Mùa đông đang đến gần, từ ngày 20-22/11, vượt hơn 2.500 km, Đoàn đại diện Hội Đồng hương người Thái Nguyên công tác, sinh sống, học tập ở TPHCM và tỉnh Bình Dương đã quyên góp, vận động từ thiện được hơn 1000 chiếc áo ấm đem đến trao tặng cho các em học sinh nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn ở bản Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang.
Một góc bản Đề Lảng, xã Giàng Chu Phìn có nhiều hộ nghèo. |
Địa hình các thôn bản của xã Giàng Chu Phìn rất hiểm trở. Điểm trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở Giàng Chu Phìn nằm cheo leo trên núi đá tai mèo cách trung tâm huyện Mèo Vạc khoảng 20km. Riêng bản Đề Lảng có 79 hộ đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống.
Trong đó, có 64 hộ nghèo và cận nghèo chiếm 80%. Hàng năm, ở bản này vẫn còn tình trạng thiếu đói mùa giáp hạt. Khoảng 500 nhân khẩu trong bản đều sống dựa vào nông nghiệp, nhà khá giả nhất có 4 con bò.
Các thành viên trong đoàn từ thiện chụp ảnh lưu niệm trao áo ấm cho các em học sinh khó khăn và đồng bào dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo của xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. |
Ông Vừ Mí Lử, trưởng bản Đề Lảng cho biết: Đồng bào H'Mông canh tác trên nương rẫy đá nhiều, đất ít, người dân gặp rất nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, cây ngô, cây rau và cây rừng khó mọc nên hộ nghèo đói còn nhiều. Nay được các nhà hảo tâm tặng áo ấm, mọi người vui lắm. Rất mong được hỗ trợ vật chất, tinh thần nhiều hơn nữa để người trong bản giảm bớt khó khăn. Mong Đảng, Chính quyền và các tổ chức xã hội trợ giúp đồng bào làm đường bê tông kết nối các chòm dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và được vay vốn để phát triển kinh tế.
Niềm vui của bà con đồng bào dân tộc H'Mông khi được tặng áo ấm. |
Lão ông người H'Mông vui mừng được tặng áo ấm giữ nhiệt cho mùa đông năm nay. |
Các điểm trường học ở đây đa số là lớp học ghép còn nhiều thiếu thốn về vật chất, trang thiết bị dạy học. Các em học sinh từ mầm non đến THCS đều rất cần được hỗ trợ về quần áo ấm, chăn chiếu, giày dép, thảm lót nền lớp học trong mùa đông lạnh giá.
Em Mùa Thị La, học sinh lớp 9C, Trường THCS Giàng Chu Phìn được cô giáo mặc thử áo ấm. |
Em Mùa Thị La, học sinh lớp 9 C, trường THCS Giàng Chu Phìn đã phát biểu cảm nghĩ: Mùa đông ở đây lạnh lắm, có lúc rét xuống âm 2 độ, chúng cháu thiếu áo ấm rất khổ. Hôm nay được tặng áo sớm cho cháu và người thân trong gia đình, cháu rất cảm động, biết ơn các cô, bác nhà hảo tâm. Cháu hứa sẽ học giỏi để vào đại học vươn lên giúp quê hương thoát khỏi nghèo đói.
Các thành viên đoàn từ thiện giúp đồng bào nghèo lựa chọn áo ấm cho mùa đông. |
Đoàn từ thiện đã tiếp nhận nhiều thông tin để tiếp tục lên kế hoạch vận động giúp đỡ các em học sinh nghèo và người dân trong bản.
Tiếp theo, đoàn từ thiện đã đến khảo sát một số điểm trường và địa phương ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang và xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng để chuẩn bị kế hoạch lên trao tặng quà từ thiện cho học sinh nghèo và thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian tới.
Các em học sinh Trường THCS Giàng Chu Phìn cùng bà con trong bản Đề Lảng háo hức với món quà áo ấm từ TPHCM gửi tặng. |
Anh Lã Khánh Tùng, đại diện đoàn từ thiện Hội Đồng hương người Thái Nguyên ở TPHCM và Bình Dương đã cho biết: Hiện tại, đang có trên 4000 nghìn hội viên là người Thái Nguyên ở TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bà rịa-Vũng Tàu…tham gia sinh hoạt hội.
Hội đã nhận được nhiều tình cảm, sự giúp đỡ đùm bọc của bà con nhân dân các tỉnh phía Bắc và đặc biệt là Thái Nguyên trong đợt dịch Covid-19 hai năm qua. Nay dịch đã tạm lui, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã bình thường hóa trở lại, nghĩ đến lúc khó khăn được giúp đỡ nên các hội viên đã tự nguyện vận động đóng góp tiền, vật chất và các đồ dùng cần thiết để chia sẻ nhọc nhằn với các em học sinh và đồng bào vùng cao thiếu thốn, thiệt thòi.
Hội rất mong được hợp tác, đồng hành cùng với văn phòng Đại diện Khu vực Việt Bắc, Báo Giáo dục và Thời đại để thực hiện trách nhiệm xã hội từ thiện nhân đạo đến các vùng miền có trường học, học sinh và bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn ở các tỉnh phía Bắc.
Bình luận