>>>Sẽ tổ chức diễn đàn Học tập suốt đời – xây dựng XH học tập
>>>Khai mạc Triển lãm “Hồ Chí Minh và học tập suốt đời”
>>>Khai mạc Hội nghị quốc tế ASEM về học tập suốt đời
>>>Cần xoá bỏ rào cản để hướng đến xây dựng một xã hội học tập suốt đời
Bác Hồ với học sinh trường trung học Trưng Vương (Hà Nội) nǎm1956. Ảnh tư liệu |
Xã hội học tập chỉ thành hình và phát triển khi người quản lý thúc đẩy được mọi người dân có nhu cầu học tập, có khát vọng học tập. Nhu cầu này gắn liền với việc quản lý hỗ trợ cho nhân dân nâng cao năng lực tiếp nhận sự học tập và mở rộng cơ hội học tập cho nhân dân.
Quản lý phải làm sao cho bộ ba "Nhu cầu - Năng lực - Cơ hội" gắn bó chặt chẽ với nhau.
Không tạo ra nhu cầu đích thực thì dù có ra sức nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội đến đâu cũng không thể hiện thực được mục tiêu về xã hội học tập.
Song khi đã tạo ra nhu cầu - Người dân có tha thiết học mà người quản lý không giúp người dân có năng lực để "Học được" và cơ hội "Được học" thì cũng không thể hình thành xã hội học tập.
Nhu cầu càng lớn thì năng lực và cơ hội càng phải được nâng cao và mở rộng và ngược lại càng nâng cao năng lực và mở rộng cơ hội học tập thì càng phải thúc đẩy nhu cầu.
Để cho ba nhân tố này rời rạc với nhau thì không thể nói đến xã hội học tập. Xã hội học tập hội tụ và làm phát triển ba nguồn vốn: vốn con người, vốn tổ chức, vốn xã hội, nó là nhân tố đưa quốc gia tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững.
Hiện nay có quan niệm xã hội phải tiến tới "Kinh tế tri thức", đạt "Kinh tế tri thức", mới có thể xây dựng xã hội học tập. Không ai phủ nhận tầm quan trọng của kinh tế tri thức tạo ra nhu cầu rộng lớn và điều kiện thuận lợi về học tập để có một xã hội học tập đích thực và bền vững.
Tuy nhiên cứ phải chờ có "Kinh tế tri thức" mới xây dựng được xã hội học tập thì những nước nghèo, những nước chậm phát triển và đang phát triển sẽ mất bao nhiêu năm (?) mới đi tới xã hội học tập.
Thực tế của Việt Nam từ sau Cách mạng tháng 8/1945 và suốt năm 1946 đã chứng minh cho một điều khác hẳn. Khi bắt đầu xây dựng chính quyền cách mạng (2/9/1945) 95% nhân dân còn mù chữ, nạn đói đã làm kiệt quệ nền kinh tế; giặc ngoại xâm với những kẻ thù hung bạo xảo quyệt nhất can thiệp vào nước ta.
Bác Hồ người chèo lái con thuyền cách mạng trong lúc đất nước còn nguy nan đã chấn hưng dân khí, khai sáng cho dân tộc ý chí quyết tâm đẩy lùi cái dốt của bản thân, cái dốt của cộng đồng, của đất nước. Bác đã lãnh đạo, tạo cho toàn dân có nhu cầu trở thành một dân tộc thông thái làm cho mọi người giác ngộ "Dân cường nước thịnh", "Dân mạnh nước giàu" và trên cơ sở này Người tổ chức cho chính quyền cách mạng dù còn trứng nước có các phương án quản lý hiệu quả nâng cao năng lực học tập của mọi người và mở rộng cơ hội học tập cho mọi người.
