Người dân xã Kha Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên xót xa vì rừng thông cổ bị chặt hạ

GD&TĐ - Thời gian qua, gần 140 cây thông cổ hơn 120 năm tuổi bị chặt hạ đã khiến người dân địa phương thắc mắc và đầy xót xa.

UBND xã Kha Sơn bán bình quân giá 150 nghìn/cây thông cổ thụ hơn 100 năm tuổi.
UBND xã Kha Sơn bán bình quân giá 150 nghìn/cây thông cổ thụ hơn 100 năm tuổi.

Rừng thông cổ được người Pháp đem giống về trồng tại nhiều xã trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Trong đó, rừng thông được trồng tại các xóm Mai Sơn, Tây Bắc, Trại Điện và xã Kha Sơn, huyện Phú Bình từ quãng thời gian 1896 – 1906 còn đến nay.

Năm 2010, rừng thông bị đe dọa chặt hạ khoảng 20 cây bởi một cán bộ lâm trường Phú Bình. Ngay sau đó nhân dân, báo chí cùng chính quyền, ngành chức năng đã vào cuộc ngăn chặn kịp thời, bảo vệ cảnh quan, môi trường và nguồn lâm sản cho địa phương.

Tan hoang rừng thông cổ hơn 120 năm tuổi tại xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Tan hoang rừng thông cổ hơn 120 năm tuổi tại xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Đến năm 2015, toàn bộ diện tích đất rừng thông do Lâm trường Phú Bình quản lý được UBND tỉnh Thái Nguyên thu hồi giao lại cho huyện Phú Bình và các xã trong vùng trông giữ.

Từ năm 2018 – 2022, UBND tỉnh Thái Nguyên cho phép một doanh nghiệp mở mỏ khai thác đất làm vật liệu san lấp tại 04 quả đồi ở xóm Tây Bắc, xã Kha Sơn. Nay đơn vị này yêu cầu chính quyền địa phương chặt cây trả đất cho doanh nghiệp khai thác mỏ, số phận của những cây thông cổ được định đoạt rất nhanh chóng bởi một hội đồng thẩm định giá do UBND xã Kha Sơn lập.

140 cây thông cổ thụ được mang ra đấu giá từ 1,2 triệu đồng/m3 gỗ nhỏ và 1,7 triệu đồng/m3 gỗ lớn. Tổng số tiền xã thu được 21.270.400 đồng. Như vậy, 140 cây thông cổ có vanh gốc từ 01 đến 02 người ôm có giá bình quân chỉ 150 nghìn đồng/cây.

Người dân xã Kha Sơn xót xa khi rừng thông cổ bị chặt hạ ngổn ngang.

Người dân xã Kha Sơn xót xa khi rừng thông cổ bị chặt hạ ngổn ngang.

Nhìn đống gỗ thông nằm ngổn ngang trên đồi, ông Nguyễn Quang Hưng không khỏi xót xa nói: "Người ta không biết bảo tồn cây cối để làm đẹp cảnh quan môi trường cho nhân dân và sân vận động của xã tới đây. Vì lợi ích trước mắt mà chặt hạ 140 cây thông bán với giá rẻ bất ngờ, nhân dân chúng tôi thấy tiếc và đau xót".

Gia đình ông Trần Văn Luân, bà Nguyễn Thị Hòa ở xóm Tây Bắc được lâm trường giao cho trông coi, bảo vệ rừng thông và khai thác nhựa cho đơn vị trong suốt 40 năm qua.

Ông Trần Văn Luân (áo xanh) trông coi, bảo vệ rừng thông cổ hơn 40 năm qua, nay đau đớn nhìn thông đổ gục.

Ông Trần Văn Luân (áo xanh) trông coi, bảo vệ rừng thông cổ hơn 40 năm qua, nay đau đớn nhìn thông đổ gục.

Ông Luân năm nay đã bước sang tuổi 75, tóc bạc da mồi, nhìn chăm chăm vào đống cây thông cổ ngã đổ, ứa nhựa, nghẹn ngào nói: "Từ lúc cụ nội tôi còn sống cho biết lúc sinh thời đã thấy cây thông có rồi, nhân dân bảo vệ bao nhiêu năm, nay họ chặt mà không báo với nhân dân trong xóm và cũng chẳng nói rằng gì với gia đình tôi.

Không có người dân trông nom mấy chục năm trời thì nay liệu có còn để chặt không? Người trông coi cũng không được chi trả tiền bảo vệ rừng nên tôi thấy có nhiều bất thường trong sự việc này. Gỗ bây giờ thì đắt, một cây thông cao 15-25m, hai người ôm không hết mà chỉ có giá 150 nghìn đồng thì quá rẻ mạt".

Trao đổi với ông Trần Quang Khải, Bí thư Chi bộ xóm Tây Bắc cho biết: "Chúng tôi thấy dân báo tin có đám người lạ đến chặt thông đổ rầm rầm ở núi Tung. Tôi cùng ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng xóm Tây Bắc và công an viên đến hiện trường thì đúng như lời dân báo. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại chặt thông, các anh có giấy tờ gì không? Họ liền đưa ra trước mặt chúng tôi bản hợp đồng do UBND xã Kha Sơn bán thông.

Bây giờ, chúng tôi thắc mắc việc chặt hạ thông tươi là rất hệ trọng. Xã căn cứ vào văn bản nào, cấp nào cho phép mà dám cho chặt thông? Hồ sơ đấu giá thì công khai ở đâu, sao nhân dân và xóm không biết?. Nhân dân rất bất bình, đề nghị cần được làm rõ, công khai sáng tỏ trước nhân dân".

Một trong 12 cây thông bị chặt hạ ngoài phạm vi mốc giới của mỏ đất.

Một trong 12 cây thông bị chặt hạ ngoài phạm vi mốc giới của mỏ đất.

Trả lời phóng viên Báo GD&TĐ, ông Dương Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn cho biết: Xã khẳng định là thực hiện đúng quy trình, quy định, đã mời đại diện các phòng ban chức năng của huyện, hạt kiểm lâm về góp ý, thành lập hội đồng định giá, xong xuôi thì mới cho đấu giá; 08 người bỏ phiếu thì 1 người trúng thầu, xã đã làm thủ tục cho họ khai thác.

Thông cổ thì đã bị chặt hạ tan hoang, người mua gỗ đã vội vã mang toàn bộ gỗ thông đi khỏi hiện trường ngay sau hôm phóng viên xuất hiện tại xóm Tây Bắc. Ngoài ra, một tình tiết đáng chú ý là những người chặt thông đã cắt 12 cây thông tươi ngoài phạm vi được cắm mốc phân giới của mỏ đất. Điều này rất cần cơ quan công an huyện Phú Bình vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm phá hoại cây thông tươi theo quy định của pháp luật.

Báo Giáo dục và Thời đại sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