Phim ngắn Việt tại Luang Prabang
Vào trung tuần tháng 7, tại Luang Prabang, Locarno 2020 – Future of Films đã đưa ra thông báo bộ phim "The Unseen River" (Dòng sông không nhìn thấy) được lựa chọn để ra mắt bạn bè quốc tế tại liên hoan phim Pardi di domani của Locarno trong hạng mục phim ngắn.
Được sản xuất bởi Liên hoan phim Luang Prabang (LPFF), Dòng sông không nhìn thấy là một trong 5 phim ngắn của tuyển tập MeKong 2030, một bộ sưu tập các câu chuyện kể về tương lai của sông Mê Kông từ các quan điểm văn hóa và dân tộc khác nhau trong khu vực.
Dòng sông không nhìn thấy có nội dung theo chân bà Nguyện (Minh Châu), một phụ nữ đi ngược dòng đến nhà máy thủy điện để gặp người yêu từ 30 năm trước. Thực (Wean), một cậu bé mất ngủ, đi xuôi dòng để gặp một nhà sư chữa chứng mất ngủ. Thông qua kỹ xảo điện ảnh và đối thoại, bộ phim xem xét mối liên hệ ẩn dụ giữa sông Mê Kông, thời gian và giấc ngủ.
"Là một đạo diễn không qua trường lớp, tôi không biết và cũng chẳng mấy quan tâm đến các thủ pháp điện ảnh hay thuật ngữ chuyên nghiệp. Tôi không muốn bị gò bó trong sáng tạo nghệ thuật, tôi làm phim theo cảm xúc và cảm giác". - Đạo diễn Leon Quang Lê
Bộ phim cùng với 4 phim ngắn khác trong tuyển tập MeKong 2030 ra đời từ một nhu cầu cấp thiết để làm sáng tỏ những thách thức mà sông Mê Kông phải đối mặt. Lấy bối cảnh vào năm 2030, các bản tường thuật nhằm mục đích vừa giải trí vừa truyền cảm hứng cho khán giả để chủ động bảo vệ nguồn sống quan trọng này.
"Thông điệp của bộ phim do tôi sản xuất là mối quan hệ của con người với dòng sông. Nó ảnh hưởng đến cách mọi người nghĩ – không chỉ ở hiện tại mà còn từ quá khứ. Sự gắn bó với dòng sông không phải là thứ chúng ta có thể tách rời", đạo diễn Phạm Ngọc Lân cho hay.
Dòng sông không nhìn thấy có thể xem miễn phí trực tuyến bắt đầu từ ngày 5/8 đến hết ngày 15 cùng tháng trên một nền tảng với quyền truy cập không giới hạn trên toàn thế giới để tiếp cận phổ biến đối tượng rộng nhất có thể. Tuy nhiên, không quá tổng số 1.590 người xem, tương ứng với số lượng người có thể tham dự các buổi chiếu thực tế của phim ngắn ở Locarno mỗi năm.
Bộ phim ngắn này cũng sẽ được chiếu cùng với tuyển tập MeKong 2030 trực tuyến tại Liên hoan phim Xanh Krakow (từ ngày 16 - 23/8), Liên hoan Phim quốc tế KotaKinabalu (từ ngày 5 đến hết ngày 12/9) và tại các rạp chiếu phim Five Flavours (từ 25/11 đến ngày 2/12) tại Warsaw.
Được biết, đây là bộ phim ngắn thứ 4 của nhà làm phim trẻ tuổi Phạm Ngọc Lân. Trước đó, anh có: Một khu đất tốt (19 phút - năm 2019), Thành phố khác (25 phút – năm 2016) và Chuyện mọi nhà (Phim tài liệu, thời lượng 10 phút - năm 2011).