Ngày 2/9/1945 tiếp theo bản Tuyên ngôn độc lập mà vị Chủ tịch nước long trọng đọc trước quốc dân đồng bào, tuyên bố sự ra đời của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà trước thế giới, Chính phủ đã nêu ra chương trình, nội dung chính của chính sách phát triển đất nước. Mục tiêu của giáo dục trong chương trình này đã được khẳng định: "Nền giáo dục mới đang ở thời kỳ tổ chức. Chắc chắn là bậc sơ học sẽ cấp bách. Trong thời hạn rất ngắn sẽ thi hành lệnh bắt buộc học chữ quốc ngữ để chống nạn mù chữ đến triệt để. Vấn đề vô cùng quan trọng ấy chúng ta chẳng chờ đến lúc sự sinh hoạt trở nên bình thường mới giải quyết mà ngay trong hoàn cảnh eo hẹp này chúng ta phải kiên quyết tiến hành. (Đ/c Võ Nguyên Giáp được Hồ chủ tịch giao cho việc trình bày chính sách nội chính của Chính phủ. Tư liệu: Những sự kiện giáo dục phổ thông 1945 - 1985. Viện Khoa học Giáo dục 1985, tr2)".
Ngày 3/9/1945 trong phiên họp đầu tiên của chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà. Người nêu nhiệm vụ giáo dục - chống giặc dốt là nhiệm vụ cấp bách của chính quyền mới.
Tháng 10/1945, Người ra lời kêu gọi chống nạn thất học như một mệnh lệnh hội tụ toàn dân tộc đưa đất nước vào công cuộc đại nghĩa mở ra kỷ nguyên mới của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Bác chỉ có 4 tháng của năm 1945 hệ thống giáo dục quốc dân với các thiết chế: Nha bình dân học vụ, Nha giáo dục phổ thông, Hội đồng cố vấn học chính đã hình thành. Trong hoàn cảnh lúc đó hệ thống này đã tạo ra những cơ hội cho nhân dân xoá được nạn thất học, hé mở những cánh cửa cho nhân dân phát triển sự tiến hoá.
Bước sang năm 1946, dù còn biết bao sự bộn bề của các vấn đề kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự của đất nước, Bác Hồ vẫn dành cho sự nghiệp giáo dục sự chăm lo tỉ mỉ chu đáo.
Kiên trì quốc sách của một đất nước dưới chính thể mới là làm cho ba lĩnh vực: kinh tế giáo dục quốc phòng phải luôn luôn gắn bó với nhau, Bác đã chỉ đạo cho chính quyền mới coi giáo dục là then chốt của sự kết hợp này.
Chỉ trong năm 1946 Bác đã viết hàng chục bài báo, thực hiện hàng chục lần tiếp xúc với nhân dân để khích lệ mọi người ham học, ham dạy. Gây ngạc nhiên cho thế hệ ngày nay là tại thời điểm này (1946) Người đã có thông điệp "Học suốt đời" (nói chuyện với đ/c Nguyễn Thị Định), "Phải làm cho dân tộc Việt Nam trở thành dân tộc thông thái" (có hàm ý như các yêu cầu xây dựng kinh tế tri thức - Nói chuyện với đồng bào Hải Phòng khi đi Pháp về 10/1946).
Vị Chủ tịch nước coi lĩnh vực giáo dục bình dân là tiêu điểm cho sự phát triển hệ thống giáo dục quốc dân (ngày nay chính là giáo dục cộng đồng); Người nói với anh chị em giáo viên bình dân học vụ: "Anh chị em yêu quí! Chương trình của Chính phủ ta là làm thế nào cho đồng bào cả nước ai cũng có ăn, có mặc, có học
Trước khi bước lên máy bay đi Pháp (4/5/1946) , Người còn căn dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó là Quyền Chủ tịch nước "Chú ý đến công việc bình dân học vụ".
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than 1958 |
Ngay sau khi đi Pháp về Bác tổ chức kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá 1 thành lập Chính phủ mới (từ 3/11/1946). Dù có rất nhiều công việc khẩn trương của thời gian nóng bỏng này (Thực dân Pháp tạo ra những gây chiến khiêu khích ngay trong lòng Hà Nội), Bác vẫn quan tâm đến sự nghiệp bình dân học vụ. Ngày 5/11/1946 Người viết văn kiện "Công việc khẩn cấp bây giờ" chỉ ra nhiệm vụ và phương hướng kháng chiến toàn quốc. Tối cùng ngày Bác đến thăm các lớp bình dân ở Trường Hàng Than và khu phố Hàng Bún (Hà Nội) sát nơi đóng quân của quân đội Pháp. Vào từng lớp học Bác ân cần hỏi học viên làm những nghề gì, học viên trả lời người thì kéo xe, người đi ở, người đi bán kẹo rong, người làm nội trợ, Bác khen thầy trò Trường Hàng Than "Thầy siêng dạy, trò siêng học thế là tốt lắm".
