Chủ động phương án dạy học, thích ứng tình hình mới

GD&TĐ- Hơn 1 tháng sau khai giảng, dù dạy học trực tuyến hay trực tiếp, sự chủ động trong kế hoạch cũng như tâm thế sẵn sàng thích nghi điều kiện mới đã giúp các nhà trường nhanh chóng ổn định, nâng cao hiệu quả dạy học.

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Thụy Phúc - huyện Thái Thụy - Thái Bình. (Ảnh tư liệu)
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Thụy Phúc - huyện Thái Thụy - Thái Bình. (Ảnh tư liệu)

Linh hoạt điều chỉnh kế hoạch dạy học

Đối với phương thức dạy học trực tuyến, bà Phạm Thị Hương Giang – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Phòng GD&ĐT quận (PGD) và các nhà trường đã chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ và năng lực của các cán bộ quản lý để có thể thích ứng với dịch bệnh phức tạp. Phòng GD&ĐT đã tổ chức rất nhiều các khoá tập huấn về chương trình GD PT 2018, tập huấn kỹ năng CNTT.

Cụ thể tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Ban giám hiệu (BGH) đã chủ động xây dựng kế hoạch tập huấn cho đội ngũ với chuyên gia đầu ngành về SGK mới, đã dạy thực tập 11 tiết, nhiều buổi học soạn giáo án với chuyên gia để dạy tốt SGK lớp 6.

Đồng thời, với sự chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo của PGD, nên trước thềm năm học mới, 100% các trường trên địa bàn quận đã xây dựng và vận hành hiệu quả trường học trực tuyến. Nhờ sự chủ động này, Trường THCS Nguyễn Tri Phương đã thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến.

Cùng đó, sự chủ động trong kế hoạch quản lý và dạy học của các nhà trường đều có dấu ấn sự định hướng và sự đồng thuận cao của quận, trực tiếp là sự chỉ đạo của PGD. Chính vì được chủ động, nên BGH nhà trường đã linh hoạt các kịch bản và điều chỉnh kịp thời các kế hoạch trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.

Bà Phạm Thị Hương Giang chia sẻ: Sau 1 tuần học trực tuyến bị lỗi kỹ thuật và nhiều bất cập, trường đã chủ động họp liên tịch và thống nhất cắt giảm từ 45ph/ tiết học, xuống 40ph/ tiết. Đồng thời chuyển 1 số môn có khả năng tự học để thầy cô hướng dẫn và tương tác với HS trên trường học trực tuyến (GV gửi video, clip, trình chiếu trên Classroom hướng dẫn học sinh tự đọc, tự nghiên cứu và hoàn thành yêu cầu nội dung phản hồi sau bài học). Nhờ đó, HS của trường giảm thiểu thời gian tiếp xúc mắt với thiết bị điện tử, rèn khả năng tự học vô cùng cần thiết.

BGH nhà trường đã chỉ đạo các giáo viên nhà trường thực hiện: Tinh giản tối đa nội dung dạy học theo quy định của các cấp; Không tạo sức ép, sự căng thẳng lên HS và PHHS; Không giao bài tập quá nhiều, thời gian nộp bài quá gấp và không phù hợp tâm sinh lý HS; Tìm hiểu và áp dụng các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, gây hứng thú cho HS trong quá trình học cũng như kiểm tra, đánh giá.

BGH thường xuyên dự giờ, nhắc nhở động viên giáo viên và HS trong quá trình dạy học trực tuyến. Việc chủ động dự giờ trực tuyến không áp lực, rút kinh nghiệm, đã mang lại những tiết học tốt nhất cho học sinh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh minh hoạ)
Học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh minh hoạ)

Chủ động phương án dự phòng

Cùng với việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch giảng dạy theo tình hình thực tế, các nhà trường cũng luôn chủ động chuẩn bị phương án dự phòng cho những tình huống phát sinh, cần thay đổi trạng thái phù hợp diễn biến dịch bệnh.

Ông Đỗ Trường Sơn – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ (tỉnh Thái Bình) cho biết: Học sinh toàn tỉnh được học trực tiếp từ ngay sau Lễ khai giảng năm học mới.

Thực hiện theo tinh thần hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT, chỉ đạo cụ thể của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp tình hình: Dạy học theo các nội dung cốt lõi, thực hiện tăng buổi, tăng tiết đối với các môn Toán, Văn và Ngoại ngữ,…

“Sau hơn 5 tuần, công tác dạy học tại các nhà trường đã ổn định và đi vào nền nếp. Chúng tôi xác định, việc chủ động, linh hoạt các kịch bản quản lý và dạy học, thích ứng với dịch bệnh Covid – 19 sẽ mang lại những điều tốt nhất cho học sinh. Ngay từ lúc xây dựng kế hoạch năm học mới, Phòng GD&ĐT đã xác định chuẩn bị sẵn sàng các phương án nhằm ứng phó linh hoạt với tình hình dịch Covid-19. Phương châm là luôn chủ động, không để rơi vào tình trạng bị bất ngờ trước tình huống mới” - Ông Đỗ Trường Sơn cho hay.

Được biết, song song với việc dạy học trực tiếp, Phòng GD&ĐT huyện Thái Thuỵ đã tổ chức tập huấn cho giáo viên về phương thức dạy học trực tuyến. Theo đó, tổ chức tập huấn cho giáo viên sử dụng thành thạo các nền tảng công nghệ số phục vụ công tác dạy học trực tuyến.

Hiện nay, tại tất cả các nhà trường, giáo viên đã hướng dẫn học sinh làm quen với việc học trực tuyến bằng cách giao bài tập tự luyện trên các nền tảng số. Điều này nhằm chủ động khi buộc phải thay đổi trạng thái từ học trực tiếp sang học online. Bảo đảm khi có diễn biến bất thường thì cả giáo viên và học sinh đều chủ động và thuần thục các kỹ năng dạy – học, sớm ổn định tình hình.

Bà Phạm Thị Hương Giang cho hay: Cùng với việc thực hiện dạy học các môn văn hoá, Trường THCS Nguyễn Tri Phương còn tổ chức thống nhất các hoạt động giáo dục đạo đức, hoạt động sinh hoạt lớp để tăng cường kỹ năng sống cho HS: kỹ năng học trực tuyến, văn hoá ứng xử trên không gian mạng,... Đẩy mạnh truyền thông để nhà trường, gia đình, xã hội có sự đồng cảm, đồng thuận cùng vượt qua mọi khó khăn.

“Có thể khẳng định, trước diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh, sự chủ động của ngành giáo dục đã khiến năm học đặc biệt ghi thêm những dấu ấn đẹp. Đó là những nỗ lực bền bỉ, sáng tạo và trách nhiệm của thầy trò, là sự linh hoạt điều chỉnh kế hoạch nhằm thích ứng kịp thời với những tình huống phát sinh, hướng tới lợi ích của học sinh. Ngành giáo dục vẫn đang nỗ lực hết mình để vừa bảo đảm chống dịch thành công, vừa dạy học tốt nhất” - Bà Phạm Thị Hương Giang nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