“Chữa bệnh” hướng nghiệp theo phong trào

GD&TĐ - Hiện nhiều trường học tổ chức chương trình “Hướng nghiệp” với mục đích giúp người trẻ xác định mục tiêu đúng đắn khi chọn ngành nghề.

Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 được tổ chức tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh INT
Chương trình Tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2021 được tổ chức tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Ảnh INT

Tuy nhiên, làm sao để nó không mang tính hình thức là vấn đề nhiều đơn vị quan tâm.

Lưu ý khi tham gia hướng nghiệp

Hướng nghiệp là các hoạt động diễn ra trước khi đăng ký hồ sơ vào các trường đại học, cao đẳng, học nghề… Mục đích của chương trình nhằm  giúp học sinh, phụ huynh xác định đúng năng khiếu, đam mê, sở thích và nhu cầu thực của thị trường lao động. 

Ông Kiều Văn Trung – Phòng Đào tạo Trường Đại học FPT cho biết, hầu hết, chương trình hướng nghiệp với mong muốn làm giảm áp lực thi cử cho nhà trường. Nó giúp tránh lãng phí thời gian, vật chất cho toàn xã hội. 

Hướng nghiệp còn giúp thầy cô và phụ huynh xác định được đúng năng lực của từng học trò, phát hiện sớm ưu điểm của các em. Từ đó, định hướng lựa chọn ngành nghề phù hợp với học sinh. Việc này cũng tạo động lực học tập và phát triển cho các em. Không những thế, một số chương trình hướng nghiệp còn tạo cơ hội cho học sinh và phụ huynh có những trải nghiệm nghề thực tế trước khi ra quyết định lựa chọn theo học.

Tuy nhiên, cách thức tổ chức để nó không trở thành một hoạt động mang tính phong trào là vấn đề khiến nhiều đơn vị “đau đầu”. Ông Nguyễn Nhất Linh – Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam cho rằng: “Đối với nhà trường, cần xác định thời gian hướng nghiệp hợp lý. Mục đích giúp học sinh có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu thông tin chuẩn bị cho việc lựa chọn ngành học và nghề nghiệp. Nếu muộn quá, các em không kịp thay đổi lựa chọn dẫn đến tâm lý hoang mang và có thể sẽ chọn ngẫu hứng.

Đồng thời, nhà trường cần tìm những đơn vị uy tín, có kinh nghiệm, các chuyên gia tại các cơ sở giáo dục để tham gia tư vấn hướng nghiệp cho các em. Ưu tiên các chương trình phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên ngành như sở GD&ĐT, trường đại học, Đoàn thanh niên các cấp…

Ngoài ra, cần tư vấn cho học sinh chuẩn bị về tâm lý, kiến thức để tham gia các chương trình hướng nghiệp một cách chủ động, hiệu quả. Để tránh tình trạng tổ chức theo kiểu hình thức, nhà trường cần có kế hoạch cụ thể. Nếu được, hãy lồng ghép một cách sáng tạo các thông điệp về hướng nghiệp thông qua tiểu phẩm, bài hát, vở kịch…”.

Ông Nguyễn Nhất Linh cũng cho biết thêm, đối với học sinh, các em cần xác định được sở thích và niềm đam mê ở bản thân xem mình hứng thú và yêu thích ngành nghề gì? Mình có khả năng làm được công việc gì để lựa chọn ngành học phù hợp. Học sinh cũng cần xác định rõ điều kiện kinh tế và tài chính của gia đình. Đây cũng chính là nguyên nhân tất yếu và chắc chắn về ngành, nghề mình lựa chọn, từ đó có phương hướng phát triển sự nghiệp cho tương lai. 

Các bạn trẻ cần chủ động tìm hiểu về tình trạng số lượng ngành nghề hiện tại ở Việt Nam. Nên tham khảo từng lĩnh vực để thấy tư duy nghề nghiệp có hợp với cá nhân, đam mê, nhu cầu tuyển dụng, công việc cụ thể… hay không. Tham gia chương trình hướng nghiệp, khi đã có thời gian thu thập nguồn tư liệu, hãy đặt nhiều câu hỏi để được giải đáp. Khi đó, bản thân các bạn đang thực sự nghiêm túc với nghề nghiệp của mình chứ không phải tham gia theo phong trào. Nên tìm hiểu các kênh thông tin chính thống về tư vấn hướng nghiệp…

Phát huy thế mạnh từ trường học

Để phát huy được ưu điểm của bản thân, nhiều học sinh, sinh viên đã biết cách tạo môi trường trải nghiệm trong chính trường học.

Nghiêm Quốc Anh – học sinh Trường THPT Tây Hồ (Hà Nội) chia sẻ: “Khi tham gia chương trình hướng nghiệp, chúng em thường quan tâm tới ngành nghề sau này, học trường gì phù hợp, mức lương… Hầu hết, những băn khoăn này đều được chuyên gia tư vấn. Nhờ đó, nhiều bạn hiểu được thế mạnh của mình là kinh doanh, nên phát huy ngay từ trong trường học và coi đó sẽ là nghề nghiệp tương lai của mình. Vì thế, trường học cũng chính là môi trường để chúng em trải nghiệm về nghề”. 

Nói về quan điểm, trường học là nơi tốt nhất để trải nghiệm việc kinh doanh, ông Nguyễn Nhất Linh cho rằng: “Nhiệm vụ trước tiên và quan trọng nhất đối với các bạn trẻ là học tập để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng. Môi trường học thuật tại trường là điều kiện tốt nhất để các bạn chuẩn bị hành trang tri thức trước khi bước vào cuộc sống sau này.

Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ cũng sớm xác định được ưu điểm của bản thân và thực hành ngay từ khi đi học. Nhiều người vẫn gọi đó là khởi nghiệp. Hoạt động này trong sinh viên đã được Chính phủ và Trung ương Đoàn quan tâm và hỗ trợ tận tình cho các sinh viên. Điển hình, Trung ương Đoàn đã phát động chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016 - 2021 và đã có những hỗ trợ thiết thực để thanh niên, sinh viên tham gia.

Các bạn sinh viên sẽ vận dụng những kiến thức đã được học cùng với sự hỗ trợ của thầy cô để ứng dụng các kiến thức chuyên môn vào thực tiễn. Biến lý thuyết thành những dự án, mô hình có thể tạo ra được lợi ích cho xã hội là điều cần thiết trong thời đại mới. 

Còn việc, đó có phải là nghề nghiệp của chính mình trong tương lai thì cần một quá trình trải nghiệm. Khi đó, các bạn tự rút kinh nghiệm cho bản thân và đưa ra quyết định. Đây cũng là ý nghĩa của các chương trình hướng nghiệp trong nhà trường để tháo gỡ băn khoăn cho những thanh niên trước ngưỡng cửa cuộc đời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