Không để ai bị bỏ lại phía sau
Những năm qua, để giúp người dân thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện Vĩnh Tường đã lồng ghép nhiều giải pháp giảm nghèo thiết thực như: Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, dụng cụ sản xuất; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi phương thức canh tác cho người dân; giải quyết cho vay các nguồn vốn ưu đãi thông qua ngân hàng chính sách xã hội; huy động các nguồn lực ưu tiên cho công tác xoá đói giảm nghèo…
Theo kết quả điều tra, rà soát của UBND huyện Vĩnh Tường, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn huyện còn khoảng 1.000 hộ gia đình nghèo theo chuẩn đa chiều, chiếm trên 1,5% tổng số hộ dân; gần 1.200 hộ cận nghèo, chiếm gần 1,8% tổng số hộ dân.
Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, hàng năm huyện đã kịp thời xây dựng và ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều trong từng giai đoạn. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo, UBND huyện luôn bám sát và kiểm tra tiến độ thực hiện của các xã, thị trấn nhằm bảo đảm tiến độ, kịp thời nắm bắt khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, chỉ đạo cụ thể bảo đảm các chính sách hỗ trợ kịp thời đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo… Chính vì vậy, thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện Vĩnh Tường ngày càng hiệu quả, đúng yêu cầu đề ra.
Đặc biệt, huyện tập trung khảo sát, hỗ trợ vốn vay tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã có gần 2.000 lượt hộ được vay vốn giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng kinh phí hơn 125 tỷ đồng, trong đó, có 428 hộ nghèo, 648 hộ cận nghèo, 840 hộ mới thoát nghèo.
Từ năm học 2016 đến 2019 đã có gần 5.300 học sinh, sinh viên được hỗ trợ chi phí học tập với số tiền gần 4 tỷ đồng. Gần 4.000 học sinh, sinh viên nghèo được miễn giảm học phí với kinh phí được miễn giảm là trên 1,5 tỷ đồng. Học sinh khuyết tật được hỗ trợ mua sắm phương tiện, đồ dùng học tập và cấp học bổng cho hơn 160 em với kinh phí thực hiện là gần 1,4 tỷ đồng.
Trên cơ sở nhu cầu thực tế vay vốn của từng hộ, từng cá nhân, huyện giao trách nhiệm cho các hội đoàn thể, chính quyền địa phương theo dõi, hướng dẫn cách làm ăn, đầu tư đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, cùng với quà của tỉnh, ngân sách huyện đã cấp thêm kinh phí để đảm bảo 100% hộ nghèo đều có quà. Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, UBND huyện đã tổ chức trao, cấp trên 2.400 suất quà với kinh phí hơn 1,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe người nghèo được đặc biệt quan tâm. 100% người nghèo và cận nghèo được tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ y tế từ tuyến huyện, tỉnh.
Từ năm 2016 đến 2020 gần 16.500 thẻ BHYT đã được cấp phát tận tay các đối tượng là người nghèo với kinh phí gần 11 tỷ đồng; cấp phát gần 20.000 thẻ BHYT cho người cận nghèo toàn huyện với kinh phí trên 13 tỷ đồng.
Việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người nghèo, người cận nghèo được thực hiện đúng đối tượng, minh bạch, công khai, không để xảy ra thắc mắc hay khiếu kiện trong cộng đồng.
Người dân huyện Vĩnh Tường áp dụng kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. |
Vì một Vĩnh Tường không còn người nghèo
Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Các hội, đoàn thể của huyện vào cuộc, triển khai đa dạng các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức vươn lên của hội viên nghèo; đẩy mạnh các phong trào thi đua thực hiện chương trình giảm nghèo; vận động các hội viên, đoàn viên giúp đỡ các hộ nghèo sửa chữa về nhà ở, hỗ trợ về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất và phát triển kinh tế có hiệu quả…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững, làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức “tự thoát nghèo” của nhân dân đã giúp người dân biết lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp, gắn với yếu tố thị trường, mạnh dạn hơn trong việc ứng dụng giống mới, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao thu nhập.
Huyện Vĩnh Tường quyết tâm phấn đấu trong năm 2022 trên địa bàn huyện tổng số hộ nghèo giảm khoảng 300 hộ; số hộ cận nghèo giảm khoảng 350 hộ. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm chỉ còn dưới 0,8% tổng số hộ dân. Trong đó, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; 100% người nghèo, người thuộc hộ cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ chính sách được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định…
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới, huyện Vĩnh Tường tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, các xã, thị trấn đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội được lồng ghép với việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo chương trình giảm nghèo có hiệu quả.
Các địa phương cũng chú trọng tìm mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tập trung nguồn lực đầu tư cho các dự án, hoạt động, tạo bước đột phá để giảm nghèo nhanh và bền vững. Cùng với đó, tiếp tục tạo điều kiện cho người nghèo về vốn, kiến thức khoa học công nghệ, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường công tác thông tin thị trường và xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ người nghèo tiếp cận nhanh hơn các yếu tố sản xuất...
Đồng thời, tiếp tục xây dựng phong trào giảm nghèo thông qua biểu dương, khen thưởng các cá nhân là những gương điển hình tiên tiến, vươn lên thoát nghèo, tạo động lực cho nhân dân thi đua lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Tường ngày càng phát triển.