Chủ nhân điểm 10 môn Lịch sử: Tri ân thầy giáo, báo công cha mẹ

GD&TĐ - Thật bất ngờ khi Lê Thị Thanh Phương Thảo – thí sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử kỳ thi THPT quốc gia 2016 - chia sẻ: “Suốt cả năm lớp 10 và 11, em rất sợ môn Lịch sử; càng học thì em càng rối. Em cứ nhớ được sự kiện này thì quên sự kiện khác và rất lúng túng với việc sử dụng các dữ liệu”.

 Lê Thị Thanh Phương Thảo
Lê Thị Thanh Phương Thảo

Lê Thị Thanh Phương Thảo (HS trường THPT Chuyên Lê Thánh Tông - TP Hội An, Quảng Nam) cũng là thí sinh duy nhất có điểm bài thi đạt điểm tuyệt đối ở cả 4 cụm thi do ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH thành viên chủ trì.

Cô gái 18 tuổi học cách nghe thời sự

Môn Lịch sử sẽ còn là nỗi “ám ảnh” của Lê Thị Thanh Phương Thảo nếu năm lớp 12, Thảo không được học với thầy Lê Văn Tri – giáo viên dạy môn Lịch Sử.

“Ngoài việc truyền cảm hứng giúp em yêu thích bộ môn, thầy còn hướng dẫn phương pháp học sao cho có hiệu quả. Thay vì trước đây em cứ bắt buộc mình trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 ngày là phải thuộc từng đó kiến thức, thầy hướng dẫn cho em cách chia nhỏ ra từng giai đoạn, và đừng chỉ chăm chăm học thuộc mà còn phải nắm bắt cho được nội dung của sự kiện.

Với cách học như thế, môn Sử với em trở nên nhẹ nhàng hơn, không còn áp lực bởi những con số, dữ liệu khô khan”.

Khi cảm nhận được cô học trò nhỏ vốn có tư duy và cảm nhận tốt môn Lịch sử bắt đầu chớm yêu thích học bộ môn, thầy Tri tìm cách bồi đắp thêm để rồi môn Sử trở thành niềm đam mê với Phương Thảo. “Thầy giáo khuyến khích em thường xuyên nghe thời sự để cập nhật thông tin”.

Cô học trò 18 thú nhận: “Nghe lời khuyên của thầy, em bắt đầu chú tâm xem chương trình thời sự. Nhưng lúc đầu, em thấy rất nặng nề, có nhiều khái niệm mới mà em chưa biết. Rồi dần dà thì thấy thích vì nhận ra chương trình thời sự hàng ngày giúp mình rất nhiều thứ, biết nhiều dữ kiện để liên hệ với bài học, không chỉ môn Sử mà còn ở các môn học khác”.

Phương Thảo chia sẻ rằng em thường ghi nhớ những chi tiết thời sự trong nước và thế giới, có gì chưa hiểu thì lên mạng tra cứu thêm hoặc hỏi thêm thầy giáo. Cách học như vậy giúp Thảo khắc sâu thêm kiến thức, biết rằng lịch sử vẫn gắn liền với dòng chạy của hiện tại để áp dụng trong những bài học lịch sử của mình.

Không học ngày học đêm, chỉ học bài khi nào thấy thật thoải mái, vui vẻ và thật nhiều cảm hứng, nên Lê Thị Thanh Phương Thảo khá bất ngờ khi được bạn bè thông báo mình được điểm 10 môn Lịch sử: “Em phải tra cứu, xem đi xem lại mấy lần mới tin chắc rằng bài làm của mình đạt được điểm tuyệt đối”.

Nhà nằm sâu trong thôn Thanh Nhì (xã Cẩm Thanh, Hội An, Quảng Nam), phía trước là một hồ nước mênh mông, Phương Thảo kể, chính khung cảnh bình yên, đầy thơ mộng này đã nuôi dưỡng tâm hồn em, giúp em có nguồn cảm hứng học tốt các môn xã hội. Ngoài điểm 10 ở môn Lịch sử, điểm bài thi môn Địa lý và Ngữ văn của Phương Thảo đều được 8 điểm.

Học cho cả phần của mẹ

Thành tích học tập của Phương Thảo là niềm vui của ba mẹ
 Thành tích học tập của Phương Thảo là niềm vui của ba mẹ

Ít ai biết gia đình của cô bé có nụ cười hoa nắng này có hoàn cảnh rất khó khăn. Công việc làm thủy nông của ba em mỗi năm chỉ vài tháng là có việc. Ba còn phải chăm sóc bà nội đã ngoài 90 tuổi, thường hay đau ốm nên mọi thu nhập gần như chỉ trông chờ từ công việc phụ hồ của người mẹ.

Dù điều kiện kinh tế gia đình chật vật, nhưng ba mẹ Thảo vẫn quyết tâm cho Thảo và em gái ăn học đàng hoàng. Phương Thảo kể mà không giấu được sự nghẹn ngào: “Mẹ đi làm xa mấy cũng đạp chiếc xe đạp lọc cọc đi, dù công việc đã rất nặng rồi nhưng vẫn không chịu mua chiếc xe máy.

Mẹ giải thích là còn phải dành dụm tiền cho hai chị em em ăn học.“Lỡ đâu hai đứa đậu ĐH mà không đủ tiền nộp thì dở dang việc học của các con; mẹ cực chút không sao”. Vậy mà khi em thi đậu trường chuyên, thấy nhà xa, sợ em không đủ sức đi học bằng xe đạp hàng ngày, ba mẹ quyết định mua cho em chiếc xe đạp điện. Em chạy xe đạp điện băng băng, mà thấy ba mẹ đạp chiếc xe đạp bên cạnh, em chỉ ước mình được đi làm thật nhanh để đỡ đần ba mẹ. Mà muốn vậy thì chỉ có nỗ lực học thật tốt”.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Phương Thảo kể nhiều về sự vất vả của ba mẹ để các con được ăn học: “Mẹ em gần như làm việc không ngơi tay, về đến nhà là việc liền việc, dù em biết công việc phụ hồ của mẹ rất nặng nhọc.

Nhà em trước đây có trồng rong biển trước hồ để bán, dù mỗi kỳ thu hoạch không được bao nhiêu tiền nhưng ba mẹ em bỏ công sức rất nhiều; trời nắng mưa gì cũng ngâm mình dưới nước cả buổi để vớt rong. Chúng em chỉ phụ những việc lặt vặt thôi mà cũng thấy đuối sức. Nhưng ba mẹ thì không nề hà gì, miễn sao chúng em được ăn học đến nơi đến chốn”.

Chị Nguyễn Thị Lan - mẹ của Phương Thảo thì cứ cười cười, niềm vui đọng mãi trên gương mặt khắc khổ của người mẹ tần tảo, lam lũ vì sự học của con: “Việc học thì chị em cháu tự bảo ban nhau chứ ba mẹ cũng không giúp chi được. Hồi trước nhà cực khổ quá, học đến lớp 5 thì tui nghỉ học để phụ giúp cho ba má. Không nghề nghiệp nên giờ phải làm việc nặng. Chỉ biết động viên con ráng học, học được chừng nào thì ba mẹ theo chừng đó. Mình nghèo, cũng không có gì cho con ngoài cái chữ”.

Những ngày này, Phương Thảo đang cân nhắc việc chọn trường để nộp hồ sơ xét tuyển ĐH. “Em đang phân vân giữa việc đi theo ngành báo chí hoặc sư phạm” - Thảo cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.