Ví dụ như chỉ trong riêng tháng 3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11, Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và các biện pháp cấp bách phòng chống dịch.
Sang tháng 4/2020, nhiều văn bản khác tiếp tục được Chính phủ và Quốc hội ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.
Thế nhưng, dù đạt những kết quả nhất định, thực tế triển khai các chính sách vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Cụ thể như đánh giá của Ủy ban Kinh tế tại Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chính sách hỗ trợ triển khai chậm, chưa tiếp cận được những người dân, doanh nghiệp dễ bị tổn thương, khó khăn vì dịch.
Chứng minh cho nhận định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra con số: Đến ngày 27/5, gói hỗ trợ gần 36.000 tỷ đồng mới thực hiện được 13.100 tỷ đồng, tương đương 36,5%.
Chỉ có 245 doanh nghiệp được vay để trả lương cho nhân viên nghỉ việc do Covid-19 thông qua gói 16.000 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội với tổng số tiền gần 42 tỷ đồng. Gói hỗ trợ thông qua chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với quy mô khoảng 6.500 tỷ đồng hiện cũng chỉ giải ngân được trên 12%.
Ngoài ra, cho dù có tới 98% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch, đang khó khăn hoặc đứng trước nguy cơ phá sản nhưng chỉ có 2% được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Như vậy có thể thấy, về cơ bản các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn, nhất là người lao động trong khu vực phi chính thức, công nhân và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Nguyên nhân căn cốt dẫn đến tình trạng này được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra là do cơ quan chức năng chưa dự báo đầy đủ tác động của dịch bệnh. Việc xác nhận đối tượng là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm để được nhận hỗ trợ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giảm cả đối tượng và số tiền trợ cấp.
Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như giải trình của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái là chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp có nhiều và liên quan đến nhiều bộ, ngành nên chưa có sự tập trung.
Ví dụ như chính sách về tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước đảm trách; chính sách về miễn, giảm thuế do Bộ Tài chính đề xuất, chính sách về người dân, người lao động do Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội thực hiện...
Những diễn biến của dịch còn hết sức khó lường, bởi vậy không thể loại trừ việc sẽ phải tiếp tục xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân. Bởi vậy, cần thiết phải có tổng kết, đánh giá một cách toàn diện mặt được cũng như chưa được khi triển khai các chính sách hỗ trợ.
Từ đó đưa ra các dự báo, các kịch bản phù hợp hơn, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn, thuận lợi cho việc tiếp cận, bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng.
Các chính sách hỗ trợ là cần thiết, tuy nhiên, điều quan trọng không ở trị giá lớn hay nhỏ hoặc đã thực hiện được bao nhiêu mà là hiệu quả như thế nào.