Bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh có thể do…'trả nợ miễn dịch'

GD&TĐ - Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng nhanh, có thể do "trả nợ miễn dịch" sau thời gian dài cách ly vì Covid-19.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng được Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu hội chẩn từ xa với Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM)để điều trị.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng được Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu hội chẩn từ xa với Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM)để điều trị.

"Vay nợ” từ đại dịch Covid-19

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, hiện không thể lý giải nguyên nhân virus EV71 (gây bệnh tay chân miệng) tái xuất. Tuy nhiên, với các bệnh do virus không có vaccine phòng ngừa gây ra, thường chu kỳ 3 - 4 năm sẽ quay lại.

Tuy nhiên, lần này, bệnh đáng lo hơn. Bởi, nhiều bệnh lý khác như virus Adeno, virus hô hấp hợp bào RSV hay viêm phổi đều khiến số ca mắc tăng nhiều.

Nguyên nhân là trẻ “trả nợ miễn dịch” sau một thời gian dài dịch Covid-19 bị “nhốt” trong nhà. Trẻ không tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh bên ngoài. Sau Covid-19, trẻ được hòa nhập trở lại. Số trẻ nợ miễn dịch sẽ đồng thời nhiễm bệnh gây ra đợt dịch lớn.

Theo chuyên gia này, trước đây, bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong đợt dịch này, trẻ lớn hơn cũng mắc bệnh. Đó là do ảnh hưởng 2 năm trẻ cách ly Covid-19. Miễn dịch đối với bệnh tay chân miệng ở trẻ em không bền vững.

Điều này có nghĩa là, dù từng mắc bệnh, nhưng nếu tiếp tục tiếp xúc với nguồn lây, trẻ vẫn có nguy cơ nhiễm trở lại.

Do chưa có vaccine phòng tay chân miệng, nên phụ huynh được khuyến cáo hạn chế tối đa cho trẻ tiếp xúc với người bệnh. Nếu mắc bệnh, trẻ cần được nghỉ học để tránh lây lan cho các bạn cùng lớp.

Phụ huynh cần giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay, nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ.

Tránh bỏ sót dấu hiệu bệnh

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh tay chân miệng năm nay sẽ phức tạp khi tác nhân gây bệnh là EV71. Đã nhiều năm, TPHCM không ghi nhận ca tử vong vì tay chân miệng. Song, hiện nay, thành phố đã ghi nhận các trường hợp tử vong chuyển từ tỉnh lân cận. Tác nhân gây bệnh chính ở những ca này là EV71.

Chuyên gia này lưu ý, khi khám bệnh, nhân viên y tế cần nghĩ tới tay chân miệng. Dù trẻ đến viện vì bất kỳ lý do gì, thì cũng cần thăm khám thật kỹ, tránh bỏ sót các dấu hiệu của bệnh.

Công tác truyền thông cho phụ huynh, giáo viên về nhận biết dấu hiệu bệnh và đặc biệt là dấu hiệu tay chân miệng chuyển nặng rất cần thiết.

EV71 có đặc tính làm bệnh chuyển nặng nhanh. Để hạn chế nguy cơ biến chứng và tử vong ở trẻ, việc theo dõi sát, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển nặng là cực kỳ quan trọng.

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng được chỉ định điều trị, chăm sóc tại nhà. Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý không cho bé đi học, không đến chỗ đông người trong ít nhất 10 ngày.

Cần thường xuyên theo dõi phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gồm: Sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, rung giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông.

Phụ huynh đưa trẻ đến ngay bệnh viện khi trẻ có một trong các dấu hiệu trên.

Bởi, theo bác sĩ Khanh, tay chân miệng không giống sốt xuất huyết. Với sốt xuất huyết, ngay khi sốt, cha mẹ có thể biết trẻ đang ở ngày thứ mấy của bệnh. Song, với trẻ mắc tay chân miệng khi nổi bóng nước, phụ huynh có thể không biết con bị từ ngày nào.

Về lý thuyết, trẻ tay chân miệng có nguy cơ trở nặng vào ngày thứ 2 của bệnh. Tuy nhiên, theo bác sĩ Khanh, bất kể khi nào phát hiện trẻ nổi bóng nước hoặc sốt, cha mẹ cần chú ý và cảnh giác nguy cơ con trở nặng từ ngày đó.

“Không phải tất cả trẻ bị tay chân miệng đều nặng, chỉ khoảng 3 - 5%. Tuy nhiên, trẻ mắc tay chân miệng vẫn chơi không có nghĩa là sẽ không bị bệnh nặng”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Tiến sĩ Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết, bệnh tay chân miệng ở nước ta có xu hướng xảy ra vào mùa Hè và đầu Thu. Trong năm nay, từ tháng 4 - 6 là thời điểm bệnh tay chân miệng đang tăng số ca mắc.

Đây là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, phổ biến là do nhóm Coxackievirus và Enterovirus 71.

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị hỗ trợ, theo dõi và điều trị các biến chứng, kháng sinh chỉ được dùng trong trường hợp có bội nhiễm.

Đối với trẻ bị tay chân miệng ở mức độ nhẹ, các bé sẽ loét miệng và mọc ban da. Khi đó, trẻ có thể được điều trị và theo dõi tại nhà. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ bằng cách uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. Vệ sinh răng miệng và thân thể hằng ngày tránh bội nhiễm.

Trong quá trình chăm sóc, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu nặng cần cho trẻ nhập viện: Trẻ sốt trên 39 độ C, nôn nhiều, giật mình. Trẻ có biểu hiện quấy khóc, bứt rứt, khó ngủ hay ngủ gà, lơ mơ. Trẻ run chân tay, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng. Da nổi vân tím, vã mồ hôi, tay chân lạnh. Về hô hấp, trẻ thở nhanh, thở bất thường, ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

Truyện ngắn: Mẹ và vợ

GD&TĐ - Gã thuộc mẫu người hướng ngoại: Ưa bay nhảy, thích gặp gỡ kết giao, trà dư tửu hậu với bạn bè hơn đoàn tụ chuyện trò cùng anh em, cha mẹ, vợ con.