 3 bộ phim này, Hãng phim truyện Việt Nam là cơ quan thuộc Bộ VH-TT&DL. Nhưng đến thời điểm có việc khai thác, bán bản quyền thì Hãng phim truyện Việt Nam không còn là của Nhà nước nữa mà đã cổ phần. Cho nên vấn đề ở đây là chuyển giao, làm rõ bản quyền đối với phim Nhà nước đặt hàng trước đây như thế nào và giải quyết việc này làm sao cho thấu đáo.
Trong khi đó, Tflim Studio thì thừa nhận có việc mua bản quyền các phim này từ Hãng phim truyện Việt Nam và bán cho Netflix. Tuy nhiên, ai là người trực tiếp ký giấy phép vẫn là câu hỏi đối với những đơn vị liên quan.
Trước đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cũng đã nhiều lần phản ánh việc Netflix có nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Câu chuyện mua bán bản quyền phim, xuất khẩu phim cho các nền tảng nước ngoài cần được kiểm soát để bảo đảm quyền lợi của các nghệ sĩ và tính an toàn cho văn hóa nước nhà.
Cụ thể, các nền tảng nước ngoài, trong đó có Netflix ước tính kiếm được 44 triệu USD doanh thu mỗi năm từ số lượng thuê bao tại Việt Nam. Thế nhưng, một số nền tảng xuyên biên giới không nộp thuế hoặc chưa phải thực hiện các quy định pháp luật Việt Nam và điều này đang tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Về các giải pháp, Bộ TT&TT cho rằng phải sớm sửa đổi Nghị định số 06/2016 về quản lý cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trên Internet để quản lý các nền tảng xuyên biên giới. Bộ TT&TT đã soạn thảo xong, đang trình Chính phủ xem xét; Đồng thời, đại diện Bộ TT&TT cũng cho biết trong một số trường hợp rất ít trên toàn cầu, công ty sẽ gỡ nội dung, hoặc các tập phim được chiếu tại một số quốc gia cụ thể trong trường hợp nhận được thư viết chính thức có tính luật pháp của chính phủ, bao gồm cả Việt Nam.
Một chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực văn hóa cho rằng ở góc độ bản quyền thì có lẽ Netflix không sai. Bởi đa số các nước phát triển, việc mua bán bản quyền khá đơn giản, miễn người bán có quyền bán. Trong trường hợp người bán lạm quyền, hoặc vi phạm chỗ khác, thì chỗ khác xử. Vấn đề của chúng là hãy tập sống văn minh và tôn trọng bản quyền.