Vụ nước sạch nhiễm dầu: Nhóm lợi ích tư nhân đang “ăn không” ở hồ Đồng Bài

Hồ Đồng Bài, các đường chỉ màu xanh là suối và khe nước (có nước sinh hoạt của người dân) chảy vào hồ, không phải nước sông Đà.
Hồ Đồng Bài, các đường chỉ màu xanh là suối và khe nước (có nước sinh hoạt của người dân) chảy vào hồ, không phải nước sông Đà.

Nhóm lợi ích tư nhân đang vận hành nước sạch sông Đà

Khi thực hiện dự án xây dựng Nhà máy nước sạch sông Đà, Cty Cổ phần nước sạch Vinaconex (là đơn vị có vốn Nhà nước) được ưu ái sử dụng hồ Đồng Bài (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) làm hồ lắng tự nhiên.

Nhưng từ năm 2017, Vinaconex đã thoái vốn khỏi Viwasupco và đơn vị này không còn là công ty thành viên của Vinaconex, đồng thời không được bảo hộ sử dụng thương hiệu của Vinaconex. Vinaconex khẳng định hiện không có liên quan gì tới công ty Viwasupco và tên gọi Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex cũng không tồn tại.

Đoạn suối nước dầu đen kịt dẫn vào Nhà máy nước sông Đà
Đoạn suối nước dầu đen kịt dẫn vào Nhà máy nước sông Đà 

Hiện nay, Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex giữ trên 60% cổ phần của Viwasupco và là cổ đông chi phối. Một cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần… Như vậy có thể khẳng định vốn Nhà nước không còn hiện hữu ở Nhà máy nước sạch sông Đà.

Đầu tư vào nước sạch sông Đà được coi là một kênh “béo bở” đối với Gelex. Doanh nghiệp này hiện là đầu mối cấp nước độc quyền cho toàn bộ khu vực phía tây nam Hà Nội, gồm các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông. Doanh nghiệp này cũng sở hữu hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông.

Nhờ hoạt động này, mỗi năm Viwasupco đều ghi nhận hàng trăm tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế. Người đang là Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Gelex là ông Nguyễn Văn Tuấn.

Cung cấp nước sạch cho người dân HN là “vỏ bọc” hoàn hảo cho việc “ăn không” ở Hồ Đồng Bài

Như đã nói, lợi ích thu lại từ hoạt động cung cấp nước sạch ở Nhà máy nước sạch sông Đà là nhóm tư nhân hưởng lợi. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của GD&TĐ thì dưới vỏ bọc là cung cấp nước sạch cho người dân Hà Nội, từ nhiều năm nay Viwasupco sử dụng hồ Đồng Bài của huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình với diện tích lên đến gần 70 ha làm hồ lắng, chứa nước miễn phí, không có bất cứ một đóng góp nào cho địa phương.

Cửa nước sông Đà tự chảy vào trạm bơm của Nhà máy nước cạn phơi. Như vậy người dân Hà Nội đang dùng nước hồ Đồng Bài do các con suối, khe nước chảy vào là chính hay nước mặt sông Đà được bơm vào? Tận dụng nước hồ, nước suối càng nhiều thì chi phí cho bơm nước mặt sông Đà vào sản xuất càng thấp, lợi nhuận của chủ đầu tư Nhà máy nước sạch sông Đà càng tăng. Chỉ có người dân Hà Nội là nhận trái đắng vì họ tưởng được "ăn" nước sông Đà.
Cửa nước sông Đà tự chảy vào trạm bơm của Nhà máy nước cạn phơi. Như vậy người dân Hà Nội đang dùng nước hồ Đồng Bài do các con suối, khe nước chảy vào là chính hay nước mặt sông Đà được bơm vào? Tận dụng nước hồ, nước suối càng nhiều thì chi phí cho bơm nước mặt sông Đà vào sản xuất càng thấp, lợi nhuận của chủ đầu tư Nhà máy nước sạch sông Đà càng tăng. Chỉ có người dân Hà Nội là nhận trái đắng vì họ tưởng được "ăn"  nước sông Đà.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Minh bức xúc cho biết: Hồ Đồng Bài vốn là hồ thủy lợi, phục vụ cho mục đích sản xuất nông nghiệp. Nhưng từ khi Nhà máy nước sông Đà về đây người dân không được hưởng lợi gì hết, không được nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch lòng hồ.

Tại UBND tỉnh Hòa Bình phóng viên GD&TĐ được xác nhận: Hồ Đồng Bài không phải là hạng mục công trình của Nhà máy nước sông Đà, chủ đầu tư Nhà máy nước không có đầu tư ở hồ Đồng Bài, không đóng góp kinh tế cho địa phương. “Họ đang lợi dụng hồ tự nhiên để làm hồ lắng chứa nước, trong khi hồ Đồng Bài đang có nhiều nguồn nước chảy vào, không khép kín và khó đảm bảo an toàn về nguồn nước”- một cán bộ ở UBND tỉnh Hòa Bình khẳng định.

Vậy vấn đề đặt ra là vì sao lãi lớn, nhưng chủ đầu tư Nhà máy nước sông Đà không có đầu tư xây dựng hồ lắng, khép kín trong dự án nhà máy để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất an toàn (nguồn nước đầu vào) cho nhà máy.

Phải chăng hàng vạn người dân Hà Nội là “lá bùa” hộ mệnh để nhóm lợi ích đang vận hành Nhà máy nước sông Đà tiếp tục lợi dụng, không chịu đầu tư đồng bộ, khép kín để cung cấp nước an toàn cho người dân. Họ tiếp tục lợi dụng người dân Hà Nội để “ăn không” khi sử dụng hồ Đồng Bài làm bể lắng và hệ quả là cơn khủng hoảng “nước nhiễm dầu” như người dân Hà Nội đã và đang hứng chịu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...