Phòng khám cho “bệnh nhân” bốn chân
Là một bác sĩ thú y, với hơn 10 năm kinh nghiệm, chị Phan Thị Minh Thanh cho biết: Số lượng chó, mèo cảnh ngày càng gia tăng, dịch vụ y tế cho vật nuôi này trở nên phát triển hơn. Ở Hà Nội hiện nay, chỉ riêng khu vực ngã tư đường Trường Chinh - Giải Phóng, bên cạnh Viện Thú y, cũng có gần 20 phòng khám thú y tư nhân; Còn cả Hà Nội, chắc phải có tới hàng trăm phòng khám.
Các phòng khám nhỏ thường có khoảng 3 - 4 nhân viên, trong khi phòng khám lớn, phải cần đến hàng chục người mới có thể làm hết việc. “Bệnh nhân” hầu hết là chó, chỉ có rất ít mèo hoặc con vật nuôi khác. Phòng khám lớn, mỗi ngày có tới hàng trăm lượt, còn phòng nhỏ thường có khoảng một vài chục lượt khám, chữa bệnh mỗi ngày.
Qua khảo sát, một số phòng khám thú y, các bệnh của chó rất đa dạng: Sốt cao, tiêu chảy, viêm phổi, bị tai nạn, gãy chân, chấn thương… Giá dịch vụ cho mỗi lượt khám chỉ khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Tuy nhiên, tiền điều trị mới là những khoản đáng kể, với những bệnh phải điều trị lâu, tiền mua thuốc, tiêm, truyền... lên tới vài triệu đồng.
Các phòng khám thú y cũng nhận “bệnh nhân” lưu trú để điều trị và theo dõi hàng ngày, “viện phí” phải trả từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày. Khác với suy nghĩ của nhiều người, việc khám chữa bệnh cho chó không đến mức quá nguy hiểm. Theo chị Thanh, số đông các “bệnh nhân” bốn chân đến “bệnh viện” đều tỏ ra khá hiền lành, thân thiện và hợp tác trong quá trình khám chữa bệnh.
Cơ hội việc làm và khởi nghiệp
Nhu cầu tạo ra thị trường, nhiều cơ sở nhân giống để cung cấp các loại chó cảnh cho người có nhu cầu đã xuất hiện. Bên cạnh đó, với những người “mát tay”, chó cảnh dù nuôi chơi, nhưng cũng có khả năng sinh sản khá cao đem lại nguồn thu nhập. Chính vì vậy, công việc của các bác sĩ, y sĩ tại các phòng khám thú y là khá bận rộn. Ngoài khám chữa bệnh tại phòng khám, họ còn đến tận nhà để theo dõi, hỗ trợ quá trình phối giống, sinh sản, tiêm phòng và những công việc đặc thù khác.
- “Đây là một công việc nhân văn và thú vị. Tôi cảm thấy rất vui và xúc động khi một ca mổ được thực hiện thành công hoặc chữa khỏi bệnh cho một chú chó. Quá trình làm việc được tiếp xúc nhiều với con vật nuôi thân thiện này, tôi nhận thấy một sự gắn bó với nghề nghiệp hơn” - chị Thanh chia sẻ.
Nghề thú y trình độ trung cấp đã có thể tham gia vào khám chữa bệnh cho chó, mèo. Thu nhập của người mới vào nghề khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, bởi công việc chỉ đơn giản như tiêm, truyền, cho chó uống thuốc... Theo thời gian và kinh nghiệm làm việc thực tế, mức thu nhập cũng sẽ tăng thêm. Đối với bác sĩ, công việc có tính chất chuyên môn cao hơn, nên mức thu nhập đương nhiên sẽ khác hẳn. Trình độ cao đẳng trở lên là được phép mở phòng khám, khi đó người làm nghề sẽ đứng ra kinh doanh, tự quyết định mức thu nhập của mình.
Điều trị bệnh cho chó, mèo chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn bộ chương trình đào tạo ngành thú y. Tại nông thôn, công việc của bác sĩ thú y chủ yếu trong trang trại, chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò, nuôi cá, tôm… Ở thành phố, do nhu cầu thị trường, khách hàng chủ yếu là vật nuôi làm cảnh. Theo sự chuyển động của xã hội, điều trị bệnh cho chó, mèo có thể được xem là cơ hội việc làm trong ngành thú y, ngay tại những thành phố lớn. Đặc biệt, đối tượng là những bạn trẻ có xu hướng yêu thích thiên nhiên và động vật.