Ngày 24/11/1946 (trước toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 gần một tháng) Bác đọc diễn văn khai mạc Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ nhất, Bác kêu gọi các nhà văn hoá Việt Nam xây dựng nền văn hoá mới sửa đổi được "Tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, phải làm cho ai ai cũng có lý tưởng tự chủ độc lập". Bác kêu gọi các nhà văn hoá chú ý đến việc học tập của nhi đồng, giáo dục cho nhân dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ.
Từ tháng 3/1947 khi cuộc kháng chiến chống Phap vừa bắt đầu và bước vào giai đoạn gian khó nhất, về công tác tại Thanh Hoá, Bác Hồ đã giao cho lãnh đạo Thanh Hoá qua các ông Lê Thước, Đặng Thai Mai xây dựng Thanh Hoá có các "Gia đình học hiệu", người dân Thanh Hoá thành "Tiểu giáo viên". Ngày nay đề cập vấn đề xã hội học tập, UNESCO nêu ra vấn đề "Gia đình học hiệu" (learning family). Tự hào tham ý tưởng của thời đại đã được Bác cảm nhận từ trước đó hàng mấy thập niên khi đất nước còn vô vàn khó khăn và Người đã truyền tâm ý cho đ.c, cho nhân dân hiện thực được ý tưởng này dù trong nước bất cứ hoàn cảnh nào kể cả lúc khó khăn.
Những sự kiện của Bác Hồ với ngành giáo dục thời kỳ đầu chính quyền cách mạng 9/1945 - 12/197 càng chứng tỏ vai trò của công tác quản lý khi nắm chắc 3 khâu cơ bản: Thúc đẩy nhu cầu - Nâng cao năng lực - Mở rộng cơ hội của người dân trong lĩnh vực giáo dục và biết gắn bó ba khâu này vào với nhau thì đó là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng và phát triển xã hội học tập.
Sau 6 thập niên phát triển nền giáo dục cách mạng nước ta ngày nay trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới đã có mặt bằng giáo dục với số người lớn biết chữ 90,3%, tỷ lệ thanh thiếu niên 6 - 24 tuổi được học tại các nhà trường là 64%, chỉ số phát triển giáo dục là 0,82 (Báo cáo Phát triển con người 2005).
Nếu tính trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ có mặt trong Báo cáo Phát triển con người thì giáo dục nước ta có thứ hạng 93.
Giá trị và thứ hạng này cho phép chúng ta có thể khẳng định: những tiền đề xây dựng xã hội học tập ở nước ta đã có dù rằng mặt bằng kinh tế của nước ta còn khá thấp trong tương quan chung (chỉ số kinh tế mới đạt 0,572 xếp thứ 122/177 nước).
Xây dựng xã hội học tập của nước ta dù có những tín hiệu tốt song còn đó những thách thức. Dù số người biết chữ có tỷ lệ cao dù nhiều trường học mở ra, số thanh thiếu niên được đi học đông, song để có một nền học vấn thiết thực từ nhu cầu không phù phiếm tạo cho công dân có kỹ năng đời sống phát triển cộng đồng bền vững thì vấn đề lại còn nhiều nỗi băn khoăn.
Nước ta đang thực hiện chương trình giáo dục cho mọi người (Education for All - EFA), các chương trình phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, những dự án mở rộng trung học phổ thông, những ý tưởng đưa đại học tinh hoa thành đại học đại chúng nhằm tạo ra nền móng của "xã hội học tập". Có thể khẳng định rằng các chương trình này chỉ có ý nghĩa nếu ta quán triệt được các ý tưởng giáo dục nhân văn và thân dân của Bác Hồ kính yêu.
Lược ghi theo chuyên luận của tác giả Đặng Quốc Bảo