Tuy nhiên, theo tìm hiểu của GD&TĐ đến nay chỉ đạo này của Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình mới chỉ dừng lại… tại cuộc họp, chưa được các cơ quan chức năng tại Hòa Bình thực hiện một cách quyết liệt, nghiêm túc.
Cụ thể, sự cố ô nhiễm nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sông Đà diễn ra vào đầu tháng 10/2019 bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến việc đảm bảo an toàn nguồn nước cung cấp cho người dân Hà Nội. Trước vấn đề này, tỉnh ủy Hòa Bình một làn nữa thể hiện sự kiên quyết khi yêu cầu Công ty Công ty đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh để đảm bảo an ninh nguồn nước.
Nước nhiễm dầu đã dược Nhà máy nước sông Đà cung cáp cho người dân Hà Nội |
Ngày 25/10, tại cuộc họp của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo Viwasupco, ông Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thể hiện rõ quan điểm của tỉnh Hòa Bình khi yêu cầu: Viwasupco sớm trả lại hồ Đầm Bài cho tỉnh Hòa Bình quản lý. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ sơ lắng, dự trữ nước thô cung cấp cho nhà máy nước sông Đà như hiện nay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thì nếu cứ tiếp tục sử dụng nguồn nước từ hồ Đầm Bài cho nhà máy xử lý thì không thể đảm bảo hoàn toàn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh nguồn nước. Nhất là khi đây là hồ thủy lợi có chức năng chính là đảm bảo tưới tiêu cho 645 ha đất sản xuất của khu vực xung quanh.
Ngoài kênh dẫn nước từ sông Đà vào hồ do công ty đầu tư, xây dựng thì hồ Đầm Bài còn nhiều nguồn suối đổ vào. Xung quanh khu vực hồ có hàng nghìn hộ dân sinh sống. Do vậy, nguy cơ ô nhiễm, mất an toàn nguồn nước rất cao.
"Sau sự cố ô nhiễm nguồn nước đầu vào của Nhà máy nước sông Đà, tỉnh đang đặt vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước lên hàng đầu. Do vậy, yêu cầu Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà phải khẩn trương xây dựng hệ thống kênh dẫn nước kín từ sông Đà về nhà máy.
Trong khi chưa xây dựng cần phải có phương án thay thế để cấp nước thô cho nhà máy xử lý, kể cả việc thiết lập trạm bơm dã chiến bơm từ sông Đà vào thẳng nhà máy để đảm bảo ATNN đầu vào.
Đồng thời với đó, công ty phải xác định thời hạn cụ thể trả lại hồ Đầm Bài về cho tỉnh” – ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thể hiện rõ quan điểm của các cấp Ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình đối với việc Viwasupco đang sử dụng “miễn phí”, mất an toàn ở hồ Đầm Bài.
Liên quan đến vấn đề trên, ngày 22/10/2019, tại cuộc họp của UBND tỉnh Hòa Bình xung quanh vấn đề quản lý, sử dụng nguồn nước của dự án Nhà máy nước sông Đà, ông Bùi Văn Khánh- Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cũng nêu quan điểm: Yêu cầu Viwasupco có giải pháp đầu tư tuyến ống kín dẫn nước thô từ sông Đà về nhà máy nước sông Đà. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ chứa trung chuyển, sơ lắng, dự trữ nước thô như hiện nay để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước.
Trước đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã đề nghị: Để đảm bảo an ninh nguồn nước đầu vào cho nhà máy nước sông Đà, về lâu dài, Viwasupco phải xây dựng kênh dẫn nước kín dẫn nước thô từ sông Đà về nhà máy. Không sử dụng hồ Đầm Bài là hồ sơ lắng, trung chuyển, dự trữ nước thô như hiện nay để giảm nguy cơ ô nhiễm nguồn nước thô đầu vào cho nhà máy.
Tuy nhiên, đã gần 01 tháng sau những chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình thì việc thu hồi hồ Đầm Bài từ Viwasupco vẫn đậm chân tại chỗ, những chỉ đạo này chỉ nằm trong khuôn khổ cuộc họp, trong báo cáo chứ chưa được thực thi.
Báo GD&TĐ đã nhiều lần liên hệ đến các cấp Ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình nhưng đều nhận được câu trả lời… chưa có văn bản chỉ đạo.
Dư luận tại Hòa Bình, công luận đang chờ câu trả lời cuối cùng của UBND tỉnh Hòa Bình về vấn đề này. Phải chăng chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình chỉ là nói chơi và sau đó quên mất quyền lợi hợp pháp của người dân và ngay cả chính quyền tỉnh Hòa Bình.
Trao đổi với GD&TĐ, người dân tại Hòa Bình thể hiện rõ quan điểm rằng tỉnh Hòa Bình cần phải thu hồi hồ Đầm Bài. Hồ Đầm Bài là tài sản, lợi thế phát triển kinh tế của tỉnh, không vì một lý do gì để nhóm lợi ích lợi dụng sử dụng hồ nước rộng lớn này trong khi không có đóng góp cho người dân, chính quyền tỉnh Hòa Bình.
Vấn đề dư luận tại tỉnh Hòa Bình cũng nghi ngại vào sự thiếu kiên quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình trong việc thu hồi hồ Đầm Bài, sự quyết liệt chỉ tồn tại trên… giấy, trong cuộc họp mà không được thực thi. Đó là một hình thức “đánh trống bỏ dùi”.