Hà Nội vừa kêu gọi người dân hạn chế giết mổ, ăn thịt chó và nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Phóng viên Gia Đình Mới lựa chọn "phố thịt chó" Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội để ghi nhận.
Trước đây mỗi sáng sớm, dãy phố Nhật Tân thỉnh thoảng lại vang lên những tiếng gầm rú từ những quán giết mổ chó phát ra. Cứ mỗi tiếng “oẳng” bật lên trong màn đêm, người ta tự hiểu với nhau rằng đã có một con chó bị giết.
Thời ấy, các quán hóa kiếp cho những chú chó bằng cách rất thủ công, đó là dùng búa đập vào đầu chứ không có giật điện như hiện nay.
Anh Diện- một người sống ở mảnh đất này đã nhiều năm, cầm điếu thuốc với vẻ mặt trầm ngâm thuật lại, vào thời điểm hưng thịnh nhất của “Phố thịt chó” là những năm 1998 – 2000, các quán kiếm bộn tiền mỗi ngày.
Tuy nhiên, cũng trong khoảng thời gian này, rất nhiều câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày xảy ra khiến người dân liên tưởng tới nghề bán thịt chó. Một vài chủ quán thịt chó buôn bán ổn định, tiền kiếm vào như nước nhưng sinh con ra lại không minh mẫn, hay ốm đau, dặt dẹo.
Rồi những nhà con cái đang ngoan ngoãn tự dưng lại đổ đốn, ăn chơi, phá phách rồi gia đình ốm đau, bệnh tật....
Dần dần, một số hộ bỏ nghề rồi nhiều người bỏ theo.
Phố Nhật Tân thời bán thịt chó nhiều nhất
Trước đây, thịt chó là món ăn được rất nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, những năm gần đây người dân ăn ít hơn nên nhu cầu cũng giảm, khiến việc bán thịt chó cũng giảm theo.
Những bệnh viện dành cho chó phát triển mạnh mà đặc biệt ngay kế bên con phố nhỏ Nhật Tân cũng mọc lên một bệnh viện thú ý, điều này cho thấy con “Phố thịt chó” đã lụi tàn.
Bệnh viện thú ý nằm ngay kế bên "phố thịt chó Nhật Tân"
10 năm trước, từ 50 – 60 quán giết mổ, bán thịt chó san sát nhau nay chỉ còn lác đác 1 – 2 quán. Trụ lại lâu nhất vẫn là quán của Anh Tú Béo, 264 Nhật Tân. Còn lại tất cả đều đã giải nghệ.
Chị Hồng, một người dân sống ở Nhật Tân cho biết, hồi trước cơ sở vật chất không có, khi chó bị ốm người ta thường mang ngay đến nhà hàng để giết mổ.
Vậy nhưng, hiện nay bệnh viện thú y, bác sĩ thú y rất nhiều, người ta chọn cách chữa chứ không mang đi bán nữa. Do đó nguồn cung – cầu của các cửa hàng thịt chó cũng ít dần đi.
Bên cạnh đó, bây giờ người ta nuôi chó Tây nhiều, cứ 10 người thì khoảng 3 - 4 người yêu chó, mèo. Vậy nên họ coi chó là bạn chứ không phải là thức ăn. – Chị Hồng chia sẻ.
Vào những năm 2001 – 2002, các quán thịt chó tiếp tục gặp vận hạn khi liên tiếp dính vào những nghi án trong thịt chó có vi khuẩn tả đã khiến lượng khách giảm đáng kể.
Báo chí, truyền hình vào cuộc đưa tin rộng rãi đến tai người dân khiến họ bắt đầu nhận thức được vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Sau đó, Hà Nội xuất hiện nhiều địa chỉ quán ăn thịt chó hơn, Nhật Tân không còn là con phố độc quyền về thịt chó nữa. Các quán không kiếm được nhiều tiền như trước kia nên đã bỏ nghề, tìm công việc khác.
Ngoài những nguyên nhân trên, đến những năm 2008 – 2010, đất Hà Nội lên giá vùn vụt, người dân không muốn gắn liền với cái nghề “sát sinh vô hậu” này nữa nên đã bán đất kiếm lời.
Vậy là "phố thịt chó" Nhật Tân thực sự đã gần như biến mất!