Nguy cơ bệnh tay chân miệng lan rộng ở các tỉnh phía Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ở các tỉnh phía Nam, bệnh tay chân miệng đang tăng với tốc độ chóng mặt.

Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. (Ảnh: Mai Mai)
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng, điều trị tại BV Nhi đồng Thành phố. (Ảnh: Mai Mai)

Lưu hành bất thường

UBND TPHCM đã ban hành văn bản khẩn về tăng cường phòng chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn TP, trong đó yêu cầu các địa phương chú ý khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, trường tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em. Ngành Y tế cần phối hợp Sở GD&ĐT và các đơn vị có liên quan kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng. Nếu phát hiện, cách ly sớm ca bệnh, thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường.

Ngày 8/6, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố (TPHCM) hối hả thiết lập máy thở, đặt ống nội khí quản giúp thở và lọc máu liên tục cho một cháu bé 17 tháng tuổi vừa được chuyển lên từ tỉnh Đồng Tháp.

Trước đó, bé bị sốt, ói và có uống thuốc ở phòng khám tư nhưng không đỡ. Đến ngày thứ 4 của bệnh tay chân miệng, bé đột ngột sốt cao, khó hạ, giật mình chới với, mạch tăng nhanh.

Khi nhập viện, bé đã rơi vào suy hô hấp, da chuyển sang màu tím tái. Hệ thống lọc máu liên tục được đưa vào hoạt động để giúp loại trừ cơn bão cytokin, cứu được bệnh nhi.

Tuy nhiên, 1 trường hợp khác đã không may mắn như vậy.

Ngày 31/5/2023, một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng đã tử vong tại BV Nhi đồng 1 sau khi được chuyển viện từ BV Đa khoa tỉnh Tiền Giang. Lúc chuyển viện, bệnh nhi trong tình trạng rất nặng, phù phổi cấp và sốc nặng (độ 4).

Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn thành phố có 1.972 trẻ mắc bệnh tay chân miệng và có dấu hiệu gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, số ca mắc trong một tuần cao gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho thấy, trong tuần 22 ghi nhận 287 ca, còn trung bình 4 tuần trước là 123 ca. Số ca bệnh tay chân miệng tăng ở cả 2 nhóm điều trị nội trú và ngoại trú. Đa số bệnh nhi nhập viện là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có ít nhất 7 trường hợp nặng.

Chỉ tính riêng tại BV Nhi đồng TPHCM, trong một tuần, nơi này tiếp nhận 5 trường hợp nặng (3 trẻ từ tỉnh chuyển lên và 1 tại TPHCM), có 3/5 trẻ trong tình trạng nặng, phải thở máy.

BS Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP - cho biết: “Trong 2 tuần gần đây, bệnh tay chân miệng tăng đột biến, có thể bùng phát dịch, thậm chí nếu không kiểm soát, sẽ xảy ra dịch chồng dịch khi các ca bệnh sốt xuất huyết cũng đang vào mùa”.

Các bác sĩ nhận định bệnh tay chân miệng lưu hành quanh năm với 2 đỉnh dịch từ tháng 2 - 4 và tháng 10 - 12. Đợt bùng phát cuối tháng 5, đầu tháng 6 là sự lưu hành bất thường của bệnh.

“Thời tiết tại các tỉnh phía Nam nắng nóng sau đó xuất hiện mưa rào, khiến độ ẩm tăng cao, là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh tay chân miệng phát triển. Đáng lo ngại, đa phần các trường hợp nặng, sau khi xét nghiệm đã phát hiện là do virus Enterovirus 71 gây ra. Đây là virus gây bệnh tay chân miệng nặng và lây lan nhanh”, BS Nguyễn Minh Tiến cho biết.

Nhóm nghiên cứu BV Nhi đồng 1 - BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford - OUCRU sau khi giải trình tự gene đã phát hiện các bệnh nhi bị mắc bệnh tay chân miệng mức độ nặng đang nhiễm chủng B5 của virus Enterovirus (EV71) - chủng đã gây dịch tay chân miệng tại TPHCM vào năm 2018 và tại Đài Loan (Trung Quốc) vào năm 2007.

Tháng 7 sẽ có đủ thuốc điều trị?

Những mụn nước nổi trên bàn tay của một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, điều trị tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM). (Ảnh: Hiếu Hiền)
Những mụn nước nổi trên bàn tay của một bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, điều trị tại BV Nhi đồng 1 (TPHCM). (Ảnh: Hiếu Hiền)

Trước diễn biến phức tạp của bệnh, ngày 1/6, Sở Y tế TP gửi Công văn số 4115 xin hỗ trợ cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng.

Tuy nhiên, phản hồi của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) hôm 5/6 cho thấy sẽ không có sự cung ứng nào từ phía Bộ Y tế. Thay vào đó, Cục Quản lý Dược đề nghị TPHCM phải “tự lo”.

Công văn 5962 ngày 5/6 của Cục Quản lý Dược nêu rõ: “Sở Y tế TPHCM khẩn trương chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đóng trên địa bàn có nhu cầu sử dụng thuốc kịp thời, chủ động liên hệ với các cơ sở nhập khẩu để dự trù, đặt hàng, mua sắm và dự trữ thuốc theo đúng quy định. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để đảm bảo nguồn cung về thuốc”.

Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu thuốc cho Cục Quản lý Dược, thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml còn 2.559 hộp; giữa tháng 8/2023, nhà sản xuất sẽ tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250ml. Thuốc Immunoglobulin người 5% còn 300 lọ, cuối tháng 7/2023, nhà sản xuất sẽ cung ứng từ 5.000 - 6.000 lọ. Hiện đang có 13 loại thuốc Immunoglobulin và 1 loại thuốc Phenobarbital được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Cục Quản lý Dược cũng cho biết đã cấp phép cho Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 được nhập khẩu thuốc Barbit để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh. Theo báo cáo của công ty, 21.000 ống thuốc (phenobarbital 200mg/ml) sẽ về Việt Nam vào đầu tháng 7/2023.

Để kịp thời phòng chống dịch lan rộng, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến cáo ngành Y tế phải phối hợp với ngành Giáo dục để kịp thời thông tin cho trường học, nhất là các trường mầm non, người chăm sóc trẻ, cha mẹ trẻ thường xuyên khử khuẩn môi trường như nền nhà, đồ chơi, tay nắm cửa; tuân thủ vệ sinh tay trước và sau khi cho trẻ ăn.

“Bệnh viện tiếp nhận nhiều ca bệnh tay chân miệng nặng từ các tỉnh miền Tây chuyển lên, nên việc kiểm soát dịch tay chân miệng không chỉ thực hiện tại TPHCM, mà còn phải liên kết với các tỉnh, thành khác thông qua chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Người lớn có thể mang mầm bệnh tay chân miệng và không có triệu chứng nên có thể lây cho trẻ khi chăm sóc trẻ. Cần phải tập trung kiểm soát lây lan trong các trường mầm non vì đa phần trẻ mắc bệnh dưới 5 tuổi”, BS Nguyễn Minh Tiến khuyến nghị.

BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 (TPHCM), lưu ý cha mẹ nên chú ý đến những dấu hiệu chuyển nặng của trẻ, nếu không kịp thời cấp cứu sẽ dẫn đến các biến chứng ở hệ thần kinh, hô hấp, tuần hoàn...

Cần đưa trẻ đến cấp cứu khi phát hiện trẻ sốt cao khó hạ, da tím tái, thở co lõm ngực, yếu liệt tay chân, nuốt khó, đi đứng loạng choạng...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.