Sân chơi của những tay ngang
Không chỉ có Phạm Ngọc Lân, phim ngắn Việt ghi nhận nhiều người trẻ tham gia cuộc chơi thú vị này. Những dự án "Chúng ta làm phim" (Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh - TPD), Liên hoan phim ngắn trực tuyến YxineFF, cuộc thi "Làm phim 48g"... trở thành những sân chơi sôi động của những tay ngang sản xuất phim ngắn.
Trên YxineFF giới thiệu vài dòng về Dạ Thảo Phương – sinh ở Hà Nội, sống tại Pháp, làm nghề nội trợ. Dạ Thảo Phương nổi tiếng với phim tài liệu Lady Piano thu hút đông đảo người xem và để lại ấn tượng sâu sắc. Không chỉ tác giả là tay ngang, bản thân người sáng lập YxineFF Mạnh Cường Vũ cũng là một tay ngang vì công việc của anh không hề liên quan đến điện ảnh.
Ngoài Phương, công chúng còn biết đến Leon Quang Lê – một tay ngang làm phim tài ba. Hai bộ phim ngắn Dawn và Talking to My Mother do Leon Quang Lê viết kịch bản, đạo diễn, dựng phim tại Mỹ đã từng được chọn tham gia hơn 50 liên hoan phim ngắn trên thế giới và đoạt một số giải thưởng quan trọng như Phim ngắn hay nhất, Đạo diễn xuất sắc, Dàn diễn viên xuất sắc, Dựng phim xuất sắc.
Còn Nguyễn Ngọc Thuần với "12 bước làm người" đã ít nhiều gây ấn tượng mạnh. Phim của Thuần không phải dễ xem với công chúng, bởi nó đòi hỏi những kiến thức cơ bản của một trường phái nào đó. Thậm chí, bộ phim đòi hỏi người xem phải là một chuyên gia để phán đoán và đưa ra kết quả.
Theo anh Thuần, thời của máy quay VHS9000, Betacam, Arriflex, hoặc máy quay số Red One đặc chủng đã lỗi thời. Hiện nay, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh chúng ta đã có thể trở thành một người làm phim. Phim ngắn được ví như món ăn dễ nấu, ăn nhanh, dễ nghiện nhưng khó biết tay nghề của đạo diễn.
Trong khi nhiều tay ngang thành công với phim ngắn thì đạo diễn Trần Anh Hùng lại nổi tiếng với phim dài. Tuy nhiên, sự thành danh của anh lại ở khía cạnh giúp các đạo diễn khác như Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp và Phan Đăng Di có sản phẩm phim ngắn xuất sắc như: Cuốc xe đêm, Khi tôi 20, Hai – tư – sáu.
Đam mê điện ảnh từ những ngày học cấp ba và trưởng thành ở một câu lạc bộ điện ảnh, Trịnh Đình Lê Minh chọn học một trường đại học chuyên về kinh tế nhưng vẫn theo đuổi làm phim. Sau một vài bộ phim ngắn, phim tài liệu theo phong cách Varan và thực hiện 2 cuốn sách về điện ảnh, anh đã thành công với "The Scent Of Fish Sauce" (Nước mắm, thời lượng 25 phút) lọt vào hạng mục tranh giải tại LHP quốc tế Bucheon (Hàn Quốc).
Có thể nói, càng ngày thị trường phim ngắn càng sôi động. Đặc biệt, phim ngắn do các đạo diễn tay ngang sản xuất luôn khẳng định được vị thế trong các liên hoan phim mang tầm quốc tế. Với những sản phẩm độc đáo, cá tính, phim ngắn Việt không đơn thuần là thương mại giải trí, mà còn là một tiếng nói khác từ Việt Nam bằng điện ảnh.
Được thành lập vào năm 2009, Liên hoan phim Luang Prabang (LPFF) là một lễ kỷ niệm thường niên của điện ảnh Đông Nam Á, được tổ chức vào tháng 12 hàng năm tại thị trấn Di sản thế giới Luang Prabang (Lào). LPFF là một dự án phi lợi nhuận, thúc đẩy đối thoại đa văn hóa trong khu vực và hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh mới nổi ở Lào.