(GD&TĐ)-Theo quy định quản lý nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương về khoa học và công nghệ cấp Bộ của Bộ GD&ĐT vừa ban hành, chủ nhiệm nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương phải có trình độ từ thạc sỹ trở lên, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, có ít nhất một công trình công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín thuộc lĩnh vực nghiên cứu hoặc lĩnh vực gần với vấn đề nghiên cứu của nhiệm vụ; không là chủ nhiệm đề tài, nhiệm vụ hoặc dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ của Bộ GD&ĐT tại thời điểm xét chọn nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương; không thuộc trường hợp đang bị xử lý theo quy định này.
Các đơn vị chủ động đề xuất các nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương và gửi về Bộ GD&ĐT để xét duyệt. Bộ GD&ĐT xác định danh mục và xét chọn nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương trên cơ sở xem xét đề xuất hằng năm của các đơn vị.
Những nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương được ưu tiên đưa vào danh mục xét chọn là nhiệm vụ do lãnh đạo Bộ GD&ĐT thỏa thuận với đối tác nước ngoài cam kết tổ chức thực hiện; nhiệm vụ góp phần giải quyết những vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết đang được quan tâm trong nước nhưng chưa được triển khai nghiên cứu hoặc nghiên cứu chưa có kết quả; nhiệm vụ có sự hỗ trợ của nước ngoài để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ cho các đơn vị, các tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam về tri thức khoa học, bí quyết công nghệ, trang thiết bị khoa học tiên tiến, đào tạo, chuyển giao kết quả nghiên cứu.
Bộ GD&ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan định kỳ 6 tháng hoặc đột xuất tiến hành kiểm tra tiến độ thực hiện, nội dung khoa học, tình hình sử dụng kinh phí và những vấn đề liên quan khác của nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương. Kết quả kiểm tra là căn cứ để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh hoặc đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế song phương.
Lập Phương