Bà Thanh Thị Ngọc Ẩn – Hiệu trưởng Trường TH Phan Thanh 1 (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) trả lời phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại về vấn đề liên quan đến việc nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số thông qua giáo dục, tránh bị lãng quên, mất gốc do tốc độ phát triển của xã hội.
- Bà đánh giá như thế nào về việc người dân tộc thiểu số chỉ biết nghe và nói tiếng của mình?
- Nguyên nhân người DTTS chỉ nghe, nói nhưng không biết đọc, viết là do tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự du nhập mạnh mẽ của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Theo đó, việc học học lên cao, sử dụng văn bằng, phục vụ trong cuộc sống thì chỉ cần biết tiếng Việt, tiếng Anh. Thực tế, tiếng Chăm chỉ học đến lớp 5 và khép lại, hành trang cho những học sinh Chăm chỉ là kỷ niệm tuổi thơ, không phải là vấn đề bắt buộc trong hành trình trong cuộc sống sau này. Do đó, người dân tộc Chăm không xác định được mục đích của việc học để làm gì?
- Vì sao bà chọn nghề giáo viên và dạy môn tiếng Chăm?
- Bản thân là người dân tộc Chăm nhưng tôi rất yêu thích tiếng Việt, nhất là môn văn. Điều đó thôi thúc tôi phải đạt được ước mơ một ngày đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học sinh về đất nước, con người, tình yêu quê hương, về khói lam chiều của làng quê Việt Nam… Năm 1992, ước mơ của tôi thành hiện thực. May mắn, trước khi ra trường, tôi được tham gia lớp học tiếng Chăm 3 tháng để bổ sung kiến thức, về quê giảng dạy tiếng Việt và tiếng Chăm cho con em đồng bào dân tộc mình.
- Ai là người truyền lửa cho bà trong việc học tiếng Chăm trong quá trình làm sinh viên?
- Vì tiếng Chăm có nét, dấu câu, chữ đệm… giống nhau, khó phân biệt nên tôi tự tìm cách học riêng qua thơ Chăm (Ariya). Tôi bắt đầu dịch thơ từ tiếng Chăm qua tiếng Việt theo nhiệm vụ được thầy giáo Nguyễn Ngọc Đảo (giáo viên dạy cô lúc bấy giờ - PV). Sau khi ra trường, nhờ quá trình dịch thơ mà tôi có thể vận dụng nhiều trong việc quản lý và bổ trợ chuyên môn trong công tác giảng dạy 2 tiết/tuần.
- Theo bà, giữa dạy và học tiếng Việt và tiếng Chăm có khác biệt như thế nào?
- Khó khăn ở tiếng Việt: Trong gia đình và xã hội, học sinh giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Chăm nên vốn tiếng Việt rất ít. Học sinh ít đọc sách, nếu đọc chỉ xem hình nên việc hành văn của các em khô khan, viết câu cụt. Đây cũng là lý do các em học tiếng Việt vì bắt buộc, thiếu yêu thích và hứng thú, giảm hiệu quả trong việc học.
Khó khăn ở tiếng Chăm: Ngôn ngữ nói và viết khác nhau nên việc dạy và học ít có trải nghiệm thực tế. Tài liệu tham khảo ít, giáo viên chủ yếu từ mày mò học, đồ dùng học tập đơn điệu, tính thẩm mỹ không cao làm giảm sự thích thú học ở trẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh đa phần không biết chữ nên việc dạy và học của trẻ ở nhà rất khó khăn
- Bà đánh giá như thế nào về công tác bảo tồn văn hóa tiếng Chăm thông qua giáo dục?
- Việc dạy học tiếng DTTS nói chung và tiếng Chăm có ý nghĩa lớn trong công tác bảo tồn chữ viết và văn hóa dân tộc, góp phần gìn giữ tiếng nói và chữ viết, giúp lưu giữ hồn cốt từ đời này sang đời khác, nối dài truyền thống của cộng đồng theo thời gian, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân tộc Chăm. Bảo tồn chữ viết Chăm và văn hóa dân tộc Chăm để hiểu về lịch sử dân tộc, để văn hóa Chăm tồn tại, phát triển cùng với nền văn hóa của các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Từ đó, giúp mỗi người dân tộc Chăm tự hào và phát huy di sản dân tộc, giữ gìn và phát triển văn hóa đó.
- Trong vai trò quản lý, bà có những trăn trở gì?
- Quá trình hình thành và phát triển môn tiếng Chăm tại Trường TH Phan Thanh 1 từ năm học 2013 – 2014. Thời gian đầu, học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu và ghi nhớ, tỷ lệ tham gia học đạt hơn 80% tổng số học sinh dân tộc Chăm. Tuy nhiên, qua thời gian, giáo viên tại trường sử dụng nhiều phương pháp khiến các em thích môn học này, tỷ lệ đăng ký tham gia học tiếng Chăm hiện nay đạt 100%.
- Nhà trường lồng ghép văn hóa Chăm vào các buổi học môn tiếng Chăm qua hình thức nào?
- Nguyện vọng của phụ huynh và học sinh người Chăm là được học tiếng mẹ đẻ để lưu giữ bản sắc, văn hóa dân tộc. Thông qua đó, mỗi bài học, chủ đề, nhà trường đều lồng ghép qua vật thật, vật mẫu hoặc hoạt cảnh ngắn, liên hệ thực tế, vận dụng trong cuộc sống để học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa dân tộc Chăm.
- Bà có định hướng gì trong tương lai để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng dân tộc thiểu số nói chung và tiếng Chăm nói riêng?
- Hiện nay, tôi yêu cầu tất cả học sinh Chăm phải viết trên nhãn tập vở và sách giáo khoa song ngữ Chăm – Việt. Với các môn học khác, học sinh dịch Chăm - Việt nội dung trọng tâm của bài học, khuyến khích học sinh học tiếng Chăm mọi lúc, mọi nơi ở trường và khi về nhà. Học sinh có thể hướng dẫn phụ huynh cùng học; cả gia đình cùng duy trì việc học tiếng Chăm, bảo tồn văn hóa qua tiếng Chăm và chủ động tự học khi lên THCS.
- Bà có mong muốn gì để tiếng Chăm được bảo tồn và phát triển?
- Tôi mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm đến ngôn ngữ, chữ viết tiếng Chăm trên địa bàn huyện Bắc Bình nói riêng và toàn tỉnh Bình Thuận nói chung. Đồng thời, có chủ trương bảo tồn, phát huy bộ chữ tiếng Chăm nhằm làm phong phú kho chữ viết trong cộng đồng người Việt Nam. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến việc dạy và học tiếng Chăm như tài liệu, thiết bị dạy học, sách giáo khoa cần có hướng xử lý sớm và xuất bản sách kịp thời. Những trường có dạy tiếng Chăm có định biên cao hơn các trường khác (định biên 1,7) vì có dạy thêm 2 tiết/tuần tiếng Chăm. Thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Chăm hằng năm để có đội ngũ kế cận khi có biến động về giáo viên Chăm.