Có khả năng rét đậm, rét hại trên diện rộng
Theo thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn (KTTV) Khu vực Việt Bắc, do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt độ theo mùa cũng có sự chênh lệch ngày càng lớn. Năm nay, rét trễ hơn so với quy luật thường niên. Rét muộn nhưng là rét đậm, rét hại. Mưa xảy ra là mưa đá, băng tuyết trên các vùng núi cao.
Ông Phạm Đình Văn, Trưởng phòng dự báo Đài KTTV Khu vực Việt Bắc đã cho biết: Diễn biến KTTV trong tháng 12 và những tháng đầu năm năm 2023 đặc biệt là thiên tai KTTV liên tiếp xuất hiện nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm. Đáng chú ý đợt rét đầu mùa trong cuối tháng 11 đầu tháng 12 vừa qua, hiện tượng rét đậm rét hại kéo dài trên diện rộng 7-10 ngày
Ghi nhận tại một số vùng núi cao ở Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, nhiệt độ đã hạ xuống rất thấp, trung bình 16-20 độ C. Đêm về có nơi như Mẫu Sơn, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Mèo Vạc, Đồng Văn, Y Tý, Bát Xát, Sa Pa nhiệt độ đã xuống 4-5 độ C kèm gió lạnh có cường độ mạnh.
Nhận định trong thời gian tới đặc biệt vào nửa cuối tháng 12/2022, đầu tháng 1 năm 2023 sẽ có những đợt không khí lạnh mạnh liên tục được tăng cường bổ sung thêm, nền nhiệt độ trung bình khả năng sẽ giảm sâu. Biên độ nhiệt độ ngày đêm sẽ chênh lệch rất lớn nên thời tiết trên Khu vực Việt Bắc, vùng núi và trung du sẽ xuất hiện rét đậm rét hại trên diện rộng, vùng núi cao khả năng xuất hiện băng giá và mưa tuyết.
Phòng ở KTX của các em trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung. |
Hiện tượng thời tiết cực đoan này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe con người, tác động trực tiếp lên mọi hoạt động học tập, lao động, sản xuất trong đời sống thường ngày.
Trước tình hình thiên tai dự báo khắc nghiệt, việc chống rét cho học sinh là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh các em học sinh dân tộc thiểu số sinh sống, học tập tại các điểm trường vùng cao, đa số là học sinh nghèo, còn nhiều thiếu thốn vật chất.
Bên cạnh đó, các em nhỏ bậc học mầm non, tiểu học đa phần chưa tự ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân. Các em ăn mặc phong phanh trước thời tiết giá lạnh rất dễ bị viêm phổi, ốm đau, ảnh hưởng sức khỏe, công việc học tập bị gián đoạn.
Học sinh cõng gạo đến trường bán trú. |
Chủ động phòng chống rét cho học sinh
Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung nằm trên vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây, mùa đông lạnh nhiệt độ thường xuống thấp 2-4 độ. Hiện trường đang có 564 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Trường có 99,9 % học sinh là con em các dân tộc thiểu số H’Mông, Dao đỏ, Hà Nhì. Trên 60% là học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mùa đông giá lạnh, các em thiếu thốn áo ấm, mũ, giày, tất .v.v.
Em Lý Hồng Việt, dân tộc Dao Đỏ, học lớp 8B, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung kể: Nhà em nghèo lắm, cách trường 12km đường dốc đèo, Bố em sinh năm 1990, nhà có 7 anh chị em. Mẹ đã bỏ đi làm ăn xa không về, em là con đầu được đến trường học và phải ở lại nhà ông bà ngoại, em rất thiếu áo ấm, chăn ấm…Nếu được ước thì em chỉ mong các em ở nhà có đủ cơm thịt để ăn, có đủ quần áo ấm…để mặc vì mỗi khi mùa đông đến là nỗi sợ của cả 7 anh chị em.
Em Lý Hồng Việt (ngoài cùng bên phải), dân tộc Dao Đỏ, học lớp 8B, trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. |
Thầy giáo Phạm Văn Trọng, Phó hiệu trưởng, trường PT Dân tộc bán trú tiểu học và THCS A Mú Sung cho biết: "Nhà trường luôn làm hết khả năng của mình để giúp đỡ các em học sinh dân tộc thiểu số nghèo đến trường học tập. Việc giữ gìn sức khỏe, đảm bảo thân nhiệt cho các em luôn được các thầy cô quan tâm đặc biệt như lớp học, nhà ăn, kí túc được che chắn gió cẩn thận, hạn chế các hoạt động ngoài trời những ngày đông giá buốt, điều chỉnh giờ học phù hợp cho các em khi thời tiết nhiệt độ xuống thấp, nhắc nhở các em ăn no, mặc ấm khi đến trường".
Phân trường Đề Lảng, trường mầm non, tiểu học Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. |
Ông Vàng Thông Phin, Phó Chủ tịch UBND xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết thêm: "Mùa đông đến trên rẻo cao, vùng đất địa đầu tổ quốc khí hậu rất khắc nghiệt. Xã đã có chỉ đạo về các thôn bản, các trường học phải tập trung lo giữ ấm cho người và gia súc. Đặc biệt với người già và học sinh nhỏ tuổi, các bí thư chi bộ, trưởng xóm, bản phải đến từng nhà vận động người dân chăm sóc tốt con em mình. Giữ cho các thành viên trong gia đình no cơm, ấm áo. Xã tổ chức các đoàn đến những nơi khó khăn kiểm tra, hướng dẫn người dân cách thức chống rét cho người và đàn gia súc".
Cũng trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, đồng bào dân tộc H’Mông ở các xóm, bản của xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đang phải chịu cái rét đậm 2-3 độ. Các học sinh học tập tại các điểm trường vùng cao cũng theo đó gặp nhiều khó khăn hơn.
Cô giáo Hứa Thị Chấp, chủ nhiệm lớp mầm non 3-4-5 tuổi, phân trường Đề Lảng, trường Mầm non Giàng Chu Phìn đi xin được gần đủ thảm xốp lót sàn lớp học chống lạnh cho các bé mẫu giáo. |
Cô giáo Hứa Thị Chấp, chủ nhiệm lớp mầm non 3-4-5 tuổi, phân trường Đề Lảng, trường Mầm non Giàng Chu Phìn cho rằng: "Mùa đông đến với vùng núi đá này lạnh thấu xương, nhìn các em nhỏ thiếu áo ấm, mũ, găng tay, tất, giày…tôi thấy xót ruột lắm. Gia đình các em đều nghèo và nhận thức còn hạn chế nên nhà trường luôn phải quan tâm.
Thầy cô chăm lo cho các cháu như con của mình, nhưng khó là trường cũng nghèo, thiếu thốn đủ thứ. Cô giáo đã đi vận động hỗ trợ áo ấm, đi xin từng mảnh thảm xốp ghép lại để trải sàn lớp học cho các em ấm chân. Nếu có thể được, nhà trường rất mong các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền tổ quốc quan tâm hỗ trợ cho các em học sinh và nhà trường có áo, có chăn ấm, có phương tiện trang thiết bị hỗ trợ dạy học và đặc biệt công tác khám chữa bệnh miễn phí và hướng dẫn cách chống rét, tự bảo vệ sức khỏe cho các em học sinh nơi đây".
Hội Sinh viên Việt Nam Đại học Thái Nguyên tặng quà cho học sinh dân tộc thiểu số vùng cao huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. |