Vụ nước sông Đà nhiễm dầu: Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình yêu cầu thu hồi hồ Đồng Bài

GD&TĐ - Tiếp tục điều tra việc Cty Cổ phần nước sạch sông Đà lạm dụng hồ Đồng Bài (Kỳ Sơn, Hòa Bình) làm hồ lắng một cách mất an toàn và hệ quả đã xảy ra là hàng triệu người dân Hà Nội phải dùng nước nhiễm dầu, Giáo dục & Thời đại ghi nhận cách đây nhiều tháng Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã họp và yêu cầu thu hồi hồ nước rộng lớn này để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thu hút đầu tư. Động thái này của tỉnh Hòa Bình được người dân ủng hộ.

Đoạn suối đen kịt do nhiễm dầu
Đoạn suối đen kịt do nhiễm dầu

Nhận thấy việc Cty Cổ phần nước sạch sông Đà trong thời gian dài lạm dụng hồ Đồng Bài làm hồ chứa, lắng để sản xuất nước sạch cho người dân Hà Nội, nhưng không có đóng góp cho kinh tế địa phương, ngoài nước mặt sông Đà còn có các nguồn nước tạp nham, nước sinh hoạt của người dân, nước do trâu bò đằm đổ vào hồ gây mất an toàn vệ sinh cho nguồn nước thô, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình đã họp và quyết định thu hồi hồ Đồng Bài.

Dòng nước đen kịt chảy vào khu vực sản xuất của Nhà máy nước sông Đà
Dòng nước đen kịt chảy vào khu vực sản xuất của Nhà máy nước sông Đà 

Tìm hiểu của GD&TĐ cho thấy, ngày 10/5/2019, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình họp, nghe và cho ý kiến về các giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu dự báo khó đạt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020, giải quyết đề nghị của Cty Cổ phần nước sạch sông Đà.

Hội nghị này gồm lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, lãnh đạo các Sở: KH&ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nội vụ….. Tại cuộc họp trên, Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình kết luận, yêu cầu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, lãnh đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đồng Bài do nhà máy nước dùng làm hồ chứa nước, sơ lắng để  tránh ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào khu vực của địa phương.

Nước nhiễm dầu vào kênh chính dẫn vào Nhà máy nước sông Đà
Nước nhiễm dầu vào kênh chính dẫn vào Nhà máy nước sông Đà 

Như trước đó GD&TĐ đã nêu rõ, dự án Nhà máy nước sông Đà không xây dựng hồ chứa nước, sơ lắng mà “mượn không” hồ Đồng Bài của tỉnh Hòa Bình để làm hồ chứa, sơ lắng. Từ đó dẫn đến câu chuyện do không có hệ thống khép kín nên nước hồ bị các đối tượng đầu độc dầu thải khiến hàng triệu người dân Hà Nội phải hứng chịu.

Từ vụ nhiễm dầu mới lộ ra chân tướng thật, hàng triệu người dân Hà Nội dùng “nước sạch sông Đà” không hoàn toàn được Cty Cổ phần nước sạch sông Đà lấy từ nguồn nước mặt sông Đà để sản xuất mà còn cả nước tạp nham từ các khe suối đổ vào hồ (trong đó có nước sinh hoạt của người dân).

Triệu người dân Hà Nội đã bị Cty Cổ phần nước sạch sông Đà lừa dối
Triệu người dân Hà Nội đã bị Cty Cổ phần nước sạch sông Đà lừa dối 

Điều tra của GD&TĐ cho thấy, sau chủ trương thu hồi hồ Đồng Bài của Thường trực Tỉnh ủy Hòa Bình, ngày 23/5/2010 UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản 3015/VPUBND-TH gửi Sở KH&ĐT; Sở Tài chính; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tại văn bản trên, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình đề xuất phương án thu hồi việc sử dụng hồ Đồng Bài làm hồ chứa nước, sơ lắng cấp nước của Nhà máy nước sông Đà.

Động thái quyết liệt trên của các cấp Ủy đảng, chính quyền tỉnh Hòa Bình được người dân ủng hộ. Trước hết chủ đầu tư Nhà máy nước sông Đà phải xây dựng hồ sơ lắng của dự án theo quy trình khép kín để đảm bảo nguồn nước đầu vào trong sản xuất, không sử dụng hồ Đồng Bài làm hồ chứa lắng như hiện nay.

Việc tỉnh Hòa Bình thu hồi hồ Đồng Bài là để đảm bảo tài nguyên của tỉnh, lợi thế phát triển kinh tế xã hội của tỉnh không bị nhóm lợi ích tư nhân đang vận hành Nhà máy nước sông Đà trục lợi với “lá chắn” là hàng triệu người dân Hà Nội đang dùng nước do họ cung cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.