Sử dụng nguồn nước tạp nham, triệu người dân Hà Nội bị Viwasupco lừa dối

GD&TĐ - Theo thông tin GD&TĐ thu thập được cho thấy hàng triệu người dân Hà Nội đã đang bị Cty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) lừa dối. Thực tế nước thô để Viwasupco sản xuất, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân không hoàn toàn lấy từ nước mặt sông Đà. Đặc biệt vào mùa mưa thì tình trạng này càng rõ nét.

Con đường kênh nước sạch từ sông Đà đến hồ Đầm Bài đi vào Nhà máy nước sạch sông Đà lộ thiên.
Con đường kênh nước sạch từ sông Đà đến hồ Đầm Bài đi vào Nhà máy nước sạch sông Đà lộ thiên.

Vụ lừa dối kinh điển

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, nguồn nước sạch sông Đà của Viwasupco đã đang cung cấp cho khu vực phía Tây và phía Nam Hà Nội. Hàng triệu người dân Thủ đô đang dùng nguồn nước này và nhu cầu đặc biệt cao vào mùa hè.

Phân phối nước cho Viwasupco có Cty cổ phần Viwaco; Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông; Cty Ngọc Hải; Cty trách nhiệm hữu hạn Đồng Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội.

Trong đó, Cty TNHH MTV nước sạch Hà Đông đang quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho khoảng 150.000 m3/ngày đêm tới khách hàng tại khu vực quận Hà Đông, một phần Nam Từ Liêm, một số xã của huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Đan Phượng, Ứng Hòa...

Các nguồn nước khác nhau đổ ra kênh chảy vào Nhà máy nước sạch sông Đà.
Các nguồn nước khác nhau đổ ra kênh chảy vào Nhà máy nước sạch sông Đà.

Cty cổ phần Viwaco quản lý, cung cấp dịch vụ cấp nước cho hơn 147.000 khách hàng, tại khu vực quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, một phần quận Hoàng Mai, Nam Cầu Giấy, Thanh Trì (phía Tây Quốc lộ 1A). Cty Viwaco sử dụng nguồn nước sạch do Công ty Viwasupco cung cấp khoảng 200.000 - 210.000 m3/ ngày đêm và nguồn cấp từ trạm Văn Điển với công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Cty TNHH Đông Tiến Thành Hà Nam và Cổ phần Tây Hà Nội, Cty Ngọc Hải cung cấp cho khu vực nông thôn dọc Đại lộ Thăng Long (Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức).

Như vậy đang có hàng triệu người dân của Hà Nội sử dụng nguồn nước do Viwasupco sản xuất. Người dân vẫn nghĩ rằng từ trước đến nay họ được dùng nước sạch sông Đà đúng nghĩa (nguồn nước thô đầu vào được lấy hoàn toàn từ nước mặt sông Đà).

Tuy nhiên, ghi nhận của GD&TĐ cho thấy triệu người dân Hà Nội đang bị lừa dối khi Viwasupco không hoàn toàn dùng nước mặt sông Đà để sản xuất. Nguồn nước thô để sản xuất nước sạch có nước mặt sông Đà và nguồn nước tạp nham từ hệ thống suối và khe nước đổ vào hồ Đồng Bài.

Đặc biệt vào mùa mưa lượng nước từ trên đồi theo các con suối và khe nước đổ xuống hồ Đồng Bài (xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình) là rất lớn, khiến hồ luôn trong tình trạng đầy ắp. Viwasupco dùng chính nguồn nước thô này kết hợp một phần nước mặt sông Đà để sản xuất bán cho người dân Hà Nội.

Theo phản ánh, được chính quyền sở tại xác nhận, nước sinh hoạt của hàng trăm hộ dân trong vùng lòng hồ Đồng Bài theo hệ thống suối đổ vào hồ Đồng Bài. Hơn nữa nước dồn từ trên các nương rẫy của người dân (không loại trừ có hoạt động bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật) cũng theo khe nước trôi xuống hồ khi có mưa. Như vậy nguồn nước vào hồ Đồng Bài Viwasupco hoàn toàn không có căn cứ đảm bảo độ an toàn, “độ sạch”.

Vì an toàn cho người tiêu dùng, Viwasupco phải xây dựng hệ thống bể lắng riêng, không dùng hồ Đồng Bài làm hồ lắng

Điều tra của GD&TĐ cho thấy Cty Cổ phần nước sạch Vinaconex được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 17/11/2010, cấp thay đổi lần 3 vào tháng 7/2013. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp lần 2 vào tháng 2/2018. Đến nay Cty này đổi tên thành Cty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà Viwasupco (không còn vốn Nhà nước).

