Cụ thể, quy hoạch gồm 6 đồ án phân khu đô thị nội đô lịch sử có quy mô nghiên cứu trên 2.700ha với yêu cầu chính là kiểm soát dân số, giảm từ 1,2 triệu dân (năm 2009) xuống dự kiến còn 672 nghìn dân; cải thiện hệ thống hạ tầng xã hội và kỹ thuật, hạ tầng kinh tế; di dời các cơ sở công nghiệp, kho tàng, trường đại học; trụ sở các bộ, ngành.
Cải tạo các không gian hiện có, tái thiết các khu chung cư cũ, phát triển giao thông công cộng, đường sắt đô thị. Bảo tồn di tích, di sản, hình thành hành lang xanh, không gian công cộng; phát triển các trục chính đô thị; cải tạo không gian kiến trúc...
Đồ án cũng xác định không gian nội đô lịch sử chủ yếu là công trình thấp tầng. Công trình cao tầng được bố trí dọc các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các khu tái thiết đô thị. Với khu vực xây dựng công trình cao tầng, thành phố sẽ ưu tiên giảm mật độ xây dựng để bổ sung các tiện ích như cây xanh, bãi đỗ xe với tổng diện tích đất theo quy hoạch khoảng hơn 2.709ha.
Có thể thấy, “tham vọng” của Đồ án này rất lớn. Và nếu đặt trong bối cảnh, điều kiện phát triển chung của các đô thị cần hướng tới thì hoàn toàn phù hợp. Thế nhưng, cho dù “cách đặt vấn đề” có hợp lý thế nào đi chăng nữa thì điều cốt lõi vẫn là tổ chức thực hiện như thế nào để tránh hình thành các “khu vực treo”.
Một ví dụ điển hình là Đề án giãn dân phố cổ vào năm 1998 với mục tiêu đến năm 2020 di dời khoảng 30.000 dân ra khỏi khu vực phố cổ nhằm giảm mật độ dân số xuống mức 50.000 người/km2 so với mật độ khi lập Đề án là 84.000 người/km2.
Thử làm một phép so sánh: Đồ án giãn dân phố cổ chỉ di dời khoảng 30.000 dân, trong khi Đồ án quy hoạch phân khu đô thị dự kiến di rời tới 215.000 dân, cùng với hàng hoạt cơ sở công nghiệp, kho tàng, trường đại học; trụ sở các bộ, ngành khác. Vậy, nhưng đến nay, Đề án giãn dân phố cổ đã có hơn 20 “năm tuổi” nhưng chưa có người dân nào di dời!
Vì sao thành phố vẫn phải loay hoay với Đồ án này? Câu trả lời là bởi chưa có chính sách và cách làm phù hợp với quy luật cuộc sống, trong đó có yếu tố quan trọng là lợi ích chưa được giải quyết thỏa đáng.
Bởi việc giãn dân phố cổ không đơn thuần chỉ là thay đổi về chỗ ở mà còn thay đổi về lối sống, văn hóa và sinh kế cho người dân. Ai cũng biết, dù điều kiện sống trong phố cổ không thể bằng những khu vực khác nhưng người dân vẫn mưu sinh được, thậm chí còn tốt hơn các khu vực khác. Vậy sau khi di dời, người dân sẽ làm gì để mưu sinh lại chưa có câu trả lời thỏa đáng...
Với Đồ án quy hoạch phân khu đô thị, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ nếu vấn đề lợi ích và sinh kế lâu dài của người dân được bảo đảm. Và để làm được điều này thì bên cạnh chủ trương phải có chính sách phù hợp để người dân thấy rằng việc di dời là lựa chọn xứng đáng cho tương lai chứ không đơn thuần vì mệnh lệnh hành chính.