Chủ động khi dịch tay chân miệng có xu hướng tăng

GD&TĐ - Trong khi đó, tại TPHCM, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng.

Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng. Ảnh minh hoạ.
Từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng. Ảnh minh hoạ.

Theo số liệu từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế, trong 5 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, có 3 trường hợp tử vong tại Đắk Lắk, Kiên Giang, Long An.

Bộ Y tế nhận định, so với trung bình 5 năm gần đây, số ca mắc chưa có dấu hiệu tăng cao đột biến. Tuy nhiên, số mắc trong các tuần gần đây đã có xu hướng tăng nhanh và đã ghi nhận 3 ca tử vong trong tháng 5.

Trong khi đó, tại TPHCM, theo báo cáo của Viện Pasteur TPHCM, từ đầu năm đến nay, khu vực phía Nam ghi nhận 9.028 ca mắc tay chân miệng. Trong đó, có 4 ca tử vong với chẩn đoán tay chân miệng độ 4, đều dương tính với Enterovirus 71 (EV71).

Tại TPHCM, ghi nhận số ca mắc bắt đầu tăng từ tuần thứ 19 và tăng nhanh từ tuần thứ 21 đến nay. Số ca mắc tích lũy tay chân miệng tính đến nay là 2.407 ca, chưa ghi nhận ca tử vong.

Cũng theo thống kê, hiện có 18 trẻ bị nặng được điều trị tại các khoa hồi sức tích cực của 3 bệnh viện nhi đồng. Trong đó, có 1 trường hợp ngụ tại TPHCM, còn lại là từ các tỉnh chuyển về. Trong số này, 14 ca đang rơi vào tình trạng nguy kịch phải thở máy, 1 ca lọc máu.

Nhằm chủ động nguồn lực sẵn sàng cho hệ thống điều trị đáp ứng tình huống số ca mắc tăng cao, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kế hoạch đảm bảo công tác thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo ba kịch bản ứng phó với các trường hợp nặng (từ độ 2a trở lên, ước tính chiếm khoảng 10% ca bệnh nội trú).

Cụ thể, với tình huống có dưới 50 ca nhập viện mới/ngày, các bệnh nhi tay chân miệng được ưu tiên tập trung điều trị tại 3 bệnh viện chuyên khoa nhi của thành phố.

Tình huống thứ hai, khi số ca nhập viện mới mỗi ngày tăng từ 50 - 100, TPHCM sẽ nâng quy mô số giường điều trị lên 700 giường. Trong đó, có 80 giường hồi sức tích cực.

Tình huống thứ ba khi mỗi ngày có từ 100 - 200 ca mới, các cơ sở y tế có 700 - 1.400 ca điều trị nội trú với khoảng 70 - 140 ca nặng tại các bệnh viện. Tổng số giường điều trị cần chuẩn bị là 1.400 giường với khoảng 150 giường hồi sức tích cực.

Để tích cực phòng chống, giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh tay chân miệng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Bên cạnh đó, thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng; Ăn chín, uống chín. Vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi).

Sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. Không mớm thức ăn cho trẻ. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi. Không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

Hộ gia đình, nhà trẻ mẫu giáo, các hộ trông trẻ tại nhà cần thường xuyên lau sạch bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải của trẻ phải được thu gom, xử lý và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trẻ em phải được thường xuyên theo dõi sức khỏe để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...