“Cú hích” mới
Các chuyên gia nhìn nhận, công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Theo TS Hồ Lam Hồng - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Sư phạm (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025 (Đề án 33)như một “cú hích” giúp thay đổi nhận thức và hành động trong công tác đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non.
Điều này được thể hiện trên các phương diện: Thứ nhất, truyền cảm hứng hoạt động nghề nghiệp. Chẳng hạn như: Truyền cảm tình yêu nghề; hứng thú và sẵn sàng đóng góp khả năng của mình vào công việc. Nghề nghiệp của giáo viên mầm non là một nghề vất vả, nhiều áp lực. Trong những năm gần đây, nhu cầu về đội ngũ giáo viên mầm non tăng cao không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực miền Bắc và miền Trung đã để lại ấn tượng tốt đẹp. |
Thứ hai, phát triển nhu cầu học và tự học để hoàn thiện bản thân. Điều này cho thấy, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý ở cơ sở giáo dục mầm non có nhu cầu phát triển và vươn lên trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Họ không còn tình trạng “an phận” như trước đây. Tất nhiên, xã hội ngày càng phát triển giúp cho giáo viên và cán bộ quản lý có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp…
Thứ ba, nhu cầu sẵn sàng chia sẻ chuyên môn với đồng nghiệp cho thấy, nhận thức và tư duy của giáo viên mầm non đã cởi mở và linh hoạt hơn. Các mô hình sinh hoạt chuyên môn ở các cơ sở giáo dục mầm non được áp dụng rộng rãi hơn như: cộng đồng học tập; nghiên cứu bài học; sinh hoạt chuyên môn tại trường…
Thứ tư, việc đổi mới cách thức đào tạo và bồi dưỡng đã có những thay đổi. Thay vì các bài giảng tập huấn mang tính thuyết giảng, truyền thụ kiến thức và người học tiếp nhận nội dung bồi dưỡng một cách thụ động thì các giảng viên đã vận dụng các phương pháp dạy học tích cực kết hợp với hình thức tổ chức đa dạng.
Ngoài ra, có các hoạt động khác nhau như: trao đổi nhóm, nghe giảng, chơi, bài tập tình huống… xen kẽ động – tĩnh. Qua đó, giúp cho người học trở nên mạnh dạn chia sẻ suy nghĩ, kinh nghiệm cũng như cảm xúc của mình cùng đồng nghiệp, bạn học.
“Đây là những bài học lớn trong đổi mới công tác bồi dưỡng giáo dục mầm non. Khi các giảng viên sư phạm tham gia các hoạt động tập huấn cũng giúp họ thay đổi nhận thức, hành vi học tập và vận dụng những phương pháp dạy học mới trong công tác đào tạo tại các trường sư phạm” – TS Hồ Lam Hồng nhấn mạnh.
Học viên nghiêm túc học tập, thảo luận bài. |
Chủ động bắt nhịp và thích ứng
Đồng quan điểm, TS Đặng Lan Phương - Phó trưởng Khoa Sư phạm, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội – khẳng định, công tác tập huấn, bồi dưỡng giảng viên mầm non trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực; trong đó có việc phát triển năng lực chuyên môn của giảng viên. Điều này ảnh hưởng rất tốt đến chất lượng đào tạo của các trường sư phạm.
“Thời gian tới, cần tiếp tục phát triển cộng đồng học tập thông qua các hình thức đa dạng khác nhau. Đặc biệt, cần chú trọng hình thức đào tạo có ứng dụng công nghệ thông tin, giúp các giảng viên có thể tiếp cận với tri thức ở mọi lúc, mọi nơi” - TS Đặng Lan Phương trao đổi.
Chăm chú lắng nghe báo cáo viên giảng bài. |
Để phát triển, nâng cao năng lực của giảng viên mầm non, TS Đặng Lan Phương cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường các khóa đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục ở các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non.
Đồng thời, mở rộng hợp tác giữa các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non trên cả nước, trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, giúp giảng viên có cơ hội tiếp cận, trao đổi, học tập kinh nghiệm giáo dục mầm non với đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, tăng cường các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học cho giảng viên. Ngoài ra, các trường sư phạm cần thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục, các trường mầm non để giảng viên được tiếp cận với thực tiễn và công tác chỉ đạo của ngành học. Qua đó, giúp cho nội dung giảng dạy phù hợp với thực tiễn hơn.
Học viên tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán khu vực miền Trung. |
Bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup, báo cáo viên Khóa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán mầm non dựa trên tiếp cận mới về chức năng và nhiệm vụ của đội ngũ cốt cán – nêu quan điểm, các trường sư phạm, trong đó có cơ sở đào tạo giáo viên mầm non được ví như “máy cái”. Vì thế các trường cần chủ động thay đổi để bắt nhịp với đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng.
Theo bà Lê Thị Thu Huyền, giảng viên cũng phải thay đổi để thích ứng, bởi sinh viên của 10 năm trước sẽ khác với sinh viên bây giờ. Tuy nhiên, trước mắt, các cơ sở đào tạo giáo viên mầm non cần xây dựng chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực của trẻ. Bởi, hình thành nhân cách, thể chất, giai đoạn giáo dục mầm non có thể nói là quan trọng bậc nhất, thậm chí mang tính quyết định.