Được biết, Nhà máy nước sông Đà hiện đang do tư nhân vận hành và hưởng lợi ích từ hoạt động kinh doanh. Dự án này ban đầu có mục tiêu rất rõ là: “Khai thác  nguồn nước mặt sông Đà để cấp nước sạch cho vùng thủ đô Hà Nội".

Tuy nhiên, khi xây dựng dự án không có hồ lắng, hồ Đồng Bài của tỉnh Hòa Bình được trưng dụng như là hồ chứa nước thô của nhà máy. Diện tích lòng hồ Đồng Bài khoảng 69,6 ha, diện tích lưu vực 16,6 km2, dung tích hồ chứa toàn bộ khoảng 4,88 triệu m3 nước.

Nguồn nước bị dính dầu thải được Nhà máy nước sông Đà dùng để bán cho người dân.
Nguồn nước bị dính dầu thải được Nhà máy nước sông Đà dùng để bán cho người dân.

Điều tra của GD&TĐ cho thấy tại các văn bản của UBND tỉnh Hòa Bình đều khẳng định: Công trình hồ Đồng Bài được tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 1994 và đưa vào sử dụng năm 1998 với mục tiêu là phục vụ tưới tiêu cho 500 ha lúa và hoa màu của 3 xã Phú Minh, Hợp Thịnh, Hợp Thành của huyện Kỳ Sơn. Năm 2005 hồ Đồng Bài được bổ sung thêm nhiệm vụ làm bể sơ lắng cho dự án cấp nướ sinh hoạt Nhà máy nước sông Đà.

Bể sơ lắng là nhiệm vụ bổ sung của hồ Đồng Bài, thực tế hồ này được UBND tỉnh Hòa Bình giao cho Cty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình trực tiếp quản lý, vận hành , khai thác (thể hiện tại QĐ số 20/01/2014). Như vậy về mặt quản lý Nhà nước, tỉnh Hòa Bình là chủ thể quản lý hồ Đồng Bài.

Hiện nay việc khai thác, hưởng lợi nhuận kinh doanh Nhà máy nước sông Đà do các tư nhân thực hiện, nhưng chủ đầu tư và cũng là các cá nhân sở hữu nhà máy này vẫn không chịu thuê đất, xây dựng bể lắng riêng, khép kín để đảm bảo an toàn trong sản xuất, mà lợi dụng điều kiện tự nhiên của tỉnh Hòa Bình (hồ Đồng Bài) để sản xuất kinh doanh mà không phải trả phí.

Cửa nước sông Đà tự chảy vào trạm bơm của Nhà máy nước cạn phơi.
Cửa nước sông Đà tự chảy vào trạm bơm của Nhà máy nước cạn phơi. 

Như vậy gần 70 ha mặt nước hồ Đồng Bài của tỉnh Hòa Bình đang bị nhóm lợi ích ở Nhà máy nước sông Đà lạm dụng và hàng triệu người dân Hà Nội không được dùng nước sạch hoàn toàn được sản xuất từ nguồn nước thô được lấy từ nước mặt sông Đà.

Sau vụ nước nhiễm dầu dư luận người dân yêu cầu Viwasupco phải xây dựng hồ chưa, không sử dụng hồ Đồng Bài làm hồ chứa để đảm bảo sự an toàn trong hoạt động sản xuất, cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân Hà Nội.

UBND tỉnh Hòa Bình cần có động thái kiên quyết lấy lại hồ Đồng Bài để thực hiện chức năng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như vốn có.

Cần trả lại hồ cho người dân

“Hồ Đồng Bài là của tỉnh Hòa Bình, bao đời nay người dân chúng tôi gắn bó sinh hoạt, sản xuất, mưu sinh ở lòng hồ. Chúng tôi muốn phát triển kinh tế hộ gia đình, nuôi cá lồng trên lòng hồ nhưng không được. Giờ vận hành Nhà máy nước sông Đà là một nhóm lợi ích tư nhân. Họ được hưởng lợi từ kinh doanh, vậy không có lý do gì người dân chúng tôi, tỉnh Hòa Bình phải hy sinh điều kiện, lợi thế tự nhiên là gần 70 ha mặt nước cho họ. Đó là điều bất công. Ngay cả việc người dân chúng tôi ban đầu được tạo điều kiện việc làm trong nhà máy, giờ nhiều người bị buộc phải nghỉ việc, mất việc làm. Nếu gia đình nào có 02 lao động tại Nhà máy thì một người phải nghỉ việc. Viwasupco cần phải trả lại hồ Đồng Bài cho tỉnh Hòa Bình, nhóm lợi ích ở Nhà máy nước sông Đà không được phép lợi dụng hồ Đồng Bài để tiếp tục dối lừa người dân Hà Nội, chiếm dụng cơ hội sản xuất kinh doanh của người dân địa phương chúng tôi nữa”- người dân tại xã Phú Minh bức xúc nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.