Chủ động trước Chương trình giáo dục phổ thông mới

GD&TĐ - Theo kế hoạch, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai từ năm học 2019 - 2020 và bắt đầu áp dụng từ lớp 1. Ngay trong năm học 2018 - 2019 này, các địa phương và trường học đã có bước chuẩn bị, xác định tâm thế sẵn sàng đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Một tiết học hát Xoan của học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng
Một tiết học hát Xoan của học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng

Xung quanh vấn đề này, cô Nguyễn Thị Minh Thịnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (Việt Trì, Phú Thọ) đã có những chia sẻ trên Báo Giáo dục & Thời đại.

* Việc dạy hát Xoan cho học sinh đã có tác động như thế nào đến phẩm chất, đạo đức, lối sống của học sinh và nó có ý nghĩa như thế nào khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa cô?

- Hát Xoan là Di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức UNESCO công nhận. Trong những năm qua, bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dạy - học cho học sinh, nhà trường đã rất quan tâm đến giáo dục truyền thống cho các em, đặc biệt là giáo dục cho các em về văn hóa, di sản. Qua đó, không chỉ giúp các em phát triển về tâm hồn, phẩm chất, đạo đức, mà còn hình thành cho các em ý thức bảo tồn di sản văn hóa của quê hương, đất nước.

Với hát Xoan, nhà trường đã triển khai dạy cho các em từ năm 2010. Ngoài giáo viên giảng dạy, mỗi năm nhà trường tổ chức mời từ 2 - 4 lần các nghệ nhân của các phường Xoan gốc đến để giao lưu và dạy cho các em học sinh. Cùng với đó, nhà trường cũng tổ chức cho từng khối lớp vào các phường hát Xoan gốc để giao lưu với các nghệ nhân và giao lưu với các khách nước ngoài.

Từ việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản, các em đã hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu, các em đã được tăng cường các kỹ năng như: Sự tự tin, khả năng giao tiếp và kỹ năng hòa nhập với tập thể, cộng đồng. Mặt khác, các em phát huy được phẩm chất, năng lực của mình, từ đó giúp các em có được kết quả học tập tốt hơn. Thiết nghĩ hoạt động này rất phù hợp với mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh và học sinh của Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng
Cô Nguyễn Thị Minh Thịnh và học sinh của Trường Tiểu học 
Đinh Tiên Hoàng 

* Năm học 2019 - 2020, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai, áp dụng đầu tiên ở lớp 1. Vậy nhà trường đã chuẩn bị như thế nào để giáo viên có thể bắt nhịp được ngay?

- Chúng tôi cũng đã thông báo và quán triệt tới cán bộ, giáo viên về tiến độ để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới. Theo đó, các thầy, cô giáo cũng đã nắm được tinh thần và cũng rất sẵn sàng để đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch lâu dài, đó là tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên để các thầy, cô tiếp cận và truyền tải tốt nhất Chương trình mới tới học sinh.

Đối với học sinh khối 1, hiện nay chúng tôi đang triển khai áp dụng chương trình dạy tiếng Việt theo công nghệ giáo dục. Qua quan sát cho thấy, các thầy, cô cũng rất tích cực trong việc tiếp nhận những cái mới. Vì thế khi mà chương trình sách giáo khoa mới được triển khai, tôi tin là các thầy cô sẽ tiếp cận rất nhanh.

Nhà trường cũng xác định, khi có chỉ đạo của ngành Giáo dục, chúng tôi sẽ tiếp cận một cách nhanh nhất. Mặt khác, bản thân nhà trường sẽ có những kế hoạch và chiến lược riêng để làm sao triển khai chương trình sách giáo khoa mới hiệu quả nhất. Cụ thể, ngoài chương trình bồi dưỡng của Sở và của Phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ có chương trình tập huấn, bồi dưỡng riêng cho đội ngũ giáo viên. Những gì giáo viên còn thiếu thì chúng tôi sẽ bổ trợ. Chúng tôi sẽ mời chuyên gia để bồi dưỡng cho giáo viên về kiến thức, chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực sư phạm nhằm hỗ trợ giáo viên đáp ứng kịp thời với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

* Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, một trong những nội dung quan trọng đó là tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh. Nhà trường đã chuẩn bị những gì?

- Thực ra, đối với các giáo viên tiểu học khi được học ở trường sư phạm, các thầy, cô đã được đào tạo tất cả các môn. Đây cũng là thuận lợi và nền tảng để các thầy, cô giáo tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên không phải giáo viên nào cũng có năng lực để dạy tích hợp hoặc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Vì thế như tôi đã nói ở trên, chúng tôi sẽ có những chương trình, bồi dưỡng, tập huấn để củng cố lại phần chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, để họ nâng cao năng lực và khả năng đáp ứng kịp thời với Chương trình mới.

Mặt khác, ngay trong năm học 2018 - 2019 này, chúng tôi đã có kế hoạch thực hiện thí điểm dạy học một số tiết theo hướng tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông mới và tổ chức thí điểm một vài hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nhất là đối với khối 1. Mục đích là để giáo viên có điều kiện tập dượt, làm quen với Chương trình mới.

* Còn về cơ sở vật chất, nhà trường đã chuẩn bị những gì để đón nhận Chương trình giáo dục phổ thông mới?

     Nói phải đi đôi với làm, bản thân là hiệu trưởng nên tôi luôn xác định, mình phải cùng vào cuộc, cùng làm với giáo viên để cùng nhau rút kinh nghiệm. Nói chung cả hiệu trưởng và giáo viên đều phải nhiệt huyết và tất cả vì học sinh thân yêu. 
  

- Đối với Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, đến thời điểm này, cơ sở vật chất cũng đã tương đối đầy đủ, hiện đại và cơ bản có thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên hiện nay, nhà trường đang có sĩ số học sinh đông nhất tỉnh nên số phòng học chưa đáp ứng được so với số lượng học sinh. Chúng tôi đang tích cực tham mưu với chính quyền thành phố Việt Trì và UBND tỉnh Phú Thọ để được bổ sung thêm một số phòng học phòng chức năng và một số thiết bị dạy học, để khi chương trình, sách giáo khoa mới được triển khai là mình có thể tiếp cận được ngay.

* Vậy theo cô, lúc này người hiệu trưởng sẽ có vai trò như thế nào?

- Theo tôi, hiệu trưởng sẽ phải là người tiên phong đi đầu trong mọi việc làm, chương trình hành động. Từ đổi mới tư duy nhận thức cho đến việc làm quen và thực dạy Chương trình mới. Qua đó mới chuyển tải được tinh thần và nhiệt huyết của mình tới các giáo viên.

Xin cảm ơn cô!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.